002. Quản lý đầu tư qua mạng: Mất và “được”

(DĐDN) – LTS: Thời gian gần đây, mô hình đầu tư siêu lợi nhuận qua mạng (HYIP) đã bị… các cơ quan thông tin vạch ra chân tướng – một hình thức lừa đảo tinh vi. DĐDN đã liên hệ với các cơ quan chức năng để tìm hiểu sự việc. Mặc dù đã liên hệ rất nhiều đầu mối nhưng… đều bị từ chối với cùng một lý do… “không phải là cơ quan quản lý”. Tuy nhiên, các luật sư lại nhìn nhận: sự việc trên cho thấy một “lỗ hổng” lớn trong công tác quản lý. Và cái được lớn nhất chính là phương pháp để lấp đầy “lỗ hổng” quản lý đó.

Trả lời DĐDN, Tiến sĩ – Luật sư Trần Đình Triển – Trưởng Ban Pháp luật và Nghiệp vụ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thẳng thắn: văn bản pháp luật của chúng ta chưa quy định rõ và cụ thể cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm quản lý chính nên “lỗ hổng” này thật khó lấp. Vì vậy, đã đến lúc phải xây dựng những văn bản pháp luật mang đầy hơi thở của cuộc sống và chắt lọc từ những “cây đời xanh tươi”.

– Trong thời gian gần đây, hình thức đầu tư qua mạng đã được nhiều cơ quan thông tấn cảnh báo. Đây đó có ý kiến cho rằng, hiện VN chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quản lý vấn đề này. Với tư cách một luật sư trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, quan điểm của ông ra sao?

Theo tôi, Luật Hình sự đã quy định rõ: Những thủ đọan gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác là hành vi lừa đảo. Hình thức “đầu tư qua mạng” như cách bạn gọi, với những mánh khóe đó, có thể khẳng định rằng đây là hành vi lừa đảo. Còn qua mạng hay qua cách thức nào khác cũng chỉ là công cụ thực hiện hành vi mà thôi.

Ngoài ra, chúng ta còn có Luật Giao dịch điện tử đã quy định rất cụ thể những hành vi bị cấm khi giao dịch qua mạng. Bởi dưới góc độ kinh doanh, những giao dịch qua Intenet là một thành tựu của khoa học giúp con người nhanh chóng đi đến những giao kết kinh tế – dân sự cùng có lợi. Vì vậy, những đối tượng lợi dụng thành tựu đó để lừa đảo, làm trái pháp luật cần phải được xử lý thật kịp thời và nghiêm minh.

– Nhưng phải đến khi báo chí vào cuộc, các cơ quan chức năng (ở đây là cơ quan Cảnh sát điều tra) mới xử lý. Và hệ lụy của hình thức đầu tư này đã và đang xảy ra, thưa ông?

Phải nói thật là những văn bản pháp luật của chúng ta chưa quy định rõ và cụ thể cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm quản lý hệ thống an ninh mạng. Quản lý kinh doanh tiền tệ thuộc chức năng của Ngân hàng nhà nước, quản lý mạng thuộc về Bộ Thông tin và truyền thông, chức năng xử lý hành vi vi phạm pháp luật thuộc về các cơ quan tư pháp (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Thanh tra…). Theo tôi, đây là điều cần được cụ thể hóa, phân công trách nhiệm và thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ.

– Vậy theo ông hình thức “đầu tư” qua hệ thống mạng như thế này cần giao cho cơ quan nào chịu trách nhiệm chính?

Theo quan điểm của tôi trách nhiệm chính trong quản lý phải thuộc về Bộ Thông tin và truyền thông.

– Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, ngoài một số hoạt động qua mạng có tính chất lừa đảo, vi phạm pháp luật; thì một số hoạt động mang tính chất như một trò chơi bằng tiền ảo. Vì vậy không nên cấm mà hãy tổ chức lại, xác định đây là hoạt động kinh doanh để quản lý và thu thuế, thưa ông?

Vừa qua, chúng ta đã đưa ra lấy ý kiến dự thảo về cho phép kinh doanh một số hoạt động vui chơi giải trí (trong đó có cá cược bóng đá) nhưng đến nay vẫn chưa ban hành. Vì vậy, tất cả những gì pháp luật cấm, chưa cho phép đều không được hoạt động.

