1.328. Xử lý nợ xấu: Không loại trừ trách nhiệm hình sự của các cá nhân gây nợ

(PN) – Đó là một trong những điểm mới trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu. Ngoài ra, khi xử lý nợ xấu sẽ không sử dụng ngân sách nhà nước và không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân sai phạm.

Theo báo cáo mới nhất của các tổ chức tín dụng (TCTD) đến tháng 9/2016, tổng số nợ xấu chưa được xử lý vào khoảng 450 đến 500 nghìn tỷ đồng, tương đương với khoảng 20 đến 25 tỷ USD.

Tổng số nợ xấu chưa xử lý này chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay và đầu tư đối với nền kinh tế. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ.

Theo nhận định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, số lượng nợ xấu lớn như vậy đe dọa nghiêm trọng không chỉ hệ thống tài chính mà toàn bộ hệ thống an ninh tiền tệ quốc gia.

Vướng khi xử lý tài sản bảo đảm

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng, nợ xấu chưa được giải quyết triệt để do có một số điểm mấu chốt: Chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các TCTD; Các quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm còn nhiều vướng mắc, bất cập, không bảo đảm quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm; Thời gian xử lý nợ, tài sản bảo đảm qua tòa án thường kéo dài, trong khi pháp luật về tố tụng dân sự chưa cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của bên bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm.

Còn theo Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, vấn đề cấp thiết nhất trong xử lý nợ xấu chính là việc xử lý tài sản bảo đảm. Khi khách hàng không trả được nợ nhưng cũng không bàn giao lại tài sản cho ngân hàng thì chuyển qua cơ quan tòa án xử lý theo quy trình pháp luật.

Tại Vietcombank chỉ riêng năm gần đây đã có 790 vụ phải chuyển qua tòa án, ngoài ra còn 98 vụ đã gửi qua tòa thụ lý nhưng chưa đưa ra xét xử. Thời gian bình quân để giải quyết tranh chấp thông qua tòa án phải mất tới 2 năm, có vụ ngân hàng đã phải theo đuổi tới 7 năm, có vụ 18 tháng mới có phiên hòa giải đầu tiên.

Như vậy, vốn tồn đọng sẽ rất lâu. Quá trình thi hành án cũng rất khó khăn, mất thêm 2-3 năm nữa, có trường hợp mất 4-5 năm vẫn không thi hành án được. Ví dụ như khoản nợ của Công ty An Phúc tại Bình Dương đã 3 năm chưa thể thi hành án. Trong khi chờ tòa giải quyết thì tài sản bảo đảm xuống cấp và mức độ tổn thất của ngân hàng càng lớn.

Từ đó, ông Thành kiến nghị: Xu hướng phát triển của pháp luật giao dịch bảo đảm hiện đại là khuyến khích các chủ thể thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản thế chấp ngoài Tòa án.

Tại các hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp ký kết giữa các bên đều quy định khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ thì bên nhận thế chấp được quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Do đó, pháp luật cần có quy định để đảm bảo và tăng cường quyền chủ động và sức mạnh cho bên nhận thế chấp để thực hiện quyền của chủ nợ và quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Hưởng – Cố vấn cao cấp LienVietPostBank cho rằng, hiện nay xử lý nợ xấu đang vướng ở chỗ khi ngân hàng cho vay thì người đi vay đồng ý thế chấp, qua công chứng, giao dịch được bảo đảm.

Nhưng khi người vay không trả được nợ thì ngân hàng lại không được thu giữ tài sản đảm bảo để tự xử lý mà phải thông qua cơ quan công an, tòa án. Điều đáng nói là ngay cả khi tòa án xử xong thì công tác thi hành án kéo dài. Đáng ra có thể xử lý trong 3 tháng thì nay đến 3 năm cũng không xong.

