1.150. Vì sao 200 ô tô Phương Trang thành đống ‘sắt vụn’?

(ANTT) – Tranh chấp CB – Phương Trang chưa có hồi kết nhưng thiệt hại đối với doanh nghiệp (và nói rộng ra là xã hội) có thể thấy rõ, với hàng trăm chiếc xe bị bỏ hoang từ nhiều năm nay.

Hàng trăm xe ô tô các loại của Phương Trang cầm cố tại CB hiện đang nằm đắp chiếu ở nhiều bến xe rải rác từ Đà Lạt cho tới Thành HCM. 

Như ANTT.VN đã thông tin, tranh chấp liên quan tới hàng nghìn tỷ đồng nợ vay giữa Ngân hàng Đại Tín (sau này là ngân hàng Xây Dựng – CB) bắt đầu từ năm 2012. Được biết cơ quan công an (C46 – Bộ Công an) cùng Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc điều tra từ nhiều năm nay tuy nhiên vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Trong lúc này, dư luận quan tâm tới số lượng 211 chiếc ô tô cầm cố của Công ty CP Đầu tư Phương Trang cùng các đơn vị hợp tác kinh doanh trong giai đoạn 2010-2011 để đổi lấy 192 tỷ đồng tiền vay từ Ngân hàng Đại Tín. Khối tài sản được nhà băng vào thời điểm đó định giá là 239 tỷ đồng.

Trả lời ANTT.VN, một lãnh đạo cấp cao của CB khẳng định: “Từ khi ban lãnh đạo mới tiếp nhận ngân hàng, CB chỉ tiến hành kiểm tra, hạch toán chủ yếu dựa trên sổ sách, còn tài sản đảm bảo thì Phương Trang vẫn sử dụng bình thường, chúng tôi không quản lý”.

Theo ghi nhận của PV, rất nhiều phương tiện đã hư hỏng nặng, gần như không thể sử dụng được.

Tuy nhiên làm việc trước đó với ANTT.VN, ông Phạm Đăng Quan, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Đầu tư Phương Trang, người đại diện cho nhóm các công ty Phương Trang khẳng định ngay sau khi xảy ra tranh chấp, phía CB đã ngừng cấp bản sao các loại giấy tờ xe cần thiết để doanh nghiệp tiếp tục sử dụng kinh doanh dịch vụ.

“Ông không cấp giấy tờ không cấp cà vẹt thì làm sao người ta sử dụng, làm sao đăng kiểm đăng ký tuyến theo đúng quy định của ngành giao thông được. Chưa dừng lại ở đó, CB còn phong tỏa các bất động sản của Phương Trang bằng cách gửi văn bản khắp nơi yêu cầu không được thay đổi hiện trạng bất động sản trừ khi có sự cho phép của ngân hàng”, ông Quan búc xúc.

Theo ghi nhận của PV ANTT.VN, rất nhiều trong số các phương tiện trên đã hư hỏng nặng do phơi mưa, nắng suốt nhiều năm qua.

Theo lãnh đạo Phương Trang, ngoài hàng trăm tỷ đồng thiệt hại về mặt tài sản, doanh nghiệp này còn phải chịu các chi phí mặt bằng bến bãi, chưa kể các chi phí, cơ hội kinh doanh đã mất trong nhiều năm qua.

Ai đúng ai sai?

Trao đổi với ANTT.VN, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng, nguyên Phó TGĐ Maritime Bank cho rằng trong câu chuyện Phương Trang – CB, ai cũng có cái sai: doanh nghiệp chậm trả nợ là vi phạm hợp đồng, tuy nhiên CB không thể vì đó mà ngừng cấp các loại giấy tờ cần thiết để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, gây thiệt hại nặng nề cho Phương Trang, đe dọa chính khả năng trả nợ của Phương Trang đối với CB.

Đó là xét về tình, còn về lý, vị chuyên gia kì cựu trong làng pháp chế ngân hàng cho rằng CB đã vi phạm quy định về nắm giữ giấy tờ đăng ký phương tiện theo pháp luật hiện hành:

“Trước khi Nghị định 11 “Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm” được ban hành, Ngân hàng có quyền nắm giữ Giấy đăng ký phương tiện giao thông; mặc dù vậy, sau khi Nghị định 11 đi vào hiệu lực từ tháng 4/2012, nhà băng không còn quyền hạn này nữa. Cụ thể theo điều 20a Nghị định này, bên thế chấp mới là bên được cầm Giấy đăng ký phương tiện giao thông”, Luật sư Đức cho biết.

Ngoài hơn 200 chiếc xe, Phương Trang còn tố cáo CB gửi công văn đi khắp nơi, ‘giam’ lỏng không cho DN này phát triển khối bất động sản cầm cố lên tới 14.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng không đồng tình với việc CB ngày 7/6 ra thông cáo báo chí, công bố tình trạng nợ nần của Phương Trang đối với CB trên các phương tiện thông tin đại chúng:

“Thông thường thì trong các hợp đồng tín dụng, nhà băng và doanh nghiệp có thể có những điều khoản cho phép ngân hàng thực hiện nhiều biện pháp để ép bên đi vay phải trả nợ. Tuy nhiên nói sao thì nói, quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật Các tổ chức tín dụng 2010, không cho phép công bố thông tin của khách hàng như cái cách CB đã làm vừa qua”.

Khoản 3, Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng”.

ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin.

Nghi Điền – Thủy Tiên

——————

An ninh Tiền tệ (An ninh truyền thông) 20-6-2016:

http://antt.vn/200-o-to-phuong-trang-thanh-sat-vun-ai-dung-ai-sai-0119478.html

(352/1.012)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.370. Vực dậy sau bão số 3: Cần quyết sách mạnh mẽ...

Cần quyết sách mạnh mẽ trong hỗ trợ vốn. (TT) -  Cơn bão Yagi đã tàn...

Trích dẫn 

3.884. Đánh thuế bất động sản thứ hai: Lo tác...

Đánh thuế bất động sản thứ hai: Lo tác dụng ngược ngay lập tức. (VNF) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 227,043