1.137. Tranh chấp CB – Phương Trang: “Còn nhiều uẩn khúc”

Lãnh đạo Phương Trang cho ANTT.VN biết công việc kinh doanh của công ty gặp không ít khó khăn sau khi bị CB ‘tố’ nợ hàng nghìn tỷ đồng.

Ngày 08/06, Ngân hàng Xây Dựng (CB) thông qua một loạt cơ quan truyền thông, cho biết đã tiến hành khởi kiện Công ty CP xe khách Phương Trang đòi 3.000 tỷ đồng nợ xấu liên quan tới 10 bộ hồ sơ vay của Công ty này giai đoạn vay 2010-2011 dưới thời Ngân hàng Đại Tín – TrustBank.

Ngay sau đó, ngày 10/06, Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Trang phát đi thông cáo báo chí với tiêu đề “Phản hồi về thông tin sai lệch của Ngân hàng Xây dựng (CB) với Công ty Phương Trang”.

Theo đó, Phương Trang khẳng định Công ty CP Xe khách Phương Trang hoàn toàn không có khoản vay hay bất cứ giao dịch nào với CB. Ngoài ra, Phương Trang lập luận việc CB nói 3.000 tỷ đồng nợ xấu là không đúng với lý do phía nhà băng nhiều lần liên tục trì hoãn giải quyết khoản nợ 3.436 tỷ đồng của CB.

“Thực tế là chúng tôi đã đề nghị giải pháp bằng cách hoán đổi tài sản bằng sổ tiết kiệm để rút tài sản thế chấp. Vì vậy, nói cho đúng là: số dư nợ 3.436 tỷ của Phương Trang và các Thành viên Hợp tác kinh doanh không phải là nợ xấu mà là do sự cố tình gây khó khăn không thừa nhận sai trái, không thừa nhận sự thật của một số cán bộ lãnh đạo Ngân hàng CB”, thông cáo báo chí của Phương Trang có đoạn.

Bên cạnh đó, Phương Trang còn nhấn mạnh khối tài sản đảm bảo khổng lồ 14.500 tỷ đồng của mình. Và việc Ngân hàng nói đã giải ngân cho vay lên tới 9.469 tỷ đồng là không có căn cứ.

“Chúng tôi khẳng định không vay, không nhận hơn số tiền 3.436 tỷ đồng thì không thể trả hơn số tiền này như các khoản ghi khống của Ngân hàng Đại Tín trước đó. Việc dư nợ 3.436 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư Phương Trang và các Thành Viên hợp tác Kinh doanh đã được xác nhận bởi các biên bản làm việc ký các bên có cả đại diện chứng kiến của Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công An tại Ngân hàng CB”.

Đáng chú ý, trong thông cáo của Phương Trang có đoạn : ”Trong buổi làm việc ngày 14-6-2016 tới đây giữa Ngân hàng Xây dựng và Công ty Phương Trang, chúng tôi yêu cầu có sự tham gia của các Cơ quan truyền thông, báo đài để công khai minh bạch toàn bộ diễn biến và bản chất của sự việc, sự vụ tranh chấp này”.

Còn nhiều uẩn khúc

Tuy vậy cuộc họp sáng hôm qua (14/6) giữa PT và CB đã không thể diễn ra như dự định sau khi đại diện nhà băng từ chối tham gia với lý do ‘sự có mặt của các cơ quan báo chí chưa được báo trước’.

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch CB sau đó trong cuộc gặp riêng các cơ quan thông tấn tại trụ sở CB, nhấn mạnh rằng Ngân hàng hoàn toàn không muốn cuộc chiến truyền thông xảy ra trong việc này giữa các bên.

Tuy nhiên tuyên bố này dường như mâu thuẫn với hành động trước đó của CB là ra thông cáo báo chí trường hợp nợ của Phương Trang, biến tên DN này nổi ‘như cồn’ trên khắp các mặt báo.

Trước đó, chiều 12/6, phía Phương Trang hé lộ một bản thoả thuận được ký đầu năm 2015 giữa 2 bên có sự chứng kiến của đại diện Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an.

Theo văn bản này, 2 bên sẽ hoán đổi tài sản (căn cứ vào số nợ để hoán đổi bằng tài sản cầm cố của Phương Trang). CB hứa chậm nhất ngày 6/2/2015 sẽ gửi giá trị tài sản hoán đổi cho khách hàng. “Tuy nhiên, từ đó tới nay, CB bặt vô âm tín. Chúng tôi muốn trả nợ, nhưng CB không muốn trả lại tài sản cầm cố cao hơn gấp nhiều lần số nợ. Bản thoả thuận này có chữ ký người chứng kiến và dấu đỏ của CB”, lãnh đạo Phương Trang nói.

