1.006. Loay hoay với “trận đồ” giấy phép

(ĐBND) – Ngoài những quy định gây khó như yêu cầu phải có quy mô bồn chứa và số lượng bình, doanh nghiệp kinh doanh khí gas còn phải loay hoay trong “trận đồ” giấy phép – đó là những điểm hạn chế của Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí, được không ít doanh nghiệp chỉ ra.

Doanh nghiệp nhỏ sẽ “chết yểu”

 Cho ý kiến về Nghị định 19/2016, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, đã yêu cầu đơn vị chức năng của Bộ nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu của thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.

Mặc dù Nghị định 19 được xem là đã nới lỏng hơn về điều kiện kinh doanh so với Nghị định 107/2009 trước đây, song những quy định về số lượng bình khí LPG thuộc sở hữu của thương nhân phải đạt khoảng 150.000 bình loại 12kg, đối với thương nhân phân phối, con số này phải đạt khoảng 100.000 bình; tổng sức chứa các bồn LPG tối thiểu là 300m3 không chỉ khiến doanh nghiệp nhỏ đang kinh doanh ổn định gặp khó mà cũng trở thành rào cản đối với những doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường.

Hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực kinh doanh khí gas tại Hà Giang, ông Hà Anh Tùng, đại diện Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Đông Tùng khẳng định, đây là những điều kiện vô lý và không tính tới nhu cầu tiêu thụ ở từng địa phương bởi thị trường đã gần như bão hòa, khả năng tiêu thụ chỉ có vậy. Với những yêu cầu của Nghị định, 35 doanh nghiệp kinh doanh khí gas tại miền núi sẽ chết yểu vì mức tiêu thụ tại những địa phương này thường rất thấp. Theo đại diện một doanh nghiệp kinh doanh khí ở Cao Bằng, tại đây chỉ có khoảng 45% người dân sử dụng gas, tương đương số vỏ bình tối đa cần là 38.000 vỏ bình. Như vậy, theo quy định, dù không có nhu cầu nhưng doanh nghiệp phải đầu tư thêm 50.000 – 60.000 vỏ bình để được kinh doanh.

“Thậm chí, tại những địa phương có đông dân cư, nhu cầu sử dụng gas cũng đang giảm dần, người dân và doanh nghiệp đang có khuynh hướng chuyển sang dùng bếp từ, bếp điện. Với những quy định như vậy, doanh nghiệp phải chuyển sang mô hình đại lý, chi hàng chục tỷ đồng mở rộng nhà xưởng, mua bình gas để đủ điều kiện kinh doanh, trong khi thị phần và sức mạnh thị trường có hạn” –  ông Lý Trần Dũng, Công ty gas Ngọn lửa Thần trăn trở.

Khi doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện thì chỉ còn cách sáp nhập hoặc bán lại cho những doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản như vậy. Bởi việc sáp nhập doanh nghiệp nhỏ ở các địa phương với nhau như liên kết giữa doanh nghiệp ở Hà Giang với Lai Châu cũng rất khó khăn do địa bàn đi lại thường không thuận lợi. Bà Nguyễn Thị Hiền Lương, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Tiến cũng chỉ ra hệ quả nhãn tiễn là nếu không sáp nhập, doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị thôn tính, mua rẻ chỉ với vài tỷ đồng trong khi đã và đang đầu tư tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.

Kinh doanh gas là lĩnh vực có điều kiện và yếu tố an toàn phải được đặt lên rất cao, do đó việc quản lý ngay từ đầu cũng cần được đặt ra. Tuy nhiên, việc đặt ra quy định về an toàn khác xa với đặt ra điều kiện về quy mô. “Nghị định hoàn toàn có thể quy định điều kiện cụ thể như cơ quan nhà nước đến kiểm tra các trạm chiết nạp hàng tháng để đo độ an toàn, thậm chí đưa ra mức phạt nặng đối với doanh nghiệp cắt tai mài vỏ, sang chiết gas trái phép, còn việc đặt ra điều kiện về quy mô kinh doanh như hiện nay là điều rất bất hợp lý. Việc đặt quy mô tối thiểu như vậy dễ dẫn tới tình trạng độc quyền” – ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ.

Lúng túng với giấy phép

Không chỉ gặp khó với điều kiện kinh doanh tại Nghị định, đại diện một doanh nghiệp nhỏ tại Phú Thọ cho biết, doanh nghiệp đang rất đau đầu với quy định xin giấy phép. Nếu như trước kia, mỗi doanh nghiệp phân phối gas chỉ phải xin một giấy phép tại Sở Công thương, thì nay buộc phải xin 2 giấy phép là Giấy phép nạp gas tại Bộ Công thương và Giấy phép Phân phối gas tại Sở Công thương. Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu Nghị định không mập mờ, đánh đố doanh nghiệp. Bởi theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư 03/2016/TT – BCT quy định chi tiết Nghị định 19/2016, hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp gas vào chai gồm bản sao giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối gas, song tại Điều 8 Thông tư lại quy định Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối gas phải bổ sung các giấy tờ như giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp gas vào chai hoặc hợp đồng thuê nạp gas vào chai.

“Rõ ràng, theo hướng dẫn tại Thông tư 03, doanh nghiệp không thể xin được giấy phép nào bởi vì xin giấy phép kinh doanh phân phối gas thì phải có giấy phép nạp gas, xin giấy phép nạp gas thì phải là thương nhân phân phối gas, một diễn biến mà doanh nghiệp không biết trình bày với bên nào trước, lên Sở Công thương thì Sở “đẩy” về Bộ, Bộ lại đẩy về Sở” – luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI khẳng định.

Đáng nói là về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện là 30 ngày làm việc (tức là khoảng 40 ngày lịch trở lên), kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, thay vì 7 ngày như Nghị định 107/2009. “Thời hạn như vậy là quá dài vì doanh nghiệp sẽ phải mất 1 tháng rưỡi mới xin được giấy của Bộ về kinh doanh phân phối tại địa phương, mất thêm 45 ngày nữa mới xin được giấy phép chiết nạp và khoảng 1 tháng rưỡi để được cấp giấy phép bán gas, tức là phải mất khoảng 4 tháng rưỡi mới đi vào hoạt động được. Khi đó, cơ hội kinh doanh sẽ không còn nữa” – ông Hà Anh Tùng, đại diện Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Đông Tùng chia sẻ.

Thảo Mộc

————————————————————

Đại biểu Nhân dân (Pháp luật) 01-9-20016:

http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=377636

(88/1.206)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

435. Bình luận hội trường về sở hữu ngân hàng.

Bình luận hội trường về sở hữu ngân hàng. (Phát biểu tại Hội thảo...

Phỏng vấn 

4.403. Temu dừng bán, quyền lợi người dùng ra sao?

Temu dừng bán, quyền lợi người dùng ra sao? (HTV) - Theo thông báo từ Temu,...

Trích dẫn 

3.949. ‘Bù nhìn’ trong ngân hàng.

‘Bù nhìn’ trong ngân hàng. (NQT) - Thành viên hội đồng quản trị độc...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 234,008