Còn với những “trò chơi” mang tính xã hội như cá độ bóng đá hay trò chơi lành mạnh khác trên mạng… đã đến lúc ta phải hợp pháp hóa và quản lý bằng luật pháp, đưa những hoạt động đó vào một “khuôn khổ” pháp lý – thuộc nghề kinh doanh đặc biệt với những điều kiện chặt chẽ đối với người kinh doanh và người chơi. Tôi cho rằng, đây là loại hình kinh doanh mà DN hay người kinh doanh phải chịu trách nhiệm vô hạn.

– Vậy liệu hình thức đầu tư này có tạo nên một hiệu ứng domino như hình thức lừa đảo qua “hụi họ” những năm 90 thế kỷ trước không, thưa ông?

Theo tôi thì không hẳn như vậy. Chúng ta có cả đau và được ấy chứ.

Trong vụ này, cái đau là chúng ta đã mất cảnh giác, buông lỏng quản lý, lơi lỏng trong an ninh mạng. Những “nhà đầu tư qua mạng” của chúng ta lại quá thiếu hiểu biết và hám lợi. Nếu làm tốt có lẽ hệ lụy này đã không xảy ra, bởi vì phòng bao giờ cũng tốt hơn chống.

Nhưng cái được cũng không ít. Sau sự kiện đổ vỡ của “đường dây” huy động vốn Nguyễn Văn Mười Hai, các cơ quan quản lý nhà nước đã kịp thời xây dựng một hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh tiền tệ, huy động vốn của DN, “hụi họ” trong quan hệ dân sự…

Sau vụ việc này, tôi tin là chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm để quản lý tốt cho những giao dịch dân sự – kinh tế, hành chính… qua mạng. Đặc biệt, đây cũng là một cảnh báo cho các nhà đầu tư – trước khi tham gia bất cứ giao dịch dân sự – kinh tế nào cũng cần có sự hiểu biết nhất định và quan trọng hơn… đừng bao giờ “hám lợi”.

– Xin cảm ơn ông!

Trưởng Ban Pháp chế VCCI Trần Hữu Huỳnh: Cần cơ chế cảnh báo kịp thời

Vụ việc tín dụng đa cấp trên mạng thêm một lần nữa đặt ra vấn đề – làm sao nâng cao sức đề kháng của XH nói chung và các cá nhân trước những biến chuyển của đất nước khi VN đã hội nhập WTO. Đã ra thị trường thế giới thì không thể tránh khỏi có những tác động tiêu cực và tích cực. Muốn khắc phục được tối đa những mặt tiêu cực cần phải có công cụ. Công cụ ở đây chính là tạo sức đề kháng cho 3 nhóm đối tượng: các cá nhân trong xã hội; các tổ chức xã hội và cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ nhất, đối với người dân, với nhà đầu tư cần nhận thức rằng sẽ có nhiều rủi ro dưới dạng này hay dạng khác có thể xảy ra với mình nên cần có phản xạ cẩn trọng và phải biết thắng lòng tham của chính mình.

Thứ hai, các tổ chức xã hội tạo sức đề kháng bằng cách nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, trở thành tổ chức tư vấn giúp đỡ các cá nhân, nhà đầu tư hiệu quả và uy tín. Tại sao có tình trạng lặp đi lặp lại chuyện lừa đảo xuất khẩu lao động? Tại sao giữa Hà Nội mà có thể diễn ra vụ nhục hình một con người 10 năm trời không tổ chức xã hội nào biết đến, chưa nói đến giải cứu? Và mới nhất là vụ lừa đảo đầu tư qua mạng, hàng chục nghìn người ở nhiều tỉnh thành trở thành nạn nhân trong thời gian không phải ngắn vậy mà không một tổ chức xã hội nào lên tiếng cảnh báo hay thông báo dấu hiệu nghi ngờ cho các cơ quan chức năng vào cuộc. Như vậy, các tổ chức trên trở nên thụ động và đánh mất khả năng cần phải có trong hoạt động của mình. Do đó, nếu các tổ chức xã hội hoạt động thật sự hiệu quả sẽ giúp ngăn ngừa từ xa các hoạt động lừa đảo.