Sự việc càng trở nên ‘ly kỳ’ khi ngày 13/6, Phương Trang đăng đàn cáo buộc CB nắm giữ giấy chứng nhận sở hữu xe của hơn 200 ô tô các loại của Phương Trang và các đối tác, khiến doanh nghiệp này không thể làm các thủ tục đăng kiểm, đăng ký tuyến, bến để đưa vào vận hành.

Trao đổi với ANTT.VN, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nguyên Phó TGĐ Maritime Bank, cho rằng đằng sau câu chuyện tranh chấp Phương Trang – CB còn nhiều ẩn khuất mà người ngoài khó nắm rõ được.

Ngay cả việc 200 ôtô Phương Trang tố Ngân hàng ‘giam’ lỏng cũng vậy. Vị luật sư kỳ cựu trong ngành Tài chính – Ngân hàng cho rằng trước khi Nghị định 11 năm 2012 của Chính phủ về Giao dịch bảo đảm có hiệu lực, việc nhà băng nắm giữ giấy tờ thế chấp phương tiện giao thông cầm cố là đúng luật, nhưng đổi lại, nhà băng sẽ có trách nhiệm cung cấp một bản sao có chức năng tương tự để chủ phương tiện tiếp tục sử dụng.

Thiết nghĩ, không có doanh nghiệp nào lại cam tâm tự biến khối tài sản hàng trăm tỷ đồng của mình thành sắt vụn được. Tuy vậy, trong bối cảnh bên nào cũng khăng khăng là mình đúng như hiện nay, sự việc đúng sai sáng tỏ thế nào thì chắc phải nhờ tới sự vào cuộc của cơ quan công an điều tra.

Trả lời PV về câu hỏi liệu có hay không nhầm lẫn về khoản dư nợ của Phương Trang tại CB (PT khẳng định chỉ nợ 3,4 nghìn tỷ, trong khi CB đòi 9,4 nghìn tỷ) bởi CB đã qua nhiều lần đổi chủ, Ls Đức nhận định gần như không thể có chuyện sai sót thế này được.

“Về mặt nghiệp vụ ngân hàng mà nói, hợp đồng tín dụng chỉ một vài triệu đồng đã phải được lưu giữ cẩn thận nhiều năm trời, huống hồ đây là khoản vay nợ lên tới hàng nghìn tỷ đồng”, vị luật sư cho hay, nhấn mạnh.

“Xác định khoản tiền CB đã giải ngân cho Phương Trang không khó, bởi từng đồng tiền chảy vào tài khoản doanh nghiệp đều có hóa đơn chứng từ rõ ràng chứ không phải ‘bỏ túi trao tay’. Tôi không hiểu tại sao lại có con số chênh tới hàng nghìn tỷ đồng thế này, chắc hẳn còn nhiều uẩn khúc mà chỉ người trong cuộc mới hiểu và chỉ cơ quan công an điều tra vào cuộc mới phân rõ đúng sai được”.

Trả lời trực tiếp ANTT.VN, TGĐ Công ty CP Đầu tư Phương Trang ông Phạm Đăng Quan cho biết việc CB đưa Phương Trang lên mặt báo đã khiến công việc kinh doanh của DN này gặp khó khăn, chưa kể hàng nghìn nhân viên dao động về mặt tâm lý.

ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin.

Nghi Điền

——————

An ninh Tiền tệ (Sự kiện) 15-6-2016:

http://antt.vn/tranh-chap-cb-phuong-trang-con-nhieu-uan-khucrnrn-0119370.html

(312/1.321)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

435. Bình luận hội trường về sở hữu ngân hàng.

Bình luận hội trường về sở hữu ngân hàng. (Phát biểu tại Hội thảo...

Phỏng vấn 

4.403. Temu dừng bán, quyền lợi người dùng ra sao?

Temu dừng bán, quyền lợi người dùng ra sao? (HTV) - Theo thông báo từ Temu,...

Trích dẫn 

3.949. ‘Bù nhìn’ trong ngân hàng.

‘Bù nhìn’ trong ngân hàng. (NQT) - Thành viên hội đồng quản trị độc...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 234,008