005. Doanh nghiệp thiếu vốn: Không hẳn vì thiếu tiền

(DĐDN) – Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cho rằng, năm 2008 là năm ngân hàng thuận lợi hơn nhiều trong việc hút lượng tiền nhàn rỗi bởi thị trường chứng khoán đang sụt giảm, thị trường bất động sản đóng băng… vì thế lượng tiền nhàn rỗi… cực chẳng đã phải quay lại… ngân hàng.

Tuy nhiên, nhiều DN lại đang “than” khó vay vốn của các ngân hàng. Dưới góc độ một luật sư – một chuyên gia ngân hàng, Luật sư Trương Thanh Đức lại có quan điểm hoàn toàn khác. Ông cho rằng một nguyên nhân không nhỏ của việc thiếu vốn là DN đang… sợ vay ngân hàng.

– Từ đầu năm đến nay, các NHTM đã mở nhiều đợt khuyến mãi để huy động vốn, các nguồn vốn nhàn rỗi cũng được khuyên là… nên gửi ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều DN trong mọi lĩnh vực lại “than” thiếu vốn để mở rộng sản xuất. Vậy phải chăng ngân hàng đang… găm tiền, thưa ông?

Theo tôi thì không phải như vậy. Ngân hàng đã huy động vốn vào rồi, thì buộc phải nhanh chóng cho vay hoặc sử dụng vào mục đích sinh lời khác, chứ không dám “ôm” tiền để chịu thiệt.

Tuy nhiên, khi thị trường thuận lợi như trước đây, ngân hàng huy động được 10 đồng từ dân cư thì sẵn sàng cho vay ra 7-8 đồng, thậm chí nhiều hơn. Đến nay, do tình hình kinh tế có nhiều biến động, căng thẳng, nên ngân hàng huy động được 10 đồng, chỉ dám cho vay 4-5 đồng, còn lại là mua giấy tờ có giá. Việc đầu tư này hầu như không có rủi ro và bảo đảm sẵn sàng đối phó với tình trạng xấu có thể xảy ra.

Với lãi suất huy động bình quân lên đến gần 15%/năm và lãi suất cho vay kịch trần 18% như hiện nay, thì điều này càng thêm phần nan giải. DN thì “sợ” phải vay vốn với lãi cao, kinh doanh không hiệu quả. Ngân hàng thì “sợ” cho vay, vì chênh lệch 3% cũng không có lãi (vì phải trích dự trữ bắt buộc, dự phòng rủi ro và nhiều chi phí khác…).

– Theo lý giải của ông, tỷ lệ chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất huy động ở chỉ mức khoảng 3% khiến các ngân hàng không muốn cho vay. Nhưng sao các ngân hàng vẫn đua nhau tăng trần lãi suất huy động?

Ngân hàng e dè trong cho vay vì sợ không hiệu quả, sợ khó thu hồi vốn trong bối cảnh này.

Tuy nhiên để duy trì khả năng thanh toán, trả lại tiền huy động đến hạn hằng ngày và duy trì các khoản cho vay cũ, thì vẫn phải tiếp tục huy động từ công chúng.

Dù số vốn “hút” vào không phải nhiều, nhưng do “túi tiền” của người bán đã vơi, nên người mua buộc phải “mua đắt”, tức là trả lãi cao. Đây cũng là “cái khó” của ngân hàng…

– Huy động vốn từ kênh chứng khoán… bất khả thi, từ ngân hàng… cực khó, từ các cá nhân thì chẳng đáng kể… Vậy lối thoát nào cho DN khi cần vốn, nhất là vốn lưu động, thưa ông?

Hoạt động của DN gắn liền với thị trường. Khi thị trường thoái trào, thì đa số DN sẽ dễ rơi vào bế tắc, buộc phải “thắt lưng buộc bụng”, cân nhắc kỹ hơn đầu vào và chiến lược kinh doanh của mình.

Nhưng một số DN cũng vẫn “mở” được lối thoát cho mình. Nếu DN nào thực sự “khỏe”, phương án, dự án nào thực sự hiệu quả và khả thi, thì vẫn có nhiều ngân hàng mở rộng hầu bao. Bởi ngân hàng cũng chỉ chờ có thế. Cũng là DN, nên ngân hàng cũng rất sợ việc dừng lại việc kinh doanh, dừng cho vay. Nếu như vậy quá bằng ngân hàng… “chờ chết”.

– Nhưng những điều ông nói sẽ thực hiện được trong bao lâu? Các DN sẽ phải thắt lưng buộc bụng và giảm tỷ lệ đầu tư đến bao giờ?

Cái đầu của chúng ta dường như đã chậm điều khiển, để lỡ nhiều bước chân tiến vào nền kinh tế thị trường. Bây giờ, đến chỗ đường xấu, không thể duy trì tốc độ bình thường. Theo tôi, các DN trong thời điểm này nên “bảo trọng và giữ gìn sức khỏe” để tăng tốc ngay sau khi có thể. Đây là một chiến lược mà mỗi DN cần phải tính đến vì chặng đường còn chưa nhìn thấy dấu hiệu đến đích. Theo cá nhân tôi, khả năng khó khăn là hết năm nay, nếu không có những giải pháp đặc biệt, thì còn kéo dài đến cả năm sau.

– Dù không mở rộng sản xuất, để đảm bảo lợi nhuận thì các DN phải tăng giá đầu ra, đây là ảnh hưởng gián tiếp làm giá cả leo thang. Vậy theo ông hệ lụy trực tiếp là gì?

Tăng giá đầu ra để đạt được lợi nhuận, đó là tình thế bất đắc dĩ. Cả thị trường đều ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Đầu ra của DN này cũng là đầu vào của DN khác. Bán ra giá cao, lại phải mua vào giá cao là chẳng có ích gì, vì tỷ suất lợi nhuận vẫn không thay đổi. Nhưng điều tệ hại hơn là, giá cao thì mua vào được ít, mà bán ra cũng không được nhiều. Các DN đều phải hạn chế mua bán, giao dịch, không tăng trưởng được sản xuất kinh doanh. Người tiêu dùng không đủ sức leo thang cùng giá cả. Như vậy thì tất cả đều thiệt hại, vì Chính phủ, DN hay dân chúng, xét cho cùng cũng đều là hộ tiêu dùng.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hương thực hiện

————-

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 03-6-2008

 (1.025/1.025)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,717