1.038. Doanh nghiệp có nhiều bức xúc dành cho Bộ Công Thương

(HQ) – “Tôi mong rằng khi làm việc với nhau chúng ta bình tĩnh, khi góp ý cho nhau cũng bình tĩnh. Không một ai xây dựng chính sách để giết doanh nghiệp nhỏ và vừa cả. Buộc tội như vậy là sai lầm!”, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Công Thương đối thoại với doanh nghiệp. Ảnh: Phan Thu.

Doanh nghiệp đối phó với chính sách khổ lắm

Đề cập đến vấn đề xây dựng chính sách, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho hay, Bộ Công Thương đang đặt ra những quy định về quy mô, số lượng ở nhiều ngành nghề khiến cho không ít doanh nghiệp nhỏ không thể tham gia được thị trường. Không chỉ ngành ô tô hay khí gas, lĩnh vực khác như gạo, phân bón, xăng dầu… cũng đặt ra những yêu cầu tương tự, khiến không ít doanh nghiệp nhỏ không thể tham gia.

44 doanh nghiệp kinh doanh gas trên cả nước đã lặn lội đến tham gia Hội nghị Lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định thủ tục hành chính ngành Công Thương năm 2016 tổ chức sáng 27-9 để “kêu” về những bất cập trong chính sách. Theo đó ý kiến nhiều doanh nghiệp, Nghị đinh 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí hóa lỏng có hiệu lực từ 15-5 đã ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp kinh doanh gas.

Ông Trần Trung Nhật, Giám đốc Công ty Gas Thái Dương (Tây Ninh) tỏ ra rất bức xúc với quy định của Nghị định 19 khi áp vào thực tế tại doanh nghiệp. Ông Nhật cho rằng, Nghị định có hiệu lực nhưng mỗi địa phương thực hiện một kiểu, cụ thể nhiều giấy phép hết hạn nhưng có địa phương cấp 2 năm, nhưng địa phương khác chỉ cấp 3 tháng do vậy doanh nghiệp không biết đâu để thực hiện.

“Chưa đầy 6 năm đã ban hành 2 nghị định về kinh doanh gas, nhưng thực tế khi có Nghị định mới thì điều kiện kinh doanh vẫn đầy mâu thuẫn, gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí doanh nghiệp liên tục phải đi đối phó với chính sách khổ lắm,” ông Nhật chia sẻ.

Còn theo một doanh nghiệp kinh doanh gas đến từ Bình Định, việc quy định doanh nghiệp phải có số lượng LPG chai các loại (không tính chai LPG mini) đủ điều kiện lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 lít rất khó thực hiện với những doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa với mật độ dân cư thấp.

Ước tính, để đáp ứng điều kiện thì doanh nghiệp phải đầu tư ít nhất vài chục nghìn bình gas loại 12 kg và như vậy chỉ riêng tiền vỏ bình đã mất 4-5 tỷ đồng tiền vay ngân hàng chưa kể các chi phí khác như nhà xưởng, bảo quản và nhân công… Nhưng quan trọng hơn số vỏ chai này sẽ không dùng hết, tồn trữ lớn nhưng cuối cùng cũng chỉ để “đối phó” với điều kiện kinh doanh.

“Việc quy định như vậy chỉ đúng với những địa phương lớn, có mật độ dân cư đông, còn khu vực vùng sâu vùng xa, số dân ít nếu để tồn nhiều sẽ rất khó cho doanh nghiệp,” vị này nêu ý kiến.

Một lĩnh vực gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương là nhập khẩu ô tô cũng nhận được nhiều doanh nghiệp phản ánh. Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên An Phúc đại diện cho 50 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, đã trực tiếp đặt câu hỏi với Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: “Thông tư 20/2011/TT-BCT về nhập khẩu ô tô, theo quy định là từ 1-7 đã hết hiệu lực, nhưng đến hôm nay gần 3 tháng các doanh nghiệp chúng tôi muốn nhập cũng không nhập được?”.

