(ĐBND) – Theo số liệu từ Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 8 trên cả nước là 2.005 doanh nghiệp, tăng 11,1% so với tháng 7. Con số này đã cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh tiếp tục được củng cố. Để tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp, nhiều chuyên gia kiến nghị cần hoàn thiện một số quy định pháp luật liên quan tới hồ sơ thành lập và đại diện doanh nghiệp.
Mơ hồ quy định người đại diện
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung trong trong 8 tháng năm 2016, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 18.711 doanh nghiệp, tăng 65,1% so với cùng kỳ năm trước. |
Mặc dù cho tới thời điểm hiện nay, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp đã cơ bản đầy đủ, song các doanh nghiệp vẫn mơ hồ với nhiều điều khoản, đơn cử như quy định được phép có nhiều người đại diện. Xuất phát từ nhu cầu cần thiết có hơn một người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2014 đã cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.
Một lãnh đạo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho rằng, việc cho phép doanh nghiệp có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật có thể phát sinh vướng mắc, nhất là khi có sự tranh chấp giữa các nhóm cổ đông. Trong trường hợp người đại diện này ký một văn bản gửi cho đối tác và cơ quan quản lý, người đại diện khác lại gửi một văn bản với nội dung hoàn toàn trái ngược thì sẽ xử lý ra sao? Các đối tác của doanh nghiệp này sẽ gặp rủi ro nếu người đại diện không ký đúng thẩm quyền vì vẫn thiếu quy định rõ ràng về phân quyền.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI khẳng định, Luật Doanh nghiệp 2014 trao quyền tự chủ rất cao cho điều lệ doanh nghiệp quy định về người đại diện theo pháp luật. Nếu điều lệ không rõ ràng, cụ thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của đối tác và bên thứ ba khi giao dịch với doanh nghiệp. Doanh nghiệp dễ lợi dụng, cố tình quy định về phạm vi thẩm quyền không rõ ràng giữa những người đại diện theo pháp luật để giải thích theo hướng có lợi cho mình, gây thiệt hại cho bên thứ ba. Nếu chỉ quy định như hiện nay thì thông tin “đại diện theo pháp luật” sẽ rất khó kiểm soát, vì bên thứ ba không phải lúc nào cũng có điều kiện hoặc muốn kiểm tra tư cách người đại diện doanh nghiệp.
Nguồn: ITN |
Nhiều chuyên gia kiến nghị, Luật cần quy định rõ những đại diện khác chỉ là ủy quyền trong trường hợp người đại diện theo pháp luật thứ nhất mất khả năng làm việc, đi vắng khỏi Việt Nam, hoặc các tình huống pháp lý khác. Đồng thời, tư cách người đại diện theo pháp luật phải được thể hiện rõ trong các văn bản giao dịch của doanh nghiệp, phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu để cho người khác sử dụng trụ sở giao dịch, giấy tờ giao dịch, con dấu doanh nghiệp, hóa đơn doanh nghiệp, phương tiện giao dịch của doanh nghiệp để tạo giao dịch với bên thứ ba, gây hiểu lầm, gây thiệt hại hoặc phát sinh tranh chấp.
Lúng túng với hồ sơ thành lập
Không chỉ gặp khó với quy định người đại diện, các doanh nghiệp hiện cũng đang lúng túng khi nộp hồ sơ đăng ký thành lập. Để tránh tình trạng lạm quyền của cơ quan đăng ký kinh doanh, Nghị định 78/2015/NĐ – CP về đăng ký doanh nghiệp quy định “Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định”. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn than thở rằng, quy định là vậy nhưng trên thực tế lại chẳng có mấy giá trị. Đối với những doanh nghiệp phải đăng ký trụ sở công ty tại một căn hộ nằm trong cao ốc phức hợp để ở và thương mại, Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn buộc họ phải chứng minh quyền được dùng căn hộ để làm trụ sở công ty.
Tương tự, đối với một số ngành nghề kinh doanh, khi đăng ký thành lập, doanh nghiệp vẫn phải có giấy phép cho phép thành lập trước của các bộ chuyên ngành. Đơn cử như lĩnh vực sản xuất phim do Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cấp, tín dụng do Ngân hàng Nhà nước cấp. Ông Trần Văn Trí, Luật sư điều hành Công ty Luật Fujilaw cho biết, việc cơ quan có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm hồ sơ đồng nghĩa với việc đã vi phạm quy định của Nghị định 78 nhưng nếu không yêu cầu thì lại vi phạm các quy định của luật chuyên ngành khác. Chính vì vậy mà việc các doanh nghiệp vẫn bị buộc phải nộp thêm hồ sơ là điều dễ nhận thấy.
Một trong những điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2014 là trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, tùy theo loại hình doanh nghiệp, người thành lập phải có bản sao giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác chứ không bắt buộc phải có lý lịch tư pháp. Thế nhưng, trong trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp vẫn phải nộp phiếu lý lịch tư pháp cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
Trên thực tế, không ít doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu phải có lý lịch tư pháp mà không rõ trường hợp nào thì cơ quan quản lý yêu cầu nộp, trường hợp nào thì không yêu cầu, khiến doanh nghiệp luôn ở trạng thái bị động. Nhiều doanh nghiệp cho biết, quy định “yêu cầu lý lịch tư pháp” làm cho doanh nghiệp mất thêm từ 10 – 15 ngày chờ đợi. Đó là chưa kể muốn được cấp Phiếu lý lịch tư pháp, doanh nghiệp có thể phải về tận nơi đăng ký hộ khẩu để làm thủ tục tại Sở Tư pháp (nếu không thể ủy quyền cho người khác).
“Quy định lập lờ sẽ dẫn tới tùy tiện khi áp dụng, gây thêm nhiều khó khăn, rối rắm cho người thành lập doanh nghiệp. Thủ tục hành chính đòi hỏi văn bản pháp luật cần phải quy định một cách rõ ràng, chi tiết, giống như “cầm tay chỉ việc” thì mới mong không phát sinh tiêu cực” – một chuyên gia khẳng định.
Đỗ Quyên
——————
Đại biểu Nhân dân 10-9-2016:
http://daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=378019
(153/1.232)