1.250. Mất 500 triệu đồng: Vietcombank không thể đổ lỗi cho khách là hết trách nhiệm

Sau khi Dân Việt đăng tin phản ánh về trường hợp khách hàng của Vietcombank là chị Hoàng Thị Na Hương bỗng dưng bị người khác chuyển 500 triệu đồng từ tài khoản của chị sang tài khoản khác chỉ sau một đêm, chiều nay, Vietcombank đã có công văn phản hồi.

Vietcombank đổ lỗi cho khách truy cập trang web lạ

Đại diện Vietcombank cho biết, sau khi tiếp nhận thông báo của khách hàng Hoàng Thị Na Hương về việc tài khoản của khách hàng bị mất số tiền 500 triệu đồng vào đêm ngày 04.8.2016, ngân hàng đã tiến hành kiểm tra. Theo đó, Vietcombank đã có buổi làm việc với khách hàng vào chiều ngày 11.8.2016, cùng tham gia có luật sư (do khách hàng mời).

“Trên cơ sở thông tin do khách hàng cung cấp, có cơ sở để xác định khách hàng đã truy cập vào một trang web giả mạo (có địa chỉ http://creatingacreator.com/kob/1/index.htm) vào ngày 28.7.2016 qua máy điện thoại cá nhân. Từ việc truy cập này, thông tin và mật khẩu của khách hàng đã bị đánh cắp, sau đó tài khoản khách hàng đã bị lợi dụng vào đêm ngày 04.8.2016”, đại diện Vietcombank cho biết.

Chỉ trong một đêm, chị Hương bị mất 500 triệu đồng do người khác đã chuyển tiền từ tài khoản của chị sang tài khoản của người khác

Theo Vietcombank, các đối tượng lừa đảo đã chuyển tiền từ tài khoản khách hàng tới nhiều tài khoản trung gian tại 3 ngân hàng khác nhau tại Việt Nam. Sau đó, đối tượng lừa đảo đã rút 200 triệu đồng qua ATM ở Malaysia.

“Vietcombank đã xử lý các biện pháp khẩn cấp, kịp thời khoanh giữ lại được 300 triệu đồng. Đây là các giao dịch chuyển khoản sang ngân hàng khác, chưa kịp chuyển ra khỏi hệ thống Vietcombank”, đại diện Vietcombank khẳng định.

Tại buổi làm việc, đại diện Vietcombank đã hướng dẫn cho khách hàng tự  kiểm tra lại máy điện thoại cá nhân và phát hiện ra địa chỉ trang web giả mạo vẫn lưu trên máy của khách hàng.

“Việc mất tiền trong tài khoản xảy ra bởi khách hàng bị đánh cắp thông tin tài khoản do trước đó đã truy cập và khai báo thông tin trên đường link giả mạo website của ngân hàng như trên”, Vietcombank cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Dân Việt, thời điểm chị Hương bị mất tiền là đêm ngày 4.8, nhưng đến ngày 10.8 Vietcombank mới nhắn tin cảnh báo khách hàng. Trong khi câu chuyện rủi ro về thẻ ATM đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi từ ngày 30.7.

Nếu tính từ ngày NHNN phát đi thông điệp cảnh báo, thì Vietcombank đã chậm trễ trong việc gửi khuyến cáo đến khách hàng những 10 ngày.

Rõ ràng rủi ro bị tin tặc tấn công là có, tại sao Vietcombank lại chậm trễ trong việc cảnh báo khách hàng?

Không thể đổ lỗi cho khách hàng là hết trách nhiệm

Ngoài ra, sau khi nhận được phản hồi của Vietcombank, chị Hoàng Thị Na Hương đã liên lạc với Dân Việt để bày tỏ quan điểm của mình. Chị Hương cho rằng cách giải thích của Vietcombank như vậy khiến cho khách hàng đã mất niềm tin lại càng mất niềm tin thêm nữa.

