Maritime Bank đã bác bỏ tin đồn về sự minh bạch tài chính, tuy nhiên việc phản ứng chậm trễ cũng gây hoang mang cho khách hàng – Ảnh: Lã Anh |
Im lặng là một lựa chọn
Tháng 8 này, thị trường tài chính không khỏi xôn xao trước tin đồn Chủ tịch Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank) Trần Anh Tuấn “bắt tay” khách hàng rút ruột 30 nghìn tỷ đồng. Khi bức thư điện tử của chủ tịch ngân hàng gửi nhân viên bị rò rỉ, ngân hàng không lên tiếng. Bản thân ông Trần Anh Tuấn cũng từ chối sự tiếp cận của giới truyền thông. Cho tới khi tình hình phức tạp hơn với tin đồn ngân hàng này căng thẳng thanh khoản, thì Ngân hàng Nhà nước và Maritime Bank mới cùng lúc xuất hiện bác bỏ các tin đồn, trấn an dư luận.
“Trong trường hợp mới bắt đầu kinh doanh, uy tín và hình ảnh của lãnh đạo doanh nghiệp hết sức quan trọng trong việc tạo lòng tin nơi đối tác, khách hàng, nhân viên. Tuy nhiên, sau 5 năm (tầm nhìn trung hạn của một doanh nghiệp) mà vẫn dùng thương hiệu cá nhân ấy để hỗ trợ kinh doanh thì đó chính là lúc xuất hiện các nguy cơ của sự trì trệ hay khủng hoảng tiềm tàng. Một doanh nghiệp bền vững cần kinh doanh trên cơ sở một đội ngũ, một bộ máy, một quy trình chuyên nghiệp chứ không phải dựa quá nhiều vào một con người”. Ông Nguyễn Đình Thành |
Bình luận về động thái này, ông Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập Elite PR School cho rằng, im lặng cũng là một giải pháp. Ông Thành phân tích, việc trả lời nhanh khi chưa đánh giá được hết nội tình sự việc và tác động sẽ phản tác dụng. “Thông tin về ông Tuấn và đối tác chỉ là tin đồn chứ không phải việc cơ quan pháp luật đã khởi tố hay điều tra nên không vội vàng trả lời là điều hợp lý”, ông Thành nói.
Dẫn lại một vụ việc lớn trước đó là “hồ sơ Panama”, sau khi danh sách một loạt cá nhân, đơn vị, địa chỉ tại Việt Nam có tên trong hồ sơ này được công bố, đã xuất hiện hai phản ứng nhanh và chậm. Chẳng hạn, một số doanh nhân như bà Đàm Bích Thủy, cựu Giám đốc điều hành Ngân hàng ANZ hay ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air đều nhanh chóng giải thích việc có tên trong hồ sơ này, đồng thời bác bỏ khả năng vi phạm về trốn thuế, rửa tiền. Trong khi đó, nhiều doanh nhân còn lại chọn cách im lặng từ đó đến giờ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Thành cho rằng, các thông tin liên quan đến “hồ sơ Panama” có thể nói là không có căn cứ vững chắc, các cá nhân có tên trong hồ sơ này nên miễn bình luận trên mọi phương tiện truyền thông cả cá nhân và chính thức. Ông Thành nêu quan điểm: “Việc xuất hiện trong danh sách này cũng không có nghĩa là người đó vi phạm pháp luật. Chỉ khi có quyết định khởi tố hoặc bị cáo buộc chính danh trên các phương tiện truyền thông chính thống thì người liên quan mới nên trả lời”.
Chủ động thông tin
Trái ngược với quan điểm trên, ông Nguyễn Cao Cường, Phó giám đốc Trung tâm Nghiệp vụ báo chí truyền thông, Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét, lãnh đạo Maritime Bank sau một tuần mới thông tin “thì chắc chắn là muộn rồi”. Ông Cường phân tích, tài chính, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, nếu không được xử lý khéo sẽ ảnh hưởng tới cả hệ thống. Ông Cường nêu quan điểm: “Có thể trong một tuần ấy, Maritime Bank tìm cách xử lý nội bộ và chờ chỉ thị từ Ngân hàng Nhà nước nhưng rõ ràng là họ không chuyên nghiệp bởi có những thứ nằm trong tầm kiểm soát thì họ đã không làm như gửi ngay thông cáo báo chí hay tổ chức họp báo”.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI chung quan điểm khi cho rằng, tài chính, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm. Các định chế tài chính, nhất là ngân hàng và các công ty đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, phải thường xuyên báo cáo, xử lý thông tin về hoạt động nghiệp vụ và công bố thông tin. Chính vì vậy, trước sự cố trong lĩnh vực này, rất ít lãnh đạo thể hiện được thái độ tích cực của bản thân với cộng đồng và dư luận.
Còn nhớ cách đây không lâu, khi Chủ tịch Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà bị tung tin đồn bị bắt. Tác động của nó là 34 nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán đã “bốc hơi” chỉ trong phiên giao dịch ngày 21/2/2013. Bản thân ông Hà cũng bộc bạch, trong khi cơ quan chức năng vào cuộc và chờ kết luận, ông không dám từ chối bất cứ một cuộc điện thoại nào. Đây được coi là “điều lạ” với những người biết ông. Tuy nhiên, sự thay đổi về nguyên tắc trong bối cảnh đó đã chứng minh thực tế ngược hẳn với tin đồn.
——————
Giao thông (Doanh nghiệp) 07-9-2016:
http://www.baogiaothong.vn/doanh-nhan-ung-xu-the-nao-truoc-tin-don-bi-bat-bo-tron-d167131.html
(98/1.008)