1.101. Cần cơ chế “mạnh tay”

(ĐBND) – Tại Hội thảo “Xử lý nợ xấu – những nút thắt cần tháo gỡ” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 26.10, các đại biểu cho rằng, nợ xấu vẫn đang là nguy cơ rất lớn của nền kinh tế và cần được ưu tiên xử lý trong thời gian tới. Trách nhiệm này không chỉ đặt trên vai các ngân hàng mà còn cả nhiều bộ, ngành liên quan.

Bức tranh hai màu

“Cho đến thời điểm này, nhìn vào quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam thì thấy đó là một bức tranh hai màu sáng, xám”,  TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TƯ (CIEM) nhận xét trong một tham luận gửi đến hội thảo chiều qua.

“Màu sáng”, theo ông Thành, là Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã được thành lập. “Dù có những ý kiến chưa hài lòng về kết quả hoạt động, nhưng thực tế ít nhiều VAMC cũng có tác động tích cực”, nguyên Phó Viện trưởng CIEM nói. Chẳng hạn, việc mua nợ xấu của các ngân hàng đã giúp giảm áp lực gánh nặng chi phí, thay vì phải trích 50 – 100% dự phòng rủi ro trong năm, ngân hàng có thể “chia đều” cho 5 năm. Hoặc, trong phạm vi khá hạn hẹp, VAMC đã phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái cơ cấu, thoát khỏi cơn hoạn nạn (ví dụ thông qua đánh giá lại nợ xấu của doanh nghiệp, khoanh nợ). “Màu xám” là những vướng mắc pháp lý về quyền sở hữu, quyền tài sản, chuyển đổi sở hữu, tỷ lệ sở hữu cổ phần… và cho đến nay, thị trường mua bán nợ vẫn chưa được định hình.

Theo công bố của NHNN, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống tính đến cuối tháng 6.2016 là 2,58%. Cập nhật số liệu đến tháng 8.2016, Chủ tịch VAMC TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết nợ xấu ở mức 5,48% nếu tính cả nợ ngoại, nội bảng và nợ bán cho VAMC. Tuy nhiên, trao đổi tại hội thảo có ý kiến đại biểu cho rằng: nếu tính đúng, tính đủ, nợ xấu thực chất chắc chắn cao hơn số công bố.

Lý giải việc xử lý nợ xấu chuyển biến chậm mặc dù các ngân hàng đã hành động tích cực, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, xử lý nợ xấu vô cùng khó khăn do phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của ngân hàng. Ngân hàng không thể thu hồi được nợ khi doanh nghiệp không có nguồn tiền và tự ngân hàng không thể thu hồi, phát mại được tài sản bảo đảm là bất động sản. Thêm vào đó, câu chuyện xử lý tài sản bảo đảm quá gian nan vì quy định của pháp luật nhiêu khê, vướng mắc và gần như phải có sự “đồng thuận” của khách hàng cũng như nhiều cơ quan, ban, ngành liên quan. “Tới lúc ngân hàng “bất lực”, phải nhờ tòa án phán xử thì khó khăn, tốn kém, phức tạp, chậm trễ không thể tưởng tượng nổi. Mỗi vụ việc bình quân mất vài ba năm. Chỉ riêng thời hiệu khởi kiện hợp đồng tín dụng, trong khoảng 20 năm qua đã thay đổi đến 7 – 8 lần với nhiều quy định không rõ ràng”.

Đó là chưa nói đến nợ xấu cũng rất lớn của các doanh nghiệp nhà nước. VAMC chỉ xử lý nợ xấu của ngân hàng có tài sản bảo đảm. Đối với doanh nghiệp nhà nước câu chuyện lại khác, nhiều khoản nợ không có tài sản bảo đảm. Vì vậy, theo TS. Võ Trí Thành, việc xử lý nợ xấu ở đây gắn chặt với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn, sở hữu chéo… và đòi hỏi Bộ Tài chính có những bước triển khai quyết liệt hơn, nếu không nợ xấu khó thuyên giảm.

