1.339. Rủi ro từ chính sách “vi mô”

(ĐBND) – Tại Hội thảo “Làm gì để môi trường đầu tư – kinh doanh minh bạch, ổn định” ngày 3.6, các ý kiến chỉ ra rằng, rủi ro lớn nhất trong kinh doanh chính là pháp lý.

Rất nhiều rủi ro pháp lý

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trong kinh doanh, lẽ ra rủi ro lớn nhất phải là thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, dường như rủi ro lớn nhất là từ khía cạnh pháp lý hay rộng hơn là rủi ro chính sách.

Ông Đức phân tích, Luật Đầu tư năm 2005 và 2014 quy định rõ về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật. Như vậy, khi pháp luật thay đổi theo hướng lợi hơn hay bất lợi hơn thì nhà đầu tư vẫn được bảo đảm ưu đãi tốt hơn hoặc không bị giảm đi.

Thực tế lại diễn ra nhiều hành động vô tình hay cố ý loại bỏ, gây khó và đánh đố nhà đầu tư. Chẳng hạn trường hợp Công ty TNHH Bình Minh, năm 2007, đã đầu tư xây dựng Nhà máy nước sạch Nghi Sơn, công suất 90.000m3/ngày đêm ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa, để phục vụ Khu kinh tế Nghi Sơn và Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Theo quy hoạch Khu kinh tế Nghi Sơn). Thế nhưng, tháng 6.2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 1982/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương cho liên doanh Tổng Công ty Anh Phát – Sông Chu làm chủ đầu tư nhà máy nước sạch mới tại Khu kinh tế Nghi Sơn, với công suất 60.000m3/ngày, chặn đầu nguồn Nhà máy nước Nghi Sơn và không có trong quy hoạch chung Khu kinh tế Nghi Sơn. Nhà máy mới đã được ồ ạt xây dựng trong khi chưa được phê duyệt, điều chính quy hoạch cùng với việc tỉnh Thanh Hóa cấp tốc đề nghị hợp thức hóa thủ tục pháp lý. 

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, chưa bàn đến việc đúng – sai của Dự án mới, nhưng việc này đã dẫn đến nguy cơ gây thiệt hại to lớn cho Công ty TNHH Bình Minh. Nó cũng có nghĩa Thanh Hóa đã ưu ái cho doanh nghiệp này và làm khó doanh nghiệp khác.

Ống Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) cũng dẫn chứng nhiều rủi ro pháp lý khác đối với doanh nghiệp. Chẳng hạn, giấy phép kinh doanh cấp phổ biến có thời hạn 5 năm, sau đó phải cấp lại. Vậy nếu doanh nghiệp không xin được cấp phép lại thì những đầu tư trong 5 năm trước sẽ ra sao? Hay, những quy định trong Nghị định về kinh doanh khí gas, trước kia Hiệp hội kinh doanh khí gas ở Hà Giang có 40 doanh nghiệp, sau khi có quy định nâng chuẩn mực về khí gas, doanh nghiệp phải đầu tư 1-1,5 tỷ đồng để đáp ứng quy định pháp luật. Do 11 doanh nghiệp không đủ vốn để đầu tư nên đến nay chỉ còn 29 doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, lại hạ chuẩn mực về  khí gas. Điều này đã tạo ra rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.

Tiếp tục cắt bỏ điều kiện kinh doanh

Trả lời cho câu hỏi được chọn làm chủ đề hội thảo, Phó viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu cho rằng, phải có cuộc cải cách toàn diện, nâng cao chất lượng quy định; bãi bỏ quy định kém chất lượng, cản trở cạnh tranh, sáng tạo, gây rủi ro, mất an toàn cho doanh nghiệp.

 “Muốn môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng thì mọi thứ phải được giải quyết bằng pháp luật, hợp lý, tháo gỡ, giải tỏa nhanh chóng, dứt điểm, thuyết phục, hợp tình hợp lý các vụ việc đầu tư, kinh doanh thực tế nổi cộm kiểu trên thay vì mong muốn, hô hào, quy định chung chung”, luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ.

Đồng tình với các quan điểm trên, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, không chỉ nhất quán trong chính sách mà chính quyền phải “chung thủy” với doanh nghiệp. “Khi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư dự án, nhiều cơ quan không thực sự “chung thuỷ” với doanh nghiệp khi thay đổi chủ trương, do “lợi ích nhóm” làm ảnh hưởng tới lợi ích của doanh nghiệp, đẩy họ vào tình thế khó khăn”.

Ngoài ra, ông Lộc cũng đề xuất phải tiếp tục bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh không hợp lý. Mà theo bình xét của VCCI, con số này hiện nay là 24. “Tôi nghĩ còn nhiều quy định về điều kiện kinh doanh bất lợp lý vẫn tồn tại. Tôi nghe thấy có nhiều việc không chỉ doanh nghiệp mà các cơ quan quản lý đều cho rằng bất hợp lý nhưng bảo rằng pháp luật quy định như vậy thì chúng ta phải thực hiện. Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị mỗi kỳ họp Quốc hội nên hình thành một luật sửa đổi nhiều luật, đôi khi chỉ sửa một điều trong luật…”, ông Lộc nêu quan điểm.

Chủ tịch VCCI cũng kiến nghị sửa đổi hệ pháp luật kinh doanh mạnh mẽ hơn. Tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, trên bảo dưới không nghe, theo ông, một phần do ý thức, năng lực cán bộ nhưng nguy hiểm hơn quy định pháp luật giải thích kiểu gì cũng được, mỗi nơi giải thích một kiểu, mỗi công chức giải thích một kiểu, khó khăn cho người làm kinh doanh.

Nguyễn Quỳnh

————

Đại biểu nhân dân 04-6-2017:

http://www.daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=391094

(403/990)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,920