Một doanh nghiệp khác trong lĩnh vực ô tô cũng đặt câu hỏi, quy định được Bộ Công Thương thực chất là thủ tục hành chính hay là điều kiện kinh doanh. Bởi với những yêu cầu mà Bộ Công Thương đưa ra như trong Thông tư 20, thì các doanh nghiệp đều không thể nào tham gia được thị trường nếu không có giấy ủy quyền chính hãng.

Đề cập đến vấn đề xây dựng chính sách, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho hay, Bộ Công Thương đang đặt ra những quy định về quy mô, số lượng ở nhiều ngành nghề khiến cho không ít doanh nghiệp nhỏ không thể tham gia được thị trường. Không chỉ ngành ô tô hay khí gas, lĩnh vực khác như gạo, phân bón, xăng dầu… cũng đặt ra những yêu cầu tương tự, khiến không ít doanh nghiệp nhỏ không thể tham gia.

Vị này cho rằng, những quy định trên vi phạm quy định về quyền của doanh nghiệp tại Luật doanh nghiệp; vi phạm quy định về phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp và đi ngược lại những nguyên tắc về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ. 

Bộ không nói suông (!?)

Phản hồi lại những ý kiến nêu trong hội nghị, ông Trần Quốc Khánh cho biết, các ý kiến góp ý tại hội nghị rất đa dạng, góp ý cho Bộ Công Thương từ thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, triết lý xây dựng chính sách, pháp luật trong giai đoạn hiện nay.

Ông Khánh khẳng định: “Chúng tôi đã nhận thức được vấn đề. Ngày hôm nay, một lần nữa chúng tôi được nghe lại ý kiến của doanh nghiệp để Bộ Công Thương vững tin hơn  trong việc đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 19 và các văn bản khác”.

Vị Thứ trưởng này cho biết thêm, hội nghị hôm nay được tổ chức để lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp nên Bộ Công Thương sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến. Bộ Công Thương không nói suông! Trước khi tổ chức hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã họp và quyết nhiều vấn đề quan trọng. “Bộ Công Thương quyết định bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT về kiểm tra hàm lượng formaldehyt với sản phẩm dệt may, xem lại Thông tư 44/2012/TT-BCT để đơn giản hóa thủ tục hóa chất, chỉ đạo các vấn đề liên quan đến Nghị định 19”, ông Khánh cung cấp thêm thông tin.

Riêng với Nghị định 19, từ giờ cho đến khi sửa đổi Nghị định 19 theo hướng hài hòa mục tiêu, lợi ích, Sở Công Thương, doanh nghiệp ứng xử thế nào theo ông Khánh đây là câu hỏi khó. Bởi muốn nói gì thì nói Nghị định 19 đã có hiệu lực nên không phải Thủ tướng hay Bộ Công Thương có đủ thẩm quyền để thay đổi một quy định của Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, làm việc với Bộ Tư pháp để có thêm thời gian thay đổi Nghị định 19.

Về câu chuyện về triết lý xây dựng chính sách, xây dựng pháp luật mà ông Đức nêu lên, ông Khánh thừa nhận đây là một bài học với nhà quản lý. Tuy nhiên “tôi mong rằng khi làm việc với nhau chúng ta bình tĩnh, khi góp ý cho nhau cũng bình tĩnh. Sự thay đổi tư duy, triết lý xây dựng chính sách không đơn giản. Không một ai xây dựng chính sách để giết doanh nghiệp nhỏ và vừa cả. Buộc tội như vậy là sai lầm!”, ông Khánh phân trần.

Song vị này cũng đồng tình với quan điểm, tư duy can thiệp vào quy mô để thiết lập lại trật tự thị trường là không còn phù hợp, nên Bộ sẽ tính tới việc rà soát để bãi bỏ những quy định không cần thiết, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Phan Thu

—————————————–

Hải quan (Kinh tế) 27-9-2016:

http://www.baohaiquan.vn/Pages/Khong-ai-xay-dung-chinh-sach-de-giet-doanh-nghiep-vua-va-nho.aspx

(232/1.381)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,924