1.363. Tranh cãi quanh quy định của Thông tư 32

(TBKD) – Đang tiếp tục có những tranh cãi về tính pháp lý và các “đụng chạm” xung quanh quy định tại Thông tư số 32/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đối với việc buộc các hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư… phải chuyển tài khoản sang tài khoản cá nhân. Dù đúng hay sai, thông tư này vẫn đang gây xáo trộn cho việc kinh doanh.

Điểm đáng chú ý từ quy định của Thông tư số 32/2016/TT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 1/3/2017) là việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán của các tổ chức không có tư cách pháp nhân như: hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư…

Theo đó, các hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân (DNTN), văn phòng luật sư (VPLS) phải chuyển tài khoản sang tài khoản cá nhân, nếu không sẽ bị đóng tài khoản tại ngân hàng.

Ngân hàng nói đúng

Bà Hoàng Tuyết Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước – NHNN), cho rằng việc hạn chế chủ thể tham gia giao dịch mở, sử dụng tài khoản thanh toán chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân đã được quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015 và quy định về đối tượng mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại Thông tư 32 là hoàn toàn phù hợp với quy định về chủ thể của quan hệ dân sự trong Bộ Luật Dân sự 2015.

Theo lời bà Minh, Thông tư 32 được xây dựng trên cơ sở đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 về chủ thể trong quan hệ dân sự. Đối với các tổ chức không có tư cách pháp nhân, theo quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015, không phải là chủ thể của quan hệ dân sự, do đó, không đủ điều kiện là chủ thể độc lập tham gia quan hệ mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán mà bản chất là quan hệ hợp đồng mở và sử dụng tài khoản thanh toán.

Có thể nói, việc hạn chế chủ thể tham gia giao dịch mở, sử dụng tài khoản thanh toán chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân đã được quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015 và quy định về đối tượng mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại Thông tư 32 là hoàn toàn phù hợp với quy định về chủ thể của quan hệ dân sự trong Bộ Luật Dân sự 2015.

Vì vậy, như lời của vị cán bộ NHNN này, quy định của Thông tư 32 là cần thiết, hạn chế rủi ro cho các bên, bảo đảm các giao dịch mở, sử dụng tài khoản không bị vô hiệu do vi phạm quy định về chủ thể theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng việc bắt buộc phải chuyển đổi tài khoản gây ra sự lo ngại và xáo trộn không cần thiết, gây khó cho hộ gia đình, tổ hợp tác. Nhiều VPLS, DNTN… đã bày tỏ sự lo lắng khi phải xác định tư cách cá nhân hoặc pháp nhân mới được giao dịch ngân hàng, mở tài khoản.

Theo nhận định của luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Thông tư 32 của NHNN tuy không sai nhưng lại trái ngược, vô hiệu hóa nhiều luật khác.

Thông tư số 32 của Ngân hàng Nhà nước được cho là làm khó hộ kinh doanh

Người kinh doanh sợ phiền

Trên thực tế, có nhiều chủ thể (thực thể pháp lý) không phải là pháp nhân nhưng cũng không đơn thuần là một cá nhân mà là một tổ chức, gồm tập hợp một hoặc một số cá nhân. Chẳng hạn: VPLS, theo Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012); hộ gia đình theo Luật Đất đai năm 2013; DNTN theo Luật Doanh nghiệp năm 2014; hộ kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp năm 2014…

Như vậy, tính sơ sơ đã có tới 12 chủ thể nằm rải rác ở 12 Luật và Nghị quyết bị Thông tư 32 “đụng chạm”. Thậm chí, nếu ngân hàng không cho DNTN giao dịch tài khoản, gần như đồng nghĩa với việc phải xóa bỏ các DNTN và nhiều thực thể pháp lý khác.

Cũng theo luật sư Đức, khi giao dịch với cá nhân, không nên hiểu một cách đơn giản, cứng nhắc, máy móc là chỉ có một cá nhân là thể nhân hay cá thể. Cá nhân, ngoài là một cá nhân (thể nhân), còn có thể là một thực thể pháp lý mà thành viên bao gồm một hoặc một số cá nhân, nhóm cá nhân.

Và hệ quả rút ra là: Khi giao dịch với pháp nhân đã chấp nhận nhiều tên gọi rất khác nhau, cho nên khi giao dịch với cá nhân cũng cần chấp nhận tương tự. Nếu cứ bắt phải giao dịