004. Dự thảo Luật sửa đổi Luật thuế TNDN và Luật thuế GTGT: Dài luật – ngắn khoảng cách thực tế

(DĐDN) – Dự thảo sửa đổi Luật thuế TNDN và Luật thuế GTGT do Bộ Tài chính trình Chính phủ đã và đang nhận được nhiều góp ý, phản biện của giới chuyên môn và DN. VCCI cùng Báo DĐDN cũng đã nhiều lần đưa ý kiến góp ý và phản ánh những vướng mắc lên vibonline.com.vn và  ” bandoc@dddn.com.vn.

Trước thềm cuộc hội thảo lấy ý kiến về 2 dự án luật trên do Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội và Trung ương Hội các nhà DN trẻ Việt Nam ngày 14/3/2008, DĐDN xin giới thiệu 2 quan điểm đại diện quyền lợi DN và cơ quan soạn thảo.

LS Trương Thanh Đức – Trưởng Ban Thư ký HĐQT Maritime Bank: Cần thoát… hướng dẫn

Tăng giá trị cho thuế nhưng đừng làm giảm giá trị pháp lý

– Dưới góc độ của một luật sư chuyên tư vấn cho DN, dự thảo Luật thuế GTGT lần này theo ông còn những vấn đề gì cần bàn?

Tôi phải khẳng định rằng sửa đổi Luật thuế GTGT lần này là một yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, theo tôi, dự thảo luật lần này vẫn nặng tính… hình thức và vẫn phụ thuộc vào văn bản hướng dẫn. Quan điểm làm luật như vậy không có gì tiến bộ hơn so với mấy chục năm trước. Vẫn là luật khung, luật “ống”, luật nguyên tắc, luật “khẩu hiệu”. Các luật dạng này đã bị và sẽ tiếp tục bị nghị định, thông tư thoải mái “nhào nặn” và trói buộc như đa số các đạo luật khác.

– “Ống” đến đâu và “nhào nặn” thế nào, thưa ông?

Đơn cử như khoản 2, Điều 8 của Dự thảo quy định: “Hàng hóa, dịch vụ mua vào phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng trừ các trường hợp đặc biệt và hàng hoá, dịch vụ mua từng lần có giá trị thấp. Chính phủ quy định các trường hợp đặc biệt và mức tiền không phải thanh toán qua ngân hàng” là không đạt yêu cầu. Những vấn đề quan trọng như thế này, thì nhất thiết phải được quy định ngay trong luật.

Nếu không ấn định số tiền cụ thể trong trường hợp này, thì làm sao có thể lý giải cho được việc quy định tại Điều 10 của Dự thảo về hoàn thuế như sau: “Trường hợp cơ sở kinh doanh đầu tư mới đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, đang trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động, nếu thời gian đầu tư từ 1 năm trở lên mà số thuế GTGT sử dụng cho đầu tư từ 200 triệu trở lên thì được hoàn thuế theo quý”.

“2 Dự luật này thể hiện một cách quá đơn giản, ngắn gọn. Tôi đề nghị, “kéo dài” luật để rút ngắn khoảng cách giữa luật với thực tế; quy định cụ thể hơn để tạo ra một hành lang pháp lý chắc chắn, minh bạch cho DN. Chúng tôi mong muốn rằng Quốc hội hãy chỉ dành những nội dung cần hướng dẫn thoáng hơn, mở hơn cho các văn bản dưới luật, còn bắt buộc cái gì, yêu cầu nghĩa vụ thế nào thì hãy đưa hết vào luật. Đó là cách ứng xử văn minh và là cam kết có giá trị nhất của Nhà nước với doanh nhân, DN”.

– Vậy còn việc bỏ bớt thuế suất, nhiều DN cho rằng như vậy là đánh đồng, thưa ông?

Tôi không đồng tình với quan điểm này. Theo tôi, bỏ bớt thuế suất, được nhiều hơn mất.

Nếu là thuế doanh thu, thì rất cần phân thành nhiều mức thuế suất vì “đánh” đâu biết đấy. Nhưng thuế GTGT công bằng hơn hẳn là ở chỗ, được khấu trừ thuế đầu vào. Do vậy san đi, bù lại sẽ tránh khỏi tình trạng “sưu cao”, thuế nặng rơi vào một số hàng hoá, dịch vụ. Một số hoạt động khó khăn hay lĩnh vực cần đặc biệt khuyến khích hoặc đầu vào ít kèm theo thuế GTGT, thì đã được xử lý bằng cơ chế miễn giảm thuế.

Tuy vậy, dự luật dường như vẫn nghiêng hẳn về hướng bảo vệ người sản xuất truyền thống, chứ chưa thể hiện rằng phải bảo vệ người nộp thuế trong trường hợp này. đó là người tiêu dùng, người mua hàng hoá, dịch vụ, trong đó người sản xuất, cũng đóng vai là người kinh doanh và người tiêu dùng. Dự luật chưa thể hiện theo quan điểm kích cầu hiện nay, ngược lại hoàn toàn với quan điểm thắt lưng, buộc bụng như thời kỳ xây dựng luật này trước đây.

 

Đừng dùng hướng dẫn thay thế… luật– Cũng như dự luật thuế GTGT, dự luật thuế TNDN vẫn bị các DN cho rằng quá… vĩ mô. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Đúng vậy, Luật Thuế TNDN đã được xây dựng và sửa đổi nhiều lần, nhưng cho đến Dự thảo lần này vẫn chỉ là nguyên tắc chung chung, thiếu cụ thể, thiếu chi tiết…

Do đó, một trong những việc quan trọng là cần đưa phần lớn những nội dung đang được thể hiện trong các nghị định, thông tư vào Dự luật.

Trách nhiệm của cơ quan soạn thảo không phải là tìm cách gạt bỏ hết những nội dung khó, những vấn đề chưa “chín”, mà là cần phải xử lý nó, phải tạo ra những quy phạm tốt nhất để xây dựng luật có sức sống độc lập, bền vững để định hướng cho nền kinh tế.

– Nhưng đó cũng chỉ là một phần, theo ông, Dự luật mới còn có điểm gì “làm khó” DN, thưa ông?

Điều này thì… không khó xác định. Đơn cử, khoản 4, Điều 8 (Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế) của Dự thảo Luật thuế GTGT cũng giống như Luật thuế TNDN hiện hành đã quy định về một trong những khoản chi hợp lý để xác định thuế thu nhập là “trang phục”. Tuy nhiên, luật không chỉ ra được mức cụ thể hay đặt ra nguyên tắc để tính mức chi phí hợp lý chịu thuế. Đến nghị định của Chính phủ cũng vẫn không có gì rõ hơn. Cuối cùng, hoàn toàn phụ thuộc vào quyền “áp đặt” của thông tư. Thành thử thông tư mới thật sự quyết định và giá trị thực tế “cao” hơn luật.

Đơn cử: Nhiều DN chi tiền rất thực tế và hợp lý để may đo, trang cấp đồng phục cho người lao động, nhưng lại không được coi là chi phí hợp lý nếu chi trên 500 ngàn đồng/năm (từ cuối 2007 là 1 triệu đồng). Tại sao chúng ta không dám sòng phẳng mà áp “luật chơi”: Nếu có hoá đơn, chứng từ mua sắm hợp pháp, thì bao nhiêu cũng chi, ngược lại thì một đồng cũng không chi. Vì khoản chi của DN này chính là khoản thu của DN khác, giảm thuế ở nơi này thì sẽ tăng thu ở chỗ khác.

Thêm nữa, khoản 12, Điều 8 (Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế) của Dự luật cũng như Luật thuế TNDN hiện hành đều quy định một loạt khoản chi là: “Chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi… không vượt quá 10% tổng số chi phí”. Mức khống chế này chỉ phù hợp với thời kinh tế bao cấp. Giới hạn 10% chỉ đủ “giật gấu vá vai” để xây dựng thương hiệu. Bởi hiện nay, chỉ quảng cáo mỗi ngày vài chục giây trên truyền hình thì một năm cũng mất tới hàng chục tỷ đồng. Do vậy, tôi không biết các DN khác thế nào chứ nhiều ngân hàng buộc phải tìm cách lách luật, chẳng hạn làm biển quảng cáo tấm lớn, nhưng lại hạch toán thuê tài sản, thay vì hạch toán đúng là chi phí quảng cáo.

Đó là những chi phí hợp lý, cần thiết nhưng lại là những lỗi vi phạm pháp luật khá phổ biến mà người ta không hề mong muốn. Đã đến lúc cần mạnh dạn thay đổi quan điểm làm chính sách để tránh trình trạng, luật “xui” phạm luật!

Bởi đã yêu cầu các khoản chi phải có đủ hoá đơn, chứng từ hợp lý, hợp pháp, thì cũng cần nới lỏng con số “chết”, trói chân trói tay DN. Trong trường hợp này, tăng tỷ lệ chi cho hỗ trợ kinh doanh sẽ giảm thu ở khâu này nhưng sẽ tăng thu ở nơi khác và đặc biệt là giảm những việc vi phạm pháp luật không đáng có.

Hợp pháp nhưng không hợp lý, không thực tế. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn người ta đến việc phải hợp pháp hóa bằng cách: Mua bán hóa đơn, chế biến chứng từ khống, chấp nhận giao dịch giả…

– Xin cảm ơn ông!

 

Ông Nguyễn Văn Phụng – Bộ Tài chính: Sao phải phản ứng?

– Một vấn đề về quy định thanh toán qua ngân hàng đã cho thấy 2 cách nhìn không đồng nhất của ban soạn thảo và DN – đối tượng thực thi, thưa ông?

Đề án thanh toán qua ngân hàng đã được Chính phủ phê duyệt, theo tôi vẫn còn là muộn, nhưng muộn còn hơn không, muộn lại càng đòi hỏi phải khẩn trương và kiên quyết. Việc Luật thuế GTGT quy định điều kiện để DN được hoàn thuế, được khấu trừ thuế đầu vào phải thanh toán qua ngân hàng là một nội dung để triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt mà Chính phủ đã duyệt và đang triển khai. Việc này tôi xin nói cụ thể hơn để tránh sự hiểu lầm:

Thứ nhất, DN, cá nhân, tổ chức có thể thanh toán tiền mua bán hàng hoá, dịch vụ bằng bất cứ cách nào, tiền mặt, chuyển khoản, séc, uỷ nhiệm chi, bù trừ công nợ, chậm trả, ứng trước thanh toán sau… Còn mua hàng hoá của nông dân, của người không kinh doanh, không có tài khoản ngân hàng thì việc trả bằng tiền mặt là điều đương nhiên.

Thứ hai, các đối tác của DN là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp: khi được cấp phát kinh phí để hoạt động hoặc được Nhà nước cho cơ chế hoạt động tự trang trải thì họ phải trả tiền qua ngân hàng, qua kho bạc vì đó là tiền của ngân sách.

Thứ ba, DN nào mà chả có tài khoản ngân hàng mã số thuế… tại sao người ta lại phản ứng nhỉ? Đương nhiên, mức tiền đến bao nhiêu mới phải qua ngân hàng cũng là việc cần tính xem cho phù hợp. Việc này Chính phủ sẽ quy định trong nghị định cho phù hợp với thực tế trong từng thời kỳ, trong đó có tính đến năng lực đáp ứng của ngân hàng. Trường hợp nào phải qua ngân hàng, mức tiền đến bao nhiêu không thể quy định cứng trong luật ngay nhưng phải có dự thảo nghị định để Quốc hội xem xét, cân nhắc khi thông qua luật. Tôi xin nhắc lại việc thanh toán qua ngân hàng chỉ bắt buộc nếu DN muốn lấy lại tiền thuế của ngân sách. Quy định này sẽ làm mất đi đất sống của “DN ma” nên lúc này có nhiều DN đã từng chơi với ma chắc chắn sẽ phản ứng.