Ưu tiên xử lý nợ xấu

TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính cho rằng, nợ xấu vẫn đang là nút thắt cơ bản đối với tiến trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như đối với quá trình chuyển hóa tiết kiệm thành vốn đầu tư thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế. Các đại biểu có mặt tại hội thảo thống nhất với quan điểm này, đồng thời khẳng định, nợ xấu cần được ưu tiên xử lý trong thời gian tới.

“Đã đến lúc phải chấp nhận chi phí cơ hội để xử lý nợ xấu, giảm bớt gánh nặng cho các tổ chức tín dụng và củng cố vốn khả dụng để có thể tiếp tục cho doanh nghiệp vay”, PGS.TS. Đặng Ngọc Đức bày tỏ quan điểm. Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính cũng cho rằng, nợ xấu thực sự là trách nhiệm của cả ngân hàng thương mại, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước bởi đã điều hành, giám sát chưa hiệu quả. Vì vậy, việc giải quyết nợ xấu cần có sự tham gia hỗ trợ của nhiều bộ, ngành liên quan và phải là quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

Khi nợ xấu đã đến mức nghiêm trọng, ở nước nào và thời kỳ nào, việc xử lý cũng cần những cơ chế pháp lý đặc biệt. Nếu không có biện pháp mạnh mẽ để xử lý nợ xấu thì sẽ có nguy cơ kéo dài số năm giải quyết lên trên 1 con số và dù cố gắng thế nào VAMC cũng khó thực sự xử lý được nợ xấu.

Phát biểu tại hội thảo, Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, đến giờ, doanh nghiệp và ngân hàng không còn đủ sức tự xử lý nợ xấu. Nếu nợ xấu không được giải quyết, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống các tổ chức tín dụng và kinh tế vĩ mô. “Chúng tôi cũng đã từng xử lý nợ xấu mà không có tiền. Không có tiền thì phải có cơ chế thật mạnh tay. Đó là chìa khóa để giải quyết vấn đề”, ông Nghĩa nói.

Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính : Đề xuất giải pháp chứng khoán hóa nợ xấu

Chúng tôi khuyến nghị lựa chọn phương thức xử lý nợ xấu là chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu Chính phủ để đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán và sử dụng phiếu nợ chuyển đổi của các doanh nghiệp nợ xấu là tài sản đối ứng cho lượng trái phiếu Chính phủ đã phát hành.

Phương thức này bảo đảm trách nhiệm đầy đủ của Nhà nước, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp nợ xấu. Đồng thời, nợ xấu sẽ được giải quyết triệt để mà không ảnh hưởng đến ngân sách, không gây ra lạm phát. Mặt khác, việc mua trái phiếu của người dân, doanh nghiệp, các ngân hàng và nhà đầu tư là hoàn toàn tự nguyện.

Chuyên gia kinh tế TS. CẤN VĂN LỰC: Ba đột phá để xử lý nợ xấu

sách, cần có đạo luật riêng về xử lý nợ xấu, vì nếu sửa từng luật thì không kịp thời gian. Trong đó, tăng quyền cho VAMC ở góc độ định đoạt tài sản, bán tài sản bảo đảm và được bán nợ xấu lãi hoặc lỗ.

Thứ hai, về thị trường mua bán nợ, dứt khoát phải theo cơ chế giá thị trường và cần sự chung tay, chung sức lãi lỗ cùng chịu giữa VAMC, ngân hàng… Việc định giá mua bán nợ phải có một tổ chức độc lập mới bảo đảm khách quan, minh bạch và có thể thống nhất được về giá. Đồng thời, phải có những chính sách khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ ba, về nguồn lực. Không có nguồn lực tài chính khó mà xử lý được nợ xấu. Về nhân lực, cần thêm tổ công tác liên ngành để giải quyết các vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu, hoặc mời đại diện các bộ, ngành tham gia HĐQT của VAMC như Thái Lan. Nguồn lực thứ ba là sự phối hợp của các bộ, ngành.

Hồng Loan

——————

Đại biểu Nhân dân (Kinh tế) 27-10-2016:

http://m.daibieunhandan.vn/Chi-tiet?Id=380489&page=1

(194/1/455)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,924