1.014. Truy thu Thuế TTĐB là không có cơ sở pháp lý

(VBA) – Đó là khẳng định của các nhà quản lý, chuyên gia thuế, luật sư và Đại biểu Quốc hội tại buổi Tọa đàm về Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

phối hợp với Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam (VBA) tổ chức vào chiều 6-9-2016. Buổi Tọa đàm do ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA và ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI đồng chủ trì.
Đây là buổi tọa đàm lần thứ 2 về vấn đề truy thu thuế do VBA tổ chức, trước đó hơn 1 năm cũng diễn ra buổi tọa đàm có nội dung tương tự.

Nội dung Tọa đàm đề cập đến việc Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu thuế TTĐB đối với SABECO và HABECO. Báo cáo tóm tắt về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Vỵ – Phó Chủ tịch Thường trực VBA cho biết: Từ năm 2008 đến nay, Quốc hội đã thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật về thuế TTĐB. Chính phủ và Bộ Tài chính cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các Luật về thuế TTĐB. Từ năm 2007 đến 2015, các doanh nghiệp ngành Bia, Rượu đã thực hiện đúng các văn bản hướng dẫn của cơ quan thuế. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước trong các đợt kiểm toán tại các doanh nghiệp năm 2014 và 2015 đã kiến nghị truy thu thuế TTĐB đối với SABECO và HABECO do Kiểm toán Nhà nước xác định giá tính thuế TTĐB khác với các hướng dẫn của Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP.HCM. Sau đó, các doanh nghiệp trên đã có văn bản giải trình với Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước; Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi Chính phủ về vấn đề này. Tuy vậy, Bộ Tài chính hiện vẫn yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện theo Kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Nếu truy thu sẽ ảnh hưởng khi lên sàn  
Theo báo cáo giải trình và ý kiến của đại diện SABECO và HABECO tại Tọa đàm đều đều khẳng định: Trước khi kê khai, nộp thuế, hai doanh nghiệp đều xin ý kiến hướng dẫn của Tổng cục Thuế. Trong những năm qua, các cơ quan kiểm toán, cơ quan thuế đều khẳng định họ thực hiện nộp thuế đầy đủ, đúng quy định. Không hiểu sao, năm 2015, Kiểm toán Nhà nước lại đề nghị truy thu thuế TTĐB đối với SABECO, tiếp sau đó là với HABECO. Các doanh nghiệp, VBA, Bộ Công Thương đã có công văn kiến nghị tới Bộ Tài chính, Chính phủ xem xét không tính bổ sung thuế TTĐB như báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và không hồi tố kê khai và nộp bổ sung TTĐB đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.

Căn cứ vào những văn bản quy phạm pháp luật về thuế TTĐB, căn cứ báo cáo giải trình của 2 Tổng công ty, tại buổi Tọa đàm, các nhà quản lý, chuyên gia thuế, kế toán, pháp chế, luật sư… đều khẳng định 2 doanh nghiệp này không vi phạm pháp luật về thuế. Nếu họ vi phạm thì các cơ quan thuế cũng không thể để yên suốt mấy năm qua. Không thể nói doanh nghiệp lách luật hay trốn thuế khi mà các công ty thương mại được thành lập trước khi có những quy định mới về Luật thuế TTĐB, hơn nữa họ lại thực hiện đúng hướng dẫn của các cơ quan thuế, khi kiểm toán trước đó không phát hiện sai phạm gì. Nếu cơ quan thuế làm sai thì họ phải tự chịu trách nhiệm…

Phát biểu tại Tọa đàm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI vẫn giữ quan điểm như buổi tọa đàm năm ngoái là không có căn cứ pháp lý để truy thu, hồi tố thuế TTĐB đối với SABECO và HABECO. Không nên dùng từ lách luật, bởi đó không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Việc ban hành pháp luật làm sao để hạn chế lỗ hổng, đó là trách nhiệm của cơ quan xây dựng văn bản pháp luật, còn doanh nghiệp họ thực hiện đúng theo hướng dẫn kê khai thuế của cơ quan thuế thì không thể sai được.

Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định, không thể theo tinh thần, theo quan điểm, mong muốn , ý chí áp đặt mà phải theo quy định của pháp luật. DN không hề vi phạm pháp luật, kể cả có áp đặt rằng DN lách luật thì cũng không vi phạm pháp luật. Không thể áp đặt ngược, áp đặt hồi tố, 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đều chỉ cho phép áp dụng lợi, chứ không bao giờ, không có luật nào cho phép áp dụng hồi tố bất lợi cho người chịu tác động. Sở dĩ tôi ủng hộ 2 DN này bởi vì họ không làm sai. 

Tại buổi Tọa đàm năm ngoái, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từng khẳng định, việc hoàn thiện luật pháp là chức năng của cơ quan quản lý nhà nước, không thể buộc doanh nghiệp, người dân phải chịu trách nhiệm tổn thất đó… Đồng thời, ông cũng cảnh báo “Đối với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, những thông tin sai lệnh như cho rằng doanh nghiệp trốn thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư…”.
Một số ý kiến cho rằng, nếu không giải quyết được vấn đề trên thì sẽ tạo tiền lệ bất lợi cho DN, ảnh hưởng lớn tới cổ phần hóa, thoái vốn, nhất là khi lên sàn chứng khoán.
Không có cơ sở pháp lý để truy thu  
Bà Vũ Thị An, Giám đốc một công ty tư vấn thuế khẳng định: Nghị định 108/2015/NĐ-CP và Thông tư 195/2015/TT – BTC mới có hiệu lực từ 1-1-2016 thì không thể truy thu thuế từ những năm trước đó. Hơn nữa, Nghị định 100/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 1/7/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế Giá trị gia tăng, Luật Thuế TTĐB, Luật Quản lý thuế… đã sửa đổi một số quy định phù hợp với thực tiễn, thể hiện sự lắng nghe của Chính phủ và của Quốc hội. Theo quy định ở Điều 2, khoản 1 của Nghị định này thì đã công nhận quan hệ mẹ – con và giá tính thuế được tính ở khâu sản xuất bán ra: Trường hợp hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được bán cho các cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có quan hệ công ty mẹ, công ty con hoặc các công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu hoặc cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có mối quan hệ liên kết thì giá bán làm căn cứ xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt không được thấp hơn tỷ lệ 7% so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại mua trực tiếp của cơ sở sản xuất, nhập khẩu bán ra…
Là cơ quan quản lý nhà nước, ông Phan Chí Dũng – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ cho rằng, lẽ ra buổi tọa đàm phải có mặt đại diện Bộ Tài chính để tiếp thu ý kiến, rất tiếc là không có ai đến. Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản kiến nghị nhưng Bộ Tài chính vẫn xem xét truy thu thuế TTĐB theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước. Việc truy thu là không đúng, doanh nghiệp không sai trong việc nộp thuế TTĐB. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục gửi kiến nghị lên Chính phủ xem xét.
Kết luận Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA cho rằng, SABECO và HABECO là hai doanh nghiệp Nhà nước, buổi tọa đàm hôm nay cũng nhằm tư vấn cho Nhà nước, việc truy thu cũng chảy vào nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp đã chia hết cổ tức cho các cổ đông thì lấy tiền đâu để trả tiền truy thu, do vậy sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của công ty. Nhà nước nên tạo điều kiện giúp đỡ DN, đảm bảo lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. VBA và VCCI sẽ tổng hợp các ý kiến có văn bản kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét không truy thu thuế TTĐB đối với SABECO và HABECO.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCT chia sẻ: Đây là lần thứ 5 đơn vị này tổ chức tọa đàm về nội dung liên quan đến thuế TTĐB. Chính phủ đang có nhiều chương trình quyết liệt nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Song cũng cần xây dựng chính sách mang tính ổn định, làm sao thu hẹp lại khoảng cách giữa nhà hoạch định chính sách với DN vì sự phát triển chung của kinh tế đất nước. Mối lo ngại của doanh nghiệp là sự thiếu ổn định của chính sách thuế, làm sao thu hẹp khoảng cách giữa các cơ quan soạn thảo chính sách với DN…

Nguyễn Văn

———————-

VBA 07-9-2016: http://www.vba.com.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=27262:truy-thu-thu-ttb-la-khong-co-c-s-phap-ly&catid=55:tin-trong-nganh&Itemid=209

(114/1.636)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,921