1.000. Điêu đứng vì… điều kiện kinh doanh

(ĐBND) – Tạo sự minh bạch cho thị trường, xóa tình trạng doanh nghiệp tranh mua, tranh bán thậm chí bán phá giá hạt gạo, là điều Nghị định 109/2010 của CP hướng tới. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm đi vào thực hiện, không ít doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu gạo phải chật vật với những điều kiện kinh doanh mà chính Nghị định đề ra.

Đi “đường vòng” cũng không ổn

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 109 với những quy định về kho bãi, năng lực xay xát nhằm giảm thiểu tình trạng nhiều doanh nghiệp không gắn với vùng nguyên liệu; khắc phục tình trạng tranh mua, tranh bán làm cho gạo xuất khẩu có thể lên tới 5 – 7 triệu tấn nhưng giá thấp, hiệu quả xuất khẩu không cao. Tuy vậy, với điều kiện doanh nghiệp phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, đang khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa điêu đứng. Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI khẳng định, chỉ có doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước mới đáp ứng được các điều kiện mà Nghị định đề ra, chứ với doanh nghiệp tư nhân nếu xây dựng kho chứa thóc gạo, nhà máy xay xát theo yêu cầu để được xuất khẩu gạo thì sẽ không còn vốn kinh doanh nữa.

Từ những yêu cầu khắt khe đối với doanh nghiệp, thương nhân tham gia xuất khẩu gạo, sau hơn 5 năm Nghị định có hiệu lực thi hành, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo từ con số 230 đến nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng 80 doanh nghiệp. Bà Nguyễn Phúc Ánh, Giám đốc Công ty Lương thực Tấn Tài III cho biết, để đáp ứng được 2 điều kiện này, tối thiểu mỗi doanh nghiệp phải có từ 20 – 25 tỷ đồng đầu tư. Với lý do đó, công ty của bà đành phải bỏ xuất khẩu gạo và chỉ tập trung khai thác thị trường trong nước vì không đủ khả năng đầu tư số tiền lớn như vậy để xây những kho chứa khổng lồ.

Đại diện Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng thừa nhận, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có chất lượng cao như gạo hữu cơ hay gạo có giá trị dinh dưỡng thường là nhỏ. Với quy định của Nghị định này, họ sẽ khó đáp ứng đủ cơ sở vật chất để được nhận giấy phép, buộc phải xuất khẩu lại thông qua một đơn vị ủy thác hay thành lập công ty nước ngoài. Đáng nói là dù đi “đường vòng” nhưng nhiều doanh nghiệp cũng đang phải chật vật mới mong xuất khẩu được.

(65/1.329)

Chỉ có doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước mới đáp ứng được các điều kiện mà Nghị định đề ra (Nguồn: thainguyenfood.com.vn)

Trường hợp của Công ty TNHH Vrice International là một ví dụ điển hình. Cũng chính vì biết rõ không thể đáp ứng được các điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp này đã buộc phải chuyển hướng đầu tư và chọn con đường xuất khẩu gạo qua một đơn vị uỷ thác. Điều này không những làm tăng chi phí mà còn khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp bị giảm sút. Câu chuyện Công ty TNHH Cỏ May Đồng Tháp phải thành lập một công ty khác tại Singapore để nhập khẩu gạo của chính mình là ví dụ khá điển hình được nhiều chuyên gia nhắc tới. Phó Giám đốc Công ty Cỏ May Đinh Minh Tâm cho biết, việc ủy thác xuất khẩu và lập công ty con tại Singapore là bước đi khiến doanh nghiệp tiêu tốn thời gian, tiền của. Thực tế, mỗi tấn gạo xuất đi, doanh nghiệp này phải chịu phí tăng thêm là 2 đô la Singapore, đó là chưa kể các chi phí hành chính, vận hành công ty con.

Có tạo độc quyền?

Theo đại diện Công ty Xuất nhập khẩu An Giang, quy định doanh nghiệp phải có kho chứa và hệ thống xay xát đủ điều kiện tiêu chuẩn với vốn đầu tư lớn và phải đăng ký với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), chỉ khi có sự chấp thuận của đơn vị này, doanh nghiệp mới xuất khẩu được – là “gọng kìm” chặn đứng cơ hội tham gia thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Điều 17 Nghị định 109/2010, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày hợp đồng xuất khẩu gạo được ký kết, thương nhân nộp hồ sơ theo quy định tại Bộ Công thương để đăng ký hợp đồng xuất khẩu tại VFA. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc buộc doanh nghiệp khai báo thông tin tại VFA chẳng khác nào khai báo cho đối thủ cạnh tranh bởi Hiệp hội này bao gồm một số doanh nghiệp chính, trong đó có hai doanh nghiệp lớn là Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và Tổng Công ty Lương thực miền Nam. Quy định như vậy chẳng khác nào doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt hơn lại có quyền trong xét duyệt, đăng ký, nhận đăng ký các Hợp đồng xuất khẩu gạo.

TS. Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thừa nhận, một doanh nghiệp nắm trong tay quyền từ chối hay cho phép doanh nghiệp khác xuất khẩu là biểu hiện của sự bất bình đẳng. Tư duy quản lý xuất khẩu gạo như vậy là lạc hậu, chỉ làm tăng quyền lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, loại doanh nghiệp nhỏ ra khỏi thị trường và tạo thêm sức ép cho nông dân. Nếu thị trường xuất khẩu chỉ tập trung trong tay Hiệp hội thì sẽ hạn chế sự sáng tạo của doanh nghiệp cũng như hạn chế xuất khẩu lúa gạo chất lượng cao nhưng sản lượng nhỏ.

Nhiều chuyên gia khẳng định, việc sửa đổi Nghị định đã trở thành yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh khuyến khích doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo. Để tạo ra môi trường kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo mang tính cạnh tranh hơn cần loại bỏ những điều kiện về nhà máy, kho bãi chưa phù hợp cũng như xóa bỏ thẩm quyền mà Nghị định hiện đang trao cho VFA, đưa VFA về đúng vị trí của hiệp hội doanh nghiệp. Đồng thời xác định rõ cơ chế, sau khi doanh nghiệp đã có giấy phép xuất khẩu, có phải đăng ký hoạt động xuất khẩu gạo nữa hay không? Nếu phải đăng ký thì đăng ký như thế nào, đăng ký với ai và ai quản lý cũng cần rõ ràng, để tạo sự minh bạch, bình đẳng cho thị trường xuất khẩu gạo.

Theo Nghị định 109/2010, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải bảo đảm đủ 3 điều kiện là được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; có ít nhất 1 cơ sở xay, xát, thóc gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp với quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành. Kho chứa, cơ sở xay xát phải thuộc sở hữu của thương nhân và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc gạo, hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế, có hoạt động xuất khẩu thóc gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

Thảo Mộc

———————————

Đại biểu Nhân dân 27-8-2016:

http://www.daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=377356

(65/1.330)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,901