1.022. Rắc rối truy thu thuế rượu bia

(ĐTCK) – Những quan điểm trái ngược xung quanh việc truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia rượu trong vụ việc Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Tổng công ty Rượu Bia Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Rượu Bia Nước giải khát Hà Nội (Habeco) khiến vụ việc này kéo dài gần 2 năm nay vẫn chưa ngã ngũ.

Mới đây, Habeco bị Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế

Giai đoạn 2007-2015, số thuế mà hai ông lớn ngành rượu bia này bị truy thu lên tới hàng trăm tỷ đồng. Mới đây nhất, trong báo cáo kết quả kiểm toán năm 2015, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục đề nghị truy thu thêm đối với Habeco 920,2 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó tại Habeco là 838,2 tỷ đồng và tại các đơn vị liên kết là 82 tỷ đồng. Lý do truy thu là vì Kiểm toán Nhà nước đã xác định giá tính thuế khác với các hướng dẫn của Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP. HCM. Cũng theo cách xác định này thì Habeco, tương tự như trường hợp của Sabeco cách đây 1 năm, bị  coi là “lách luật” để thoát khỏi việc nộp khoản thuế tiêu thụ đặc biệt kếch xù này.

Vụ việc truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt này một lần nữa đã tạo nên một làn sóng tranh cãi giữa các cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể ở đây là giữa Bộ Tài chính, đại diện cho cơ quan thực thi yêu cầu và kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công Thương là bộ chủ quản của 2 doanh nghiệp này; đồng thời gây nhiều bức xúc và lo ngại trong doanh nghiệp trước việc luận giải thiếu thống nhất về luật pháp của các cơ quan nhà nước.

Còn theo các chuyên gia luật, tạm thời không bàn đến việc ai đúng ai sai trong vụ việc này, xét một cách khách quan trên góc độ luật pháp, cách luận giải và hồi tố luật một cách thiếu nhất quán, thống nhất từ phía cơ quan nhà nước về chính sách thuế sẽ tạo những hệ lụy tiêu cực cho môi trường kinh doanh, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, trong vụ việc này, ông ủng hộ luận điểm cần bảo vệ doanh nghiệp, không thể bắt doanh nghiệp phải gánh chịu những hậu quả tạo ra do lỗi chính sách có lỗ hổng, thiếu nhất quán và trên hết là không để ảnh hưởng uy tín nhà nước và tới môi trường kinh doanh nói chung.

Ông Đức cho biết, trong quá trình theo dõi vụ việc này suốt thời gian qua, nhiều chuyên gia, luật sư, doanh nhân không đồng tình với cách luận giải hồi tố ngược một cách bất lợi cho phía doanh nghiệp trong vụ việc này. Với tư cách là trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, và thành viên Tổ công tác thi hành Luật DN và luật Đầu tư, ông Đức khẳng định, không có luật nào cho phép áp dụng hồi tố bất lợi cho người chịu tác động của luật.

“Trong Bộ luật Dân sự có quy định rất văn minh, rất hợp lý mà cả thế giới thừa nhận, đó là khi hợp đồng mẫu có quy định mập mờ, khó hiểu, không rõ ràng thì phải giải thích theo hướng có lợi cho bên kia, bên yếu thế. Trong trường hợp này, cơ quan nhà nước đưa ra mẫu, đưa ra luật, song lại cứ giải thích có lợi cho mình thì rõ ràng  tự thừa nhận mình là thế yếu và tự mình đi ngược lại tinh thần luật pháp đã đặt ra”, ông Đức nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Kiểm toán Nhà nước đã hiểu và giải thích luật theo cách của mình và yêu cầu truy thu thuế với doanh nghiệp khác với cách giải thích của cơ quan thuế đã hướng dẫn doanh nghiệp trước đây.

“Đúng ra khi có cách hiểu khác nhau thì nên hiểu theo cách có lợi cho doanh nghiệp, bởi đây cũng là thông lệ chung đều được luật pháp thế giới đã và đang áp dụng từ lâu nay”, ông Đậu Anh Tuấn nói và bày tỏ lo ngại vụ việc của Sabeco và Habeco là điển hình cho những rủi ro chính sách vốn đang là nỗi lo sợ lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay.

“Sự thiếu nhất quán, thiếu tiên liệu của chính sách và cách hành xử khiên cưỡng từ cơ quan nhà nước có thể trở thành tiền lệ nguy hại cho môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng đã cận kề ”, ông Tuấn cảnh báo.

Hiếu Minh

———————————————————–

Đầu tư Chứng khoán (Thời sự) 12-9-2016:

http://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/rac-roi-truy-thu-thue-ruou-bia-163632.html

(268/898)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

435. Bình luận hội trường về sở hữu ngân hàng.

Bình luận hội trường về sở hữu ngân hàng. (Phát biểu tại Hội thảo...

Phỏng vấn 

4.403. Temu dừng bán, quyền lợi người dùng ra sao?

Temu dừng bán, quyền lợi người dùng ra sao? (HTV) - Theo thông báo từ Temu,...

Trích dẫn 

3.949. ‘Bù nhìn’ trong ngân hàng.

‘Bù nhìn’ trong ngân hàng. (NQT) - Thành viên hội đồng quản trị độc...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 234,008