(DĐDN) – Mặc dù, tội kinh doanh trái phép đã bị loại bỏ tại Bộ luật Hình sự 2015. Nhưng tư duy về xử phạt đối với hành vi kinh doanh trái phép dường như vẫn chưa đồng hành với quyền tự do kinh doanh được hiến định trong Hiến pháp 2013.
Anh Dương Trọng Tiến cầm trên tay quyết định không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến việc kinh doanh “điện thoại cùi bắp”
Sau 30 năm đổi mới, kinh doanh trái phép mới được loại bỏ ra khỏi các tội danh trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, tư duy và cách hành xử của nhiều cơ quan công quyền vẫn chưa thực sự thay đổi.
Nhà nước đã thật sự khuyến khích kinh doanh?
Trong kinh doanh thì quan trọng hàng đầu chính là gia nhập thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng gắn liền với tội danh “kinh doanh trái phép”. Hành vi kinh doanh trái phép được hiểu ở ba trạng thái. Thứ nhất, là có hành vi kinh doanh nhưng không đăng ký kinh doanh. Tiếp đến là có hành vi kinh doanh, có đăng ký kinh doanh nhưng không đúng với nội dung đã đăng ký. Và cuối cùng là có hành vi kinh doanh, có đăng ký kinh doanh đúng với nội dung đã đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng không có Giấy phép riêng hay còn gọi là “giấy phép con”.
Theo LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, đã gọi là kinh tế thị trường thì người dân phải được đảm bảo quyền tự do kinh doanh. Chính vì vậy, theo LS Đức, tội kinh doanh trái phép đáng ra phải bỏ ngay khi chúng ta thừa nhận là một nền kinh tế thị trường. Loại trừ những ngành nghề bị cấm hoặc hạn chế kinh doanh (kinh doanh có điều kiện), việc kinh doanh không gây hại mà mang lợi ích đến cho xã hội thì phải được khuyến khích chứ không thể coi là tội.
Việc đăng ký kinh doanh để phục vụ công tác quản lý nhà nước thì nhà nước phải có trách nhiệm khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông Đức, thủ tục đăng ký kinh doanh gây khó khăn buộc người dân phải tuân thủ (nếu không sẽ bị phạt) là đi ngược lại nguyên tắc của kinh tế thị trường và quay trở lại tư duy thời kỳ bao cấp. Nếu nhìn vào việc triển khai Luật DN 2014 về hoạt động đăng ký kinh doanh thì thấy người dân đang có nguy cơ bị quay trở về thời bao cấp hạn chế quyền tự do kinh doanh.
Tại Nghị định 78/2015 hướng dẫn thi hành Luật DN 2014, Chính phủ đã quy định hộ kinh doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập DN theo quy định. Hộ kinh doanh dưới 10 lao động thì đăng ký thành lập hộ kinh doanh tại UBND quận huyện. Nghị định cũng giao UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương quy định mức “thu nhập thấp” áp dụng trên phạm vi địa phương để làm căn cứ xem xét hộ nào phải đăng ký hộ kinh doanh. Tuy nhiên, tính đến nay vẫn chưa có địa phương nào hướng dẫn thế nào là thu nhập thấp để người dân có căn cứ mà đi đăng ký kinh doanh.
Như vậy, quyền tự do kinh doanh của người dân trong Hiếp pháp đã bị xâm phạm.
Dù tội kinh doanh trái phép đã được bãi bỏ từ 01/7/2016, nhưng người dân vẫn luôn thường trực nguy cơ bị xử phạt hành chính về hành vi “kinh doanh trái phép”.
Đảm bảo quyền của người dân – cách nào?
Rõ ràng những hoạt động kinh doanh mở quán “cà phê xin chào” hay cửa hàng sửa chữa “điện thoại cùi bắp”… không gây hại cho xã hội và nó cần được tạo điều kiện, khuyến khích phát triển. Nhưng một điều đáng lo ngại là một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng chính sách với mục đích riêng. Trong khi có hàng chục, hàng trăm quán cà phê, cửa hàng sửa điện thoại không đăng kinh doanh doanh thì lực lượng chức năng lại chỉ nhắm vào một đối tượng. Họ có thể dùng quyền lực mà nhà nước trao cho để xử lý bất cứ ai mà họ không ưa…
Để hạn chế việc lợi dụng lỗ hổng chính sách của một số cán bộ nhũng nhiễu người dân và DN thì chính sách phải rõ ràng và đầy đủ. Bắt đầu từ việc đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh cá thế, chính sách cần có sự thống nhất theo hướng tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thực hiện. Theo ông Nguyễn Minh Đức – Ban pháp chế VCCI, việc các địa phương lúng túng với cách hiểu về thu nhập thấp cũng phải đặt ra. Nếu pháp luật quy định thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng là thu nhập thấp thì không thể tính trên doanh thu của hộ kinh doanh cá thể 100 triệu đồng/năm để yêu cầu họ phải đăng ký kinh doanh. Bởi vì, để có thu nhập 9 triệu đồng/tháng, họ còn rất nhiều khoản chi phí nếu làm dịch vụ và giá vốn nguyên liệu nếu sản xuất. Do đó, cách tính thu nhập của hộ kinh doanh cá thể cần tính trên % doanh thu và có hướng dẫn chung thống nhất từ trung ương để địa phương áp dụng. Nếu đã nói là đăng ký kinh doanh dựa trên thu nhập thì phải có sự công bằng giữa người làm trong DN, và người làm việc tại hộ kinh doanh cá thể.
Ngoài ra, để khuyến khích người dân gia nhập thị trường, theo ông Đức việc đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể cần được giao đến tận xã, phường thực hiện. Đây là đơn vị cơ sở nắm chắc nhất về số liệu hộ kinh doanh cá thể. Cán bộ quán lý cấp cơ kinsở có thể gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu, hỗ trợ với từng hộ kinh doanh cá thể.
Như vậy, quyền tự do kinh doanh của người dân mới thực sự được coi trọng.
——————
Diễn đàn Doanh nghiệp (Cải cách hành chính) 28-8-2016:
http://enternews.vn/kinh-doanh-khong-the-la-toi.html
(220/1.097)