1.335. “Phá băng” nợ xấu từ tài sản bảo đảm

(NLĐ) – Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu đã xem xử lý tài sản bảo đảm tại các ngân hàng là cái “chốt” quan trọng cần tháo gỡ

Thời gian qua, đa số nợ xấu của ngân hàng (NH) đều có tài sản bảo đảm (TSBĐ), chủ yếu là bất động sản nhưng các NH lại không làm gì được với khối tài sản thế chấp này để thu hồi nợ.

Bất lực nhìn con nợ hưởng lợi

Về tình thế bất lực trước nợ xấu, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết có doanh nghiệp (DN) ở Nha Trang vay Vietcombank trên 1.000 tỉ đồng kinh doanh khách sạn và thế chấp bằng chính khách sạn đó. Khi phát sinh nợ khó đòi, Vietcombank kiện ra tòa nhưng phải mất 18 tháng mới có phiên hòa giải đầu tiên.

Sau khi tòa xét xử, DN nhất định không bàn giao khách sạn dù Vietcombank đã tìm được người mua lại TSBĐ. Nhờ chây ì, mỗi năm, DN này vẫn thu lợi nhuận 70-100 tỉ đồng từ kinh doanh khách sạn mà theo luật đã là tài sản của Vietcombank. “Khách sạn đó nếu xử lý được, đem bán thì chúng tôi đã có thể thu được nợ gốc nhưng để chậm vài ba năm nữa thì hết khấu hao, không biết có thu được 50% giá trị khoản vay hay không” – ông Thành ngao ngán.

Nợ xấu ở các ngân hàng cần được xử lý để khơi thông nguồn vốn lớn cho nền kinh tế Ảnh: TẤN THẠNH

Agribank thì có nhiều trường hợp đã có bản án, đang xử lý TSBĐ, đưa ra đấu giá hơn chục lần nhưng xuất hiện người khởi kiện dân sự tranh chấp nên phải hoãn thi hành án. Ông Hà Sỹ Vịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Xử lý rủi ro của NH này, thừa nhận tại Agribank có trường hợp đấu giá lần đầu từ tháng 2-2011 với giá khởi điểm khoảng 73,4 tỉ đồng.

Sau 16 phiên đấu giá, tháng 10-2016, đấu giá thành công, ngân hàng thu nợ được 12 tỉ đồng. Như vậy, giá khởi điểm đấu giá quá cao, thời gian đấu giá kéo dài nhiều năm, giá TSBĐ giảm, chi phí vốn và chi phí xử lý tài sản tăng trong khi con nợ chây ì vẫn hưởng lợi hàng tỉ đồng mỗi tháng từ việc khai thác TSBĐ.

Đại diện Techcombank cho biết theo Nghị định 163/2006, NH được chủ động xử lý TSBĐ hoặc khởi kiện. Tuy nhiên, do biết hệ thống tòa án thường quá tải, thủ tục xét xử kéo dài, không ít con nợ đã yêu cầu phải giải quyết tranh chấp thông qua tòa án để kéo dài thời gian nắm giữ TSBĐ. Techcombank đang tồn tại nhiều khoản nợ đã có bản án có hiệu lực từ năm 2012-2014 nhưng chưa thể thi hành để thu hồi nợ.

Rút gọn quy trình xử lý

Những trường hợp nêu trên lý giải vì sao có nghịch lý là đa số nợ xấu có TSBĐ nhưng NH lại không thể thu hồi nợ.

TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu đã xem xử lý TSBĐ là cái “chốt” quan trọng cần tháo gỡ. Theo đó, đã đặt vấn đề hệ thống hóa lại quy trình xử lý TSBĐ của nợ xấu và quy định giải quyết tranh chấp tòa án theo hướng rút gọn nhưng vẫn bảo đảm hợp hiến, hợp pháp.

Các luật liên quan đến xử lý TSBĐ hiện quy định việc xử lý tài sản thực hiện theo nhiều bước nhưng dự thảo nghị quyết quy định rút gọn thành 2 bước. Cụ thể, đối với nợ xấu có TSBĐ đã đăng ký giao dịch bảo đảm, trước hết thực hiện theo thỏa thuận giữa NH và người vay nợ. Khi có tranh chấp, NH có quyền kiện ra tòa và theo tinh thần nghị quyết, tòa sẽ xử theo quy trình rút gọn, bảo đảm giải quyết nhanh và có hiệu lực ngay.

Đối với trình tự thi hành án dân sự, dự thảo cũng quy định trình tự rút gọn đối với cơ quan thi hành án dân sự để bảo đảm việc thu giữ TSBĐ của người vay được nhanh chóng, đồng thời không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của nền kinh tế.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nhìn nhận chưa bao giờ thành ngữ “Đứng cho vay, quỳ thu nợ” lại đúng với hoàn cảnh của các cán bộ tín dụng như vài năm trở lại đây khi xử lý nợ xấu. Khi ký hợp đồng vay vốn, khách hàng tự nguyện dùng tài sản thế chấp nhưng khi không có khả năng trả nợ thì chây ì không chịu giao TSBĐ để NH xử lý. Nhiều trường hợp còn dùng chiêu trò kêu cứu bị NH siết nợ trái phép để tranh thủ sự thông cảm của dư luận do nắm được tâm lý NH không muốn bị mang tiếng thu nợ như xã hội đen. 

Ước tính, nợ xấu phải mất trung bình 5 năm để xử lý. Vì vậy, vấn đề cấp bách là rút ngắn thời hạn xử lý nợ xấu bằng khoảng 1/2 hoặc 1/3 hiện nay. Nền kinh tế hiện nay phụ thuộc lớn vào vốn tín dụng, cứ 2 đồng dư nợ tín dụng tạo ra 1 đồng GDP. Nợ xấu đang tạo dư chấn trong ngành NH, như cục máu đông, khi nào chưa “rã băng” sẽ gây tắc nghẽn vốn của nền kinh tế. Nợ xấu tăng, NH phải tăng trích lập dự phòng, như vậy sẽ không có lợi nhuận nộp ngân sách, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

Tô Hà

————

Người lao động (Kinh tế) 29-5-2017:

http://nld.com.vn/kinh-te/pha-bang-no-xau-tu-tai-san-bao-dam-20170529220537363.htm

(121/1.016)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.911. Cuộc chiến chống buôn lậu cuối năm.

Cuộc chiến chống buôn lậu cuối nă (VH) - Ở thời điểm này, khi...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,114