1.358. Tòa án quá tải, trọng tài vắng vẻ

(TBNH) – Hòa giải và trọng tài không phải là một phương thức giải quyết tranh chấp mới trên thế giới, nhưng đi kèm với nhiều ưu thế nổi trội mà DN, các ngân hàng, TCTD trên thế giới đã và đang hướng đến.

Hàng nghìn vụ việc liên quan đến tranh chấp thương mại đang xếp hàng chờ được xét xử ở tòa án các cấp, không phải do tòa trễ nải mà đang quá tải. Sự ùn ứ đó kéo theo nó là hàng nghìn tài sản tranh chấp chưa thể giải quyết dứt điểm.

Chỉ riêng Agribank đã có 6.800 vụ việc gửi tới tòa và mới chỉ 1/8 trong số đó được xử lý. “Nếu không được xử lý tốt sẽ bất ổn lớn cho nền kinh tế”, LS. Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nói về tính cấp bách của vấn đề.

Nghị quyết 19 của Chính phủ cũng đã đề cập mạnh mẽ đến vấn đề này, yêu cầu rút ngắn thời gian xử lý tranh chấp tại tòa từ 400 ngày xuống còn 300 ngày. Nhưng, “400 ngày là theo Bộ luật Tố tụng dân sự, còn thực tế phần lớn các vụ án kinh tế giải quyết ở Việt Nam không bao giờ dưới 400 ngày. Giới ngân hàng càng thấm thía hơn điều này”, ông Huỳnh cho biết thêm.

Hòa giải và trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp với nhiều ưu thế nổi trội

LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cũng đồng tình rằng việc xử lý tranh chấp tại tòa rất mất thời gian. Ông cho biết, bình quân thời gian giải quyết tại tòa nhanh nhất là 1-2 năm, trung bình là 3-4 năm, không ít vụ kéo dài đến 5-6 năm. Có những vụ có yếu tố nước ngoài được đưa đến tòa, tòa lật đi lật lại mà không giải quyết được vì vướng rất nhiều…

“Vậy có con đường nào khác không khi tòa án quá tải, các thẩm phán thì bận trăm công nghìn việc?”, ông Huỳnh nêu vấn đề, đồng thời nhắc lại theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 vừa ban hành về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đã nhấn mạnh yếu tố hoàn thiện chế định về hợp đồng, hoàn cơ chế tài xử lý tranh chấp thương mại một cách minh bạch, công bằng, công khai, đặc biệt cơ chế giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại và trọng tài thương mại.

Hòa giải và trọng tài không phải là một phương thức giải quyết tranh chấp mới trên thế giới, nhưng đi kèm với nhiều ưu thế nổi trội mà DN, các ngân hàng, TCTD trên thế giới đã và đang hướng đến. Theo chuyên gia tài chính cao cấp của Ngân hàng Thế giới, bà Nina Mocheva, với phương thức trọng tài ở Việt Nam, hiện nay chúng ta đã có thể giải quyết nhiều hơn nữa những tranh chấp liên quan đến tín dụng, ngân hàng, thu nợ, xử lý nợ xấu…

Chỉ ra những ưu thế của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, theo LS. Đức, phí trọng tài nhìn chung cao hơn tòa án nhưng không có một xu “phụ phí”. Còn giải quyết tại tòa, thì “một tiền gà, ba tiền thóc”, vì ngoài phí tòa án được quy định, còn phải có những chi phí bên ngoài khác. Trong khi đó, nếu giải quyết bằng trọng tài thương mại thì chỉ hơn 100 ngày, nhiều vụ với thiện chí từ cả hai bên thì chỉ mất 15 đến 30 ngày.

Bổ sung thêm, LS-TS. Michael Hwang (Singapore) chỉ rõ: đó còn là tính bảo mật cao; tiết kiệm chi phí; được chọn trọng tài viên, luật sư tư vấn; phán quyết trọng tài được thực thi xuyên biên giới; hội đồng trọng tài viên có những trọng tài chuyên môn sâu… Cụ thể như với VIAC, nguyên tắc là 3 không: không gây khó khăn; không tham nhũng; không làm phức tạp hóa vấn đề và mọi việc đều rõ ràng.

Cũng đánh giá cao cơ chế trọng tài, bà Nguyễn Thị Mai, Phó cục trưởng, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) khuyến nghị nên chọn cơ chế này vì xử lý tranh chấp nhanh, hiệu quả, có tính bảo mật để không ảnh hưởng đến hình ảnh DN. Bởi một khi đã ra tòa, cho dù là người thắng thì hình ảnh của DN bị ảnh hưởng không nhỏ và nó sẽ tác động không tốt đến việc IPO, M&A…

Trên thực tế, với rất nhiều lợi ích đem lại cho các bên liên quan như trên, DN, thương nhân và ngân hàng đã đến với VIAC nhiều hơn trong những năm gần đây. “Tôi đã có một thời gian dài làm trong hệ thống ngân hàng, tôi đã nhiều năm cố gắng đưa điều khoản trọng tài vào hợp đồng tín dụng nhưng khó khăn lắm. Bây giờ thì khác rồi, số vụ việc đưa đến VIAC đã tăng lên rất nhiều kể từ năm 2010, nhưng phần lớn vẫn chưa hiểu rõ ưu thế khi chọn VIAC nếu có tranh chấp”, LS. Đức kể.

Tuy nhiên, số vụ việc giải quyết qua cơ quan này vẫn còn là rất ít. Chỉ có 1% số vụ tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài và những trọng tài viên có uy tín của VIAC. Như ông Trần Văn Nam, Chủ nhiệm Khoa Luật (Đại học Kinh tế quốc dân) thì “cả năm tôi chỉ phải giải quyết có một vụ”. Sự nhàn rảnh của trọng tài viên và áp lực quá tải của thẩm phán là do tâm thức của phần lớn người dân và DN Việt. Cứ có tranh chấp thì phản xạ đầu tiên là đến công an, đến tòa án. Trong khi trên thế giới, thì hòa giải và trọng tài là lựa chọn đầu tiên.

Thế cho nên, trong nhiều năm nay VIAC vẫn miệt mài tổ chức các hội thảo về phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, đã in ra hàng ngàn cuốn sách, đã phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng tổ chức nhiều hội thảo… nhưng “hình bóng của điều khoản về trọng tài vẫn hầu như không có trong hợp đồng tín dụng”, theo LS. Trần Hữu Huỳnh. Việc giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, giải quyết nợ xấu cần nhanh, gọn và hiệu quả với cơ chế đặc thù riêng. Chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác ngoài tòa án lúc này phải chăng cũng gắn với lợi ích của DN, TCTD, của quốc gia?

Linh Ly

————

Thời báo Ngân hàng (Tài chính – Tiền tệ) 09-6-2017:

http://thoibaonganhang.vn/toa-an-qua-tai-trong-tai-vang-ve-63892.html

(385/1.168)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,918