1.153. Kiến nghị bỏ Điều 292 Bộ luật Hình sự vì DN khởi nghiệp

(HQ) – Một kiến nghị tập thể đề nghị hủy bỏ Điều 292 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 vì nội dung điều luật được cho là đi ngược lại chính sách khuyến khích, phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp, đã được gửi tới Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, Ủy ban của Quốc hội và một số Bộ trưởng. 

kien nghi bo dieu 295 bo luat hinh su vi dn khoi nghiep

Điều 292 được cho là đi ngược lại chính sách khuyến khích, phát triển doanh nghiệp. Ảnh internet.

Các đối tượng khởi nghiệp bị tác động

Bản kiến nghị được ký tên bởi những người nhận là trực tiếp hoặc quan tâm đến hoạt động kinh doanh, dịch vụ liên quan trên mạng máy tính, mạng viễn thông và quan tâm đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đối tượng đang được Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam quan tâm và khuyến khích phát triển trong thời gian vừa qua.

Theo Điều 292 BLHS 2015 vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1-7-2016, theo đó người cung cấp dịch vụ trái phép (không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép) trên mạng máy tính, mạng viễn thông nếu thu lợi trên 50 triệu đồng hoặc doanh thu trên 500 triệu đồng, tùy theo mức độ có thể bị phạt đến 5 năm tù giam hoặc phạt tiền đến 5 tỷ đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Khẳng định đây là quy định hình sự hóa những việc kinh tế, dân sự, nhóm tác giả kiến nghị phân tích: Nhà đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp rất hoan nghênh Quốc hội đã hủy bỏ tội danh Kinh doanh trái phép (Điều 159 BLHS 1999), nhưng đáng tiếc Điều 292 BLHS thực chất lại quy định tội danh kinh doanh trái phép riêng cho lĩnh vực cung cấp dịch vụ trên mạng máy tính, mạng viễn thông, thậm chí mức độ còn nghiêm khắc hơn so với điều 159 BLHS 1999.

Cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam sẽ là đối tượng bị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ điều luật này vì mạng máy tính, mạng viễn thông là phương tiện, công cụ kinh doanh của đa số doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam trong hầu hết các lĩnh vực và là xu hướng chung của thế giới.

Các tác giả phân tích tiếp: Điều 292 BLHS 2015 có mức xử phạt nặng hơn so với tội kinh doanh trái phép đã được bãi bỏ. Theo đó, mức phạt cao nhất mà người phạm tội có thể nhận được là phạt tù đến 5 năm hoặc phạt tiền đến 5 tỷ đồng (trong khi đó, mức phạt cao nhất cho người phạm tội kinh doanh trái phép theo BLHS cũ chỉ là phạt tù đến 2 năm). Ngoài ra, người phạm tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo BLHS 2015 còn có khả năng bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đây là mức phạt quá nặng cho các hình thức vi phạm thủ tục.

Đề nghị điều chỉnh điều luật

“Theo như quy định của pháp luật Việt Nam, phần lớn các dịch vụ cung cấp trên mạng internet, do có tương tác giữa người sử dụng với nhau, sẽ được coi là mạng xã hội. Với các điều kiện như hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp đều không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ mạng xã hội hoặc nếu xin phép phải mất 6 – 12 tháng hoặc thậm chí không thể xin phép được.

Bản chất của khởi nghiệp là đang trong quá trình thử nghiệm, hoàn thiện mô hình kinh doanh và tỷ lệ thất bại rất cao. Chính vì vậy, hầu hết doanh nghiệp khởi nghiệp phải triển khai dịch vụ trước khi xin giấy phép. Nhưng nếu họ thành công, có lợi nhuận trên 50 triệu đồng hoặc doanh thu trên 500 triệu đồng, chiểu theo Điều 292 BLHS 2015, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Rõ ràng, với thực tế này hoặc các doanh nghiệp khởi nghiệp phải chấp nhận “chết yểu” hoặc chuyển sang các nước khác đặt server nhưng vẫn cung cấp dịch vụ ngầm hoặc biến tướng ở Việt Nam, trong khi đóng thuế ở nước ngoài” – bản kiến nghị chỉ ra tương lai của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, khi doanh nghiệp thấy môi trường kinh doanh không thuận lợi họ có thể đăng ký hoạt động ở Singapore. Nếu vậy thì đó là cái giá mà Việt Nam phải trả vì môi trường kinh doanh quá phiền hà, nhũng nhiễu. “Tôi được biết một số doanh nghiệp ở Hà Nội nói với tôi là họ đã sang Thái Lan đăng ký, sản xuất hàng hóa và xuất khẩu về Việt Nam, hưởng thuế suất bằng 0%” – vị chuyên gia nói như một lời cảnh báo.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI khẳng định, nội dung quy định trong điều 292 của BLHS 2015 dùng từ “mạng máy tính, mạng viễn thông” là không rõ ràng. Trong khi đó, chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, xu thế khởi nghiệp và công nghệ thông tin sẽ phát triển mạnh mẽ, nhưng lại được đặt trong một xu thế khác, đó là kiểm soát chặt chẽ internet, thậm chí có ý kiến kiểm soát, đóng cửa facebook và hai xu thế đều viện dẫn lý do của mình.

Do đó, theo ông Doanh, BLHS 2015 đã ban hành rồi, nhưng nên xem xét trong mối tương quan với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) bởi trong TPP có điều khoản tự do tiếp cận internet, do đó ông Doanh đề nghị có thể điều chỉnh điều luật này.

Hồ Huệ

——————

Hải quan (Doanh nghiệp) 21-6-2016:

https://haiquanonline.com.vn/kien-nghi-bo-dieu-295-bo-luat-hinh-su-vi-dn-khoi-nghiep-64325.html

(39/1.049)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.282. Bất cập thi hành án hành chính

(VTV1) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,615