Doanh nghiệp “thở phào”
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua thuế suất TTNDN giảm mạnh từ mức 32% (năm 1999) giảm dần xuống mức 28% (2004), 25% (2009), 22% (2014) và từ ngày 1.1.2016, mức thuế suất TTNDN giảm xuống mức 20%. Được biết, hiện nay mức thuế này của Việt Nam khá thấp so với các nước như Philippines là 30% và Trung Quốc là 25%.
Thấp so với khu vực là vậy, song mới đây, Bộ Tài chính lại trình Chính phủ các giải pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có nội dung đề xuất giảm TTNDN thêm 3% so với mức đóng thuế hiện nay cho DN nhỏ và vừa (DNNVV) trong vòng 4 năm.
Theo phương án được Bộ Tài chính đưa ra, các DN có tổng doanh thu một năm không quá 20 tỉ đồng và các DN khởi nghiệp sẽ được hưởng mức thuế suất 17% thay vì 20% như hiện nay kể từ ngày 1.1.2017 đến hết ngày 31.12.2020.
Theo số liệu cung cấp từ Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương thì DNNVV hiện đóng góp hơn 40% GDP hơn 20% kim ngạch xuất khẩu và khoảng 29% các khoản thu ngân sách Nhà nước. Vốn đầu tư của khối DN này chiếm hơn 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực doanh nghiệp và tạo việc làm cho 5,12 triệu lao động. |
Về việc giảm TTNDN, theo tính toán của ông Hùng Mạnh – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương mại Hùng Mạnh, nếu như mức thuế 17% được áp dụng ngay trong năm tới thì công ty sẽ giảm được khoảng 800 triệu tiền thuế.
Có số tiền này, DN sẽ có vốn quay vòng, không phải đi vay ngân hàng. Nhờ vậy, công việc kinh doanh cũng hiệu quả hơn, dự đoán doanh thu năm sau cũng sẽ cao hơn năm trước.
Ông Nguyễn Anh Bằng – Giám đốc Công ty vận tải Sao Việt cho biết: “Thời gian qua, do ảnh hưởng từ những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước đã khiến nhiều DN, đặc biệt khối DNNVV mệt mỏi. Việc một chính sách thuế hợp lý, đúng thời điểm là sự hỗ trợ thiết thực nhất mà DN mong đợi. Bên cạnh những hỗ trợ về thủ tục hành chính thì giảm thuế thu nhập DN chính là sự ghé vai gánh vác những khó khăn cùng DN của ngành Thuế”.
Ủng hộ chủ trương này của Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cũng cho rằng, mức thuế TNDN 17% cho đối tượng DNNVV thời điểm này là hợp lý. Việc giảm TTNDN trước mắt có thể làm hụt thu ngân sách, nhưng về lâu dài, chính sách này sẽ hỗ trợ DN vươn lên phát triển, đóng góp vào nguồn thu.
Cụ thể, mức thuế này sẽ giúp DN có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh, giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, tiết kiệm được chi phí, từ đó giảm giá thành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư.
Lo ngại gia tăng DN “không chịu lớn”
Bên cạnh những tích cực mà chính sách thuế mới mang lại thì những lo ngại về việc sẽ làm gia tăng thêm số DN “không chịu lớn”, không muốn tăng quy mô là điều nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ý lo ngại.
Chuyên gia kinh tế – Luật Sư Trương Thanh Đức cho rằng, để tránh gian lận, cần có tiêu chí phân loại DN và giám sát rõ ràng. “Nếu tiêu chí phân loại DN không rõ ràng, cùng với việc buông lỏng giám sát sẽ dẫn tới việc ảnh hưởng tới số thu ngân sách và gây bất bình đẳng trong sự phát triển kinh tế” – ông Đức nêu quan điểm.
Chính vì thế, về lâu dài, Chính phủ cần xây dựng các chính sách gián tiếp tác động đến môi trường kinh doanh. Cụ thể là ngoài việc giảm TTNDN, Bộ Tài chính cần xây dựng chính sách thuế minh bạch để tạo thuận lợi cho DN.
Đồng thời, cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như đào tạo tư vấn, nâng cao năng lực quản trị điều hành, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng ổn định, giúp DN tiết kiệm chi phí, gia tăng quy mô. Đây mới thực sự là những gì DNcần để phát triển bền vững.
Còn nếu chỉ nghĩ đến việc giảm thuế thì sẽ dẫn đến sự ỷ lại vào Nhà nước mà không chịu lớn. Trong khi đó, hội nhập kinh tế ở mức toàn diện như hiện nay, với tư cách là chủ thể của nền kinh tế, muốn dành chiến thắng, cộng đồng DN Việt Nam phải lớn mạnh hơn nữa.
Tuệ Liên
——————
Lao động Thủ đô (Tài chính) 20-9-2016:
http://laodongthudo.vn/lo-ngai-doanh-nghiep-khong-chiu-lon-42538.html
(72/921)