1.217. Danh mục 20 ngành nghề độc quyền nhà nước chưa phù hợp

(HQ) – Bản Dự thảo nghị định về hàng hoá, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại do Bộ Công Thương soạn thảo đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia. Có ý kiến cho rằng, chỉ nên giữ lại ngành nghề quốc phòng, an ninh.

Sản xuất vàng miếng dự kiến thuộc danh mục 20 ngành nghề, hàng hóa Nhà nước giữ độc quyền. Ảnh: S.T.

20 ngành nghề độc quyền

Được giao làm đầu mối, Bộ Công Thương vừa công bố Dự thảo nghị định về hàng hoá, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại. Trong tài liệu báo cáo Chính phủ tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2017 mới đây của Bộ Công Thương có nêu, Dự thảo nghị định được xây dựng nhằm mục đích cụ thể hóa quy định tại Luật Thương mại năm 2005: “Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để đảm bảo lợi ích quốc gia. Chính phủ quy  định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ và địa bàn độc quyền Nhà nước”. Việc ban hành nghị định sẽ góp phần khắc phục khoảng trống pháp lý cũng như bảo đảm phù hợp với những thay đổi về chủ trương, chính sách, góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và tăng cường tính minh bạch trong hệ thống pháp luật để thực hiện các nội dung có liên quan tại các điều ước quốc tế.

Cùng với dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương cũng dự thảo danh mục 20 hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước như: Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; vật liệu nổ công nghiệp; vàng miếng; vàng nguyên liệu; xổ số kiến thiết; thuốc lá điếu, xì gà; hoạt động dự trữ quốc gia; tiền; tem bưu chính Việt Nam; pháo hoa và các dịch vụ liên quan đến pháo hoa; xuất bản; truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng, vận hành thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân…

So với bản dự thảo trước (được Bộ Công Thương soạn thảo năm 2015), danh mục 20 ngành nghề, hàng hóa, dịch vụ được quy định cụ thể hơn nên số lượng ngành nghề, hàng hóa dịch vụ đã tăng từ 16 lên con số 20. Hơn nữa, bản dự thảo cũ phân chia làm 2 mục hàng hóa và dịch vụ nên cũng có sự trùng lặp.

Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, nguyên tắc thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại là chỉ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo đảm lợi ích quốc gia hoặc các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và khả năng tham gia. Cho rằng, việc ban hành Nghị định để hướng dẫn quy định về độc quyền Nhà nước đến thời điểm hiện nay là hoàn toàn khả thi và trở nên cấp bách, Bộ Công Thương cũng cho biết, dự thảo đã được lấy ý kiến rộng rãi các bộ ngành và các cơ quan quản lý địa phương cũng như hiệp hội các DN theo đúng quy định.

Đi ngược chủ trương chung?

Tuy nhiên, khi bản dự thảo này hé lộ, nhiều chuyên gia đã lên tiếng không đồng tình.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo chưa thực sự phù hợp với quy định tại Luật Thương mại 2005 bởi Luật cho phép quy định danh mục độc quyền nhà nước, nhưng phải có thời hạn, trong khi dự thảo Nghị định chưa quy định về thời hạn. Hơn nữa, phần danh mục 20 ngành nghề đưa ra cũng chưa thuyết phục. “Các ngành nghề mà tư nhân không có nhu cầu hay khả năng tham gia thì cũng không nên cấm. Vì có thể đến một lúc nào đó họ sẽ muốn tham gia và quan trọng hơn, họ có tham gia cũng không gây nguy cơ gì”, ông Tuấn nói.

Dẫn chứng từ lĩnh vực xử lý nước thải, vệ sinh môi trường độc quyền trước đây, ông Tuấn cho hay, gần đây một số thành phố đã cho phép tư nhân tham gia, Nhà nước có nhu cầu thì đặt hàng, ai làm tốt hơn sẽ được giao. Ngay cả những ngành rất quan trọng và có tác động lớn như ngân hàng hay hàng không thì cũng đã cho phép tư nhân tham gia từ lâu. Vấn đề là cơ quan quản lý có các biện pháp kiểm soát như thế nào. Vị này nêu quan điểm: “Tôi cho rằng, đề xuất này đang đi ngược lại chủ trương chung. Trong danh mục này chỉ nên giữ lại những ngành nghề quốc phòng, an ninh”.

Bình luận về dự thảo này, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, dự thảo xây dựng nhằm cụ thể hóa quy định tại Luật Thương mại năm 2005 nhưng quy định của Luật Thương mại cần phải được xem lại vì không còn phù hợp với quy các quy định mới của Hiến pháp cũng như Luật DN, Luật Đầu tư năm 2014 và Bộ luật Dân sự năm 2015.

Ông Đức phân tích, khác với quy định trước đây, hiện nay tất cả DN đều được Nhà nước “bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các DN không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế” theo quy định tại khoản 1 Điều 5 về “Bảo đảm của Nhà nước đối với DN và chủ sở hữu DN”, Luật DN năm 2014. Như vậy, không còn việc phân biệt giữa DN nhà nước và DN phi nhà nước. Bên cạnh đó, quy định hiện nay chỉ cấm DN không được đầu tư kinh doanh trong 7 ngành, nghề cấm theo quy định tại Điều 6 về “Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh”, còn lại DN được tự do đầu tư kinh doanh hoặc khi đáp ứng được các điều kiện đối với 243 ngành, nghề theo quy định tại Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016.

“Việc thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn” đã được áp dụng trong suốt 12 năm qua theo Luật Thương mại, vì vậy đã đến lúc xem lại và giảm thiểu việc độc quyền này để thực sự phát triển theo hướng nền kinh tế thị trường. Nhà nước không nên tiếp tục ấn định và duy trì kéo dài tình trạng độc quyền nhà nước, mà phải bảo đảm “kiểm soát DN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước, DN sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích” theo đúng quy định tại Điều 15, Luật Cạnh tranh năm 2004, khi thị trường còn tồn tại độc quyền DN nói chung và độc quyền nhà nước nói riêng. Kinh tế thị trường, cần phải hạn chế và kiểm soát chặt chẽ mặt trái của tình trạng độc quyền”, ông Đức nêu quan điểm.

Phan Thu

—————————–

Hải quan (Kinh tế) 15-02-2017:

http://www.baohaiquan.vn/Pages/Danh-muc-20-nganh-nghe-doc-quyen-nha-nuoc-chua-phu-hop.aspx

(397/1.298)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,921