“Khi xử lý không xong nên ngân hàng từ chủ nợ trở thành kẻ hành khất, khi cho vay thì đứng, khi thu nợ thì quỳ. Nếu cứ để như thế này thì chỉ vì một số khách hàng chây ỳ thì đằng sau đó là hàng loạt người dân gửi tiền tiết kiệm phải chịu thua bộ phận những người không chấp hành pháp luật này” – ông Hưởng thẳng thắn.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI bổ sung: Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định về quyền được thu giữ tài sản bảo đảm trong “trường hợp luật liên quan có quy định khác”. Việc Quốc hội ban hành một đạo luật (hiện nay đang được thể hiện dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội về lý nợ xấu) là rất cần thiết và hoàn toàn thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

“Và trong mọi trường hợp, luật pháp cũng chỉ đặt ra việc thu giữ tài sản bảo đảm khi đã có thỏa thuận cụ thể giữa bên sở hữu tài sản bảo đảm và bên nhận tài sản bảo đảm. Khi đã tự nguyện thỏa thuận đưa tài sản thuộc quyền sở hữu của mình vào cầm cố, thế chấp, chủ sở hữu tài sản cũng đã đồng ý cho phép tổ chức tín dụng có quyền xử lý tài sản bảo đảm khi không trả được nợ đến hạn. Do vậy, việc thu giữ tài sản bảo đảm thực ra chỉ là một khâu hỗ trợ cần thiết để có thể xử lý phát mại, chuyển giao quyền sở hữu tài sản bảo đảm trên thực tế”, ông Đức nói.

Còn theo ĐBQH Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) đồng thời là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank): xử lý nợ xấu chậm sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Đối với nền kinh tế, nếu xử lý nhanh, khoảng 10% dư nợ tín dụng sẽ được đưa vào nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo ra tăng trưởng GDP. Đối với ngân hàng, khi xử lý các khoản nợ xấu, bản thân ngân hàng có thêm nguồn lực để đưa vào kinh doanh.

Nếu không thu được nợ xấu sẽ làm cho chi phí ngân hàng tăng lên, kéo theo lãi suất đầu ra sẽ bị ảnh hưởng. Nếu xử lý được các khoản nợ đọng, ngân hàng có thêm nguồn lực để hạ lãi suất.

Đối với các doanh nghiệp, nếu không xử lý được nợ sẽ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng tiếp, có thể dẫn tới dừng hoạt động, phá sản.

“Đến giờ phút này, chúng tôi rất hồi hộp và mong chờ cơ chế, chính sách hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu”- ông Thắng chia sẻ.

Kỳ vọng

Để các ngân hàng thương mại thực hiện tiến trình xử lý nợ xấu, Chính phủ đã giao NHNN chủ trì xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3.

Điểm mới của Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu này là không phân biệt nợ xấu của các TCTD theo sở hữu, tức là không phân biệt nợ xấu của NHTM Nhà nước hay NHTM CP; giới hạn thời gian nợ xấu kết toán đến ngày 31/12/2016, không xóa trách nhiệm đối với các sai phạm của cá nhân (nếu có); dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 và kết thúc vào ngày 1/7/2022.

Đáng chú ý là Dự thảo Nghị quyết đã quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của ngân hàng.

“Điều này phát đi thông điệp về quyền của chủ nợ và trách nhiệm của con nợ trong quan hệ đi vay và cho vay. Mặc dù quyền thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD là đương nhiên, là hợp hiến nhưng chưa có văn bản pháp luật chính thức nào giao quyền cho các TCTD”. Nếu quy định này được thông qua thì các TCTD sẽ rút ngắn thời gian thu hồi nợ, giảm thiểu tình trạng “đứng cho vay, quỳ đòi nợ” như hiện nay – ông Nguyễn Đức Hưởng bình luận.

Với nội dung như vậy Nghị quyết được kỳ vọng có thể giải tỏa những vấn đề nóng của các TCTD trong 4 năm vừa qua, từ đó làm lành mạnh hoạt động của các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần giảm lãi suất cho vay, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Minh An

———–

Phụ nữ (Thị trường) 25-5-2017:

http://m.phunuonline.com.vn/thi-truong/xu-ly-no-xau-khong-loai-tru-trach-nhiem-hinh-su-cua-cac-ca-nhan-gay-no-101294/

(219/1.608)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,829