“Trong phần trả lời của mình, Vietcombank không có một câu trả lời cho khách hàng về giải pháp và thời gian xử lý vấn đề này. Ngoài ra, hiện có nhiều khách hàng của ngân hàng cũng bị như vậy nhưng cách trả lời của Vietcombank đã không giải thích cho khách hàng những biện pháp để bảo đảm tài khoản của họ”, chị Hương bức xúc.

Chị Hương cho biết, chị không hiểu lắm về công nghệ và cuộc nói chuyện giữa Vietcombank và chị chiều ngày 11.8 cũng có nói vấn đề này nhưng do ngân hàng không thông báo nên chị không có người am hiểu công nghệ đi cùng.

“Chỉ có điều, đến tài khoản của mình mà cũng không nhận được mã OTP khi có những giao dịch vừa chuyển online vừa chuyển ATM thì chả hiểu vấn đề này như thế nào”, chị Hương băn khoăn.

Chị Hương cũng cho biết, ngân hàng cũng cảnh báo về việc khách hàng dùng Iphone là không an toàn, nhưng thực tế chị đã không cài app của Vietcombank trên điện thoại của mình. “Tôi không biết mình có kích vào cái link lạ như Vietcombank giải thích hay không nhưng rõ ràng tôi đã không cài app của ngân hàng trên điện thoại của mình”.

Ngoài ra, điều chị Hương thấy bất ổn ở Vietcombank là có nhiều giao dịch bất thường đến những tài khoản bất thường, thời điểm bất thường và số tiền lớn như vậy mà ngân hàng không gọi điện cho khách hàng để xác nhận giao dịch.

“Thông thường khi tôi làm việc với ngân hàng khác như HSBC, ANZ, ACB… những giao dịch chuyển tiền bất thường như vậy ngân hàng thường gọi cho khách hàng xác nhận rồi mới cho chuyển tiền. Tại sao Vietcombank lại không làm như vậy. Thời điểm tài khoản của tôi có nhiều giao dịch và số tiền lớn như vậy, bất thường như vậy nhưng Vietcombank không có báo động nào cho khách hàng?”, chị Hương bức xúc.

Về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng Vietcombank không thể nói cũng không thể khẳng định được đâu là đúng đâu là sai vì khách hàng nói một kiểu, ngân hàng nói một kiểu và không có bằng chứng, cơ sở nào để kiểm chứng. Nếu khách hàng bị lỗi để lộ thông tin, tài khoản, mất biện pháp bảo vệ an toàn thì khách hàng chịu, khách hàng có lỗi. Nếu ngân hàng gây ra, làm lộ thông tin khách hàng thì phải bồi thường.

“Nếu ngân hàng chứng minh được rằng khách hàng có vào trang đấy thì mới đổ cho khách hàng. Giờ nếu khách hàng không vào, cũng không có bằng chứng chứng minh khách hàng vào trang đấy thì khó có thể đổ lỗi cho khách. Để chứng minh được khách hàng có vào trang đó hay không thì ngân hàng phải mời cơ quan công an, Vietcombank chỉ có thể chứng minh được khách hàng đã làm gì ở trên hệ thống của mình thôi, chứ vào những nơi khác thì phải có bằng chứng mới nói được”, ông Đức phân tích.

Theo ông Đức, Vietcombank không thể nói khách hàng vào trang đấy bị lộ thông tin và kết luận ngay được nếu không có cơ quan trung gian, đơn vị có thẩm quyền. Như vậy thì Vietcombank chỉ có thể nghi ngờ thôi chứ chưa thể khẳng định ngay được.

Trần Giang

——————

Dân Việt (Kinh tế) 12-8-2016:

http://danviet.vn/kinh-te/mat-500-trieu-dong-vietcombank-khong-the-do-loi-cho-khach-la-het-trach-nhiem-700711.html

(249/1.273)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.730. Ra mắt cuốn “cẩm nang” tra cứu về pháp...

(ND) - Cuốn sách “Cẩm nang pháp luật ngân hàng (Nhận diện những vấn...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.277. Tìm hiểu kỹ về hợp đồng tín dụng

(FE) - Livetream: Finace explorers – Hiểu tiền bớt phiềnTập 6: Những...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,259