1.024. Từ tinh thần làm việc hết giờ đến tinh thần làm đến khi hết việc

(TBNH) – Sau 1 năm thi hành Luật Đầu tư và Luật DN cho dù còn nhiều vướng mắc nhưng đã tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng DN Việt, góp phần hình thành làn sóng thành lập DN mới. Không chỉ vậy 2 đạo luật này còn góp phần thay đổi tư duy của bộ máy chính quyền các cấp, từ tư duy quản lý sang phục vụ đối với DN.

Luật mới đã giải phóng quyền tự do kinh doanh với quy định DN được kinh doanh tất cả các lĩnh vực mà luật không cấm, điều này nâng cao tính tự chủ của DN. Các điều kiện kinh doanh trái luật bị bãi bỏ. Ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện được công khai…  công dân, DN được tiếp cận tốt hơn với chính sách và chủ động trong việc đăng ký kinh doanh. Các thủ tục phiền hà, nhiêu khê ở các Bộ, cơ quan ngang bộ khi quy định: các Bộ không được phép xây dựng Thông tư trái Luật, Nghị định… đã giảm thiểu.

Đây là những kết quả được nêu lên tại Hội thảo tổng kết 1 năm thi hành Luật DN và Luật Đầu tư (năm 2014) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) tổ chức sáng nay (20/9).

“Từ khi thực hiện 2 Luật Đầu tư, Luật DN (1/7/2015 – 1/7/2016) đến nay, cả nước đã có hơn 105.975 DN (DN) được thành lập mới với số vốn 767.900 tỷ đồng, bình quân vốn là 7,25 tỷ đồng/DN. Số DN thành lập mới tăng 27,8%, vốn đăng ký mới cũng tăng trên 42% và bình quân vốn tăng 11% so với cùng kỳ năm trước”, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bộ KH&ĐT cho biết.

Đã có nhiều mô hình thành công được nêu lên như mô hình đăng ký kinh doanh tại nhà, “4 trong 1” (theo nguyên tắc, có 4 người tại các phòng ban, hỗ trợ tại nhà, cơ sở kinh doanh của pháp nhân hoặc người dân đăng ký kinh doanh) của TP.Hồ Chí Minh. Đó là mô hình đăng ký kinh doanh “vui vẻ” ở Hà Tĩnh, người dân, DN khi đến đăng ký kinh doanh được tư vấn mọi khó khăn vướng mắc trong ngày. Ở Hà Nội cán bộ, nhân viên phục vụ DN không phải làm việc đến hết giờ mà làm cho đến hết việc thì thôi…

Sự thay đổi đáng kể nhất là ở thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh ở các địa phương. Trung bình thời gian xử lý hồ sơ mới thành lập của cả nước là 2,9 ngày; Hà Tĩnh là địa phương xử lý hồ sơ DN nhanh nhất, là 1 ngày; Tiền Giang là 1,3 ngày; Hậu Giang là 1,32 ngày và Đà Nẵng là 2,52 ngày. Điều đó đã giúp DN tối đa hóa chi phí…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất đáng khích lệ đã đạt được, quá trình triển khai 2 luật này cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Vướng mắc về Luật đầu tư đã được ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Nhiều ngành, nghề không còn cần thiết là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc trùng lặp; nhiều ngành, nghề cần điều chỉnh nội dung và một số ngành, nghề cần phải bổ sung.

Bên cạnh đó, khái niệm điều kiện đầu tư, kinh doanh chưa đủ rõ để phân biệt với các quy định khác như quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; điều kiện trật tự, an toàn xã hội… Quan hệ giữa nhà đầu tư, DN và dự án chưa rõ khi nhà đầu tư nước ngoài thành lập DN.

Nhà đầu tư còn cho rằng quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 2 thủ tục độc lập; trong khi đó luật đang quy định chủ trương đầu tư là một bước trong quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Lúng túng trong việc xác định thời điểm ký quỹ, căn cứ nộp vào ngân sách hoặc trả lại tiền ký quỹ, mẫu văn bản ký quỹ.

Với Luật DN, vướng mắc nổi lên là các trường hợp đăng ký góp vốn, mua cổ phần; liên thông giữa 2 luật, giải thể DN với chấm dứt hoạt động của dự án; điều chỉnh nhà đầu tư với thay đổi cổ đông, thành viên; quan hệ giữa mục tiêu dự án với ngành, nghề kinh doanh.

Sự chồng chéo, thiếu thống nhất, không tương thích, khác nhau, thậm chí mâu thuẫn giữa một số quy định của Luật Đầu tư, Luật DN với quy định của các luật chuyên ngành khác khiến cho “Khó khăn lớn nhất của DN hiện nay là không thể chấp hành đúng pháp luật, vì hệ thống pháp luật quá phức tạp”, như LS.Trương Thanh Đức – thành viên Tổ công tác thi hành luật – trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam đã phát biểu. Và một lần nữa những vướng mắc này cần phải sửa đổi bằng việc cần phải có một luật mới mang tên Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh lại được kiến nghị tại Hội thảo.

“Bản thân Luật DN 2014 có vướng mắc nhưng rất ít còn các Luật chuyên ngành làm ra vướng mắc quá nhiều”, ông Lê Xuân Hiền (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, thành viên Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư) phát biểu.

Tri Nhân

—————————————————————————————-

Thời báo Ngân hàng (Doanh nghiệp – Doanh nhân) 21-9-2016:

http://thoibaonganhang.vn/tu-tinh-than-lam-viec-het-gio-den-tinh-than-lam-den-khi-het-viec-53762.html

(87/1.005)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,930