Thứ ba, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước từ dưới lên trên phải vận hành kịp thời để sớm phát hiện các vụ việc và ngăn chặn. Liên quan đến giao dịch điện tử có nhiều bộ ngành vậy mà chẳng đơn vị nào nhìn ra cho mãi đến khi báo chí vào cuộc. Vụ việc này cho thấy, cần phải thường xuyên rà soát các điều kiện kinh doanh để kịp thời sửa đổi, bổ sung đối với những điều kiện kinh doanh cũ cũng như bổ sung những ngành nghề kinh doanh mới để bảo vệ lợi ích số đông. Điều này đòi hỏi phải xây dựng được cơ chế mở, linh hoạt kịp thời và đó là trách nhiệm của Nhà nước.

Luật gia Nguyễn Tấn Tài – TP HCM: Quản lý nhà nước hoàn toàn tê liệt

Tại sao chúng ta có cả bộ máy trong tay, kể cả hệ thống pháp luật, mà khi vụ việc xảy ra, không có ai can thiệp? Trong khi hệ thống pháp luật cũng nêu rất rõ. Cụ thể, Nghị định 202/CP quy định: hành vi huy động vốn trái phép, hành vi huy động ngoại tệ trái phép đều là trái pháp luật. Như vậy, các cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể xử phạt hành vi này để ngăn chặn từ đầu. Vậy mà UBND cấp tỉnh đều án binh bất động, không có bất kỳ một động thái can thiệp nào. Mặt khác, toàn bộ hệ thống Ngân hàng, từ Ngân hàng nhà nước VN đến các ngân hàng nhà nước địa phương đều dửng dưng và im hơi lặng tiếng. Việc này ví như, nhà quản lý (người canh cửa) đã lơ là, để cửa ngỏ cho “giặc” vào dễ dàng. Về phía người bị hại, đã không tỉnh táo trước lợi nhuận. Thấy cái gì mới, thấy một số người làm, nghe nói có lãi, chưa biết hiệu quả ra sao, đã đổ xô vào bắt chước người khác, không thèm tìm hiểu lề luật, bất chấp hậu quả. Đây là tâm lý “bầy đàn” rất nguy hiểm. Nó để lại hậu quả cho đông người trong một thời gian dài.

Để tránh hậu họa, lẽ ra chính quyền và hệ thống ngân hàng phải ra tay trước. Đây có thể coi như một bài học kinh nghiệm. Mặt khác, để tự bảo vệ mình, DN cũng như người dân nên cảnh giác trước những món lời quá lớn, quá nhanh, quá dễ. Bởi thực tế không bao giờ và không có cách kinh doanh nào lại có lãi suất siêu như vậy (2,5-3%/ngày). Bài học từ vụ nước hoa Thanh Hương đổ bể cách đây chục năm còn sờ sờ ra đó. Mà DN Thanh Hương huy động vốn trả lãi suất 15%/tháng – là lấy vốn kinh doanh thực sự, huống chi vụ Colony Invest là kinh doanh hoàn toàn ảo.

Luật sư Trương Thanh Đức – Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Hàng Hải VN: Quản lý phải theo sát “hơi thở” cuộc sống

Đầu tư tài chính qua mạng có thể hiểu đơn giản là một dạng đầu tư kinh doanh thông thường nhưng được giao dịch từ xa thông qua phương tiện điện tử, thay vì phải đến tận nơi. Cả hoạt động đầu tư và giao dịch điện tử của chúng ta đều đang trong giai đoạn tăng tốc mạnh mẽ. Vì vậy, đầu tư tài chính qua mạng là một nhu cầu rất thực tế. Những hoạt động này trên thế giới là tương đối phổ biến. VN cũng đã có Luật Giao dịch điện tử từ năm 2005 điều chỉnh. Nhiều ngân hàng và Cty chứng khoán cũng đã áp dụng các giao dịch điện tử vào hoạt động thanh toán, chuyển tiền, mua, bán chứng khoán. Tuy nhiên hàng nghìn người bị lừa trong một thời gian dài. Đây là một lời cảnh báo về những loại tội phạm mới khi chúng ta hội nhập. Vì vậy, đối với nhà đầu tư, cần nhắc lại một nguyên lý về tiền bạc trong cuộc sống, đó là: Sự nguy hiểm luôn tăng theo lãi suất. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần phải theo sát “hơi thở” cuộc sống thì mới hoàn thành trách nhiệm “bảo hộ” người dân.

—————-

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 15-11-2007:

(242/2.617)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,604