1.315. Gỡ được nhiều nút thắt

(ĐBND) – Trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 3, QH đã nghe báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội và dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Sự sắp xếp này cũng đã cho thấy mức độ ưu tiên của QH đối với việc giải quyết nợ xấu, bởi nếu không nhanh chóng phá tan cục máu đông này, khơi thông dòng vốn phục vụ phát triển kinh tế thì khó mong đợi GDP sẽ tăng cao hơn trong những năm sau.

Nhìn thẳng vào sự thật về nợ xấu

“Tính đến ngày 31.12.2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản các TCTD (VAMC) chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ”,  Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng báo cáo trước QH chiều qua.

“Đây là mức độ thực chất, là vấn đề thực sự”, TS. Nguyễn Đức Hưởng, cố vấn cao cấp của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) bình luận và nhấn mạnh rằng, “chúng ta phải nhìn thẳng sự thật đó mới mạnh dạn cho ra đời những cơ chế phù hợp”. Ông cũng cho biết, mấy năm qua, các ngân hàng đã tự xử lý được khoảng 53% nợ xấu, còn lại 47%, trong đó 43% là nợ xấu đang vướng mắc về mặt cơ chế không thể tự xử lý được trong khi nền kinh tế đang thiếu vốn sản xuất kinh doanh.

Được Ủy ban Kinh tế mời dự phiên họp thẩm tra dự thảo Nghị quyết của QH về xử lý nợ xấu của các TCTD, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng đặc biệt nhấn mạnh tính cấp thiết của việc hoàn thiện hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu. Ông Đức cho rằng, nợ xấu phải giải quyết càng nhanh càng tốt bởi “không thu được nợ đồng nghĩa với không có khả năng cho vay; thu được nợ càng ít thì cho vay càng ít và lãi suất càng cao”.

Ở góc độ cơ quan soạn thảo Dự thảo Nghị quyết, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu không được giải quyết sẽ dẫn đến nhiều bất cập. Trong đó, đáng kể nhất là việc không thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, hạn chế quyền tiếp cận vốn của doanh nghiệp, khó giảm được lãi suất cho vay, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

Tìm tiếng nói chung

Dự thảo Nghị quyết của QH về xử lý nợ xấu của các TCTD gồm 18 điều, được giới chuyên gia tài chính – ngân hàng đánh giá là gỡ được rất nhiều nút thắt hiện nay trong việc xử lý nợ xấu.

Đầu tiên, phải kể đến việc Dự thảo Nghị quyết đã quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm. “Điều này phát đi thông điệp về quyền của chủ nợ và trách nhiệm của con nợ trong quan hệ đi vay và cho vay. Mặc dù quyền thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD là đương nhiên, là hợp hiến nhưng chưa có văn bản pháp luật chính thức nào giao quyền cho các TCTD”, ông Nguyễn Đức Hưởng bình luận. Nếu các ĐBQH ủng hộ quy định này, các TCTD sẽ rút ngắn thời gian thu hồi nợ, giảm thiểu tình trạng “đứng cho vay, quỳ đòi nợ”, mặc cho Tòa có ra phán quyết, con nợ cứ chây ỳ không chịu bàn giao tài sản bảo đảm.

Đối tượng được mua bán nợ xấu cũng được mở rộng, theo hướng: tổ chức mua  bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho các tổ chức, cá nhân bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ. Tiếp đó, dự thảo Nghị quyết cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu, tài sản bảo đảm theo giá thị trường, kể cả thấp hơn giá trị sổ sách của khoản nợ. VAMC cũng được mua các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro đang hạch toán ngoại bảng và chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá thị trường.

Dự thảo Nghị quyết của QH về xử lý nợ xấu của các TCTD sẽ được các đại biểu thảo luận tại Hội trường vào ngày 7.6 tới và dự kiến sẽ được biểu quyết thông qua một tuần sau đó. Hy vọng, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các ĐBQH sẽ tìm được tiếng nói chung để phá tan cục máu đông nợ xấu và mang lại cơ hội cải thiện cho tăng trưởng kinh tế.

TS. NGUYỄN ĐỨC HƯỞNG, Cố vấn cao cấp của Liên Việt PostBank:  Quyền thu giữ tài sản bảo đảm của TCTD là hợp hiến

Liên quan đến quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các TCTD, có ý kiến đề xuất phân thành 2 trường hợp: (1) Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có thỏa thuận đồng ý cho TCTD có quyền xử lý tài sản bảo đảm thì các bên thực hiện quyền xử lý tài sản bảo đảm theo nội dung hợp đồng đã thỏa thuận; (2) Trường hợp không đạt được thỏa thuận giữa các bên về xử lý tài sản bảo đảm thì TCTD có quyền yêu cầu tòa án áp dụng thủ tục rút gọn.

Tôi cho rằng, tách làm hai bước như vậy chỉ làm phức tạp thêm tình hình. Trước khi đi vay, người vay đã chấp thuận đem quyền sử dụng và sở hữu đi thế chấp có công chứng chứng giám và có đăng ký giao dịch bảo đảm rồi. Tức là nếu người vay không thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận thì đương nhiên bị mất quyền sử dụng và sở hữu. Nhưng nếu biết luật pháp có quy định trường hợp thứ 2, dù biết rằng mình không thực hiện đúng  nghĩa vụ nhưng họ sẵn sàng… cãi cùn, không đồng thuận để “chạy” tòa án và thi hành án… “hành lại” ngân hàng. Dù ngân hàng có thắng tại tòa thì thi hành án được cũng mất vài băm và cũng máu đông nợ xấu lại có môi trường hình thành thì có nên chăng?

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Giám đốc Công ty Luật ANVI: Ghi nhận quyền thu giữ tài sản bảo đảm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng

Việc pháp luật ghi nhận quyền thu giữ tài sản bảo đảm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để con (khách) nợ và bên thế chấp tài sản nói chung, thế chấp nhà ở nói riêng phải tôn sự trọng cam kết, thoả thuận, tăng thêm ý thức, trách nhiệm pháp lý của mình trong việc trả nợ và xử lý tài sản bảo đảm. Còn nếu như bỏ quy định về quyền thu giữ tài sản thế chấp thì nghĩa vụ “giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý” theo quy định tại Điều 301 Bộ luật Dân sự năm 2015 sẽ lập tức trở về gần như bằng không. Khi đó, nguy cơ càng khó xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.

Cuối cùng, kể cả trường hợp tài sản bảo đảm hay nhà ở thế chấp đã được thu giữ, nhưng nếu chủ sở hữu tài sản không đồng ý với việc thu giữ và xử lý thì vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp như bình thường.

Tiểu Phong

————

Đại biểu Nhân dân (Kinh tế) 22-5-2017:

http://m.daibieunhandan.vn/Chi-tiet?Id=390508

(316/1.396)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,907