Mới đây, trên nhiều báo có đăng tin nhiều ngân hàng của ta đạt chuẩn quốc tế, được nhiều đối tác công nhận… tại sao nói đến thanh toán chuyển khoản họ lại lờ đi nhỉ? Tôi được biết cũng có ngân hàng còn “xui” DN… đừng có chuyển khoản, cứ tiền mặt đi, em phục vụ trọn gói! Thế là thế nào?

– Nhưng việc kê khai nộp thuế tại địa phương sẽ gây khó cho DN và tác động tới các địa phương thuộc câu lạc bộ 1000 tỷ?

Đúng là những người trong nhóm biên tập soạn thảo luật chưa tìm đúng từ ngữ phù hợp đối với quy định này. Dự thảo điều luật thì ghi là nơi nộp thuế nhưng nội hàm chính là xử lý số thuế mà DN nộp như thế nào cho phù hợp với thực tế quan hệ giữa các địa phương. Hiện nay nhiều địa phương mất đất nông nghiệp để làm KCN, vài chục năm không nộp gì vì tiền bồi thường giải phóng mặt bằng được trừ vào tiền thuê đất nhưng thuế TNDN do công nghiệp làm ra nơi khác lại được hưởng. Trật tự trị an, dịch vụ y tế, học hành cho con em công nhân, nhà ở… những cái đó tuy phải trả tiền nhưng rõ ràng là địa phương nơi có nhà máy, xưởng phải lo cả, ai cũng biết, bản thân DN cũng biết nhưng chẳng dại gì nêu ra.

Vấn đề đặt ra đối với dự thảo Luật sửa đổi được đặt ra là: tổng số tiền thuế TNDN phải nộp vẫn thế thôi, một tờ khai thuế, một bản quyết toán, DN chỉ biết một đầu mối là cơ quan thuế nơi đóng trụ sở chính nhưng tổng số tiền thuế đó sẽ phân bổ, chia ra và chuyển vào tài khoản của vài nơi. Việc này rõ ràng có tăng thêm 1 chút chi phí cho DN, thí dụ: thay vì viết 1 giấy nộp tiền, nay phải viết đến 2, 3 cái nếu như DN đó có đến 2, 3 nhà máy phụ thuộc đóng tại 2, 3 tỉnh. DN cũng mất thêm thời gian để tính và theo dõi các chứng từ đã nộp cả năm… Chúng tôi mong muốn có cơ chế thật đơn giản để DN chỉ nộp tương đối thôi, có lẽ khoảng 70% tạm nộp và phân bổ cho các địa phương ngoài nơi đóng trụ sở, số còn lại khi khai quyết toán thì thanh toán với nơi đóng trụ sở.

Mong muốn và yêu cầu đặt ra đối với quy định này là ở chỗ chỉ có 1 đầu mối cơ quan thuế mà thôi, không phải địa phương nào cũng cử cán bộ thuế nhảy cả vào DN. Tuy nhiên, cách hành văn cần phải chỉnh sửa cho dễ hiểu, làm thế nào để đạt được sự hợp lý giữa quyền và nghĩa vụ của DN đối với địa phương nhưng không gây thêm khó khăn cho DN mới là vấn đề cân nhắc kỹ hơn.

– Xin cảm ơn ông!

Hoàng Hương thực hiện

——————

Diễn đàn Doanh nghiệp 13-3-2008

(1.414/2.512)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.740. Trước đây bộ hợp đồng bảo hiểm quá...

(DT) - Trước đây, bộ hợp đồng bảo hiểm quá nhiều nội dung, nhiều trang...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.284. Hủy lệnh ngăn chặn giao dịch nhiều bất...

(TT) - Được bà Trương Mỹ Lan nhờ người đứng tên hộ, sau đó bất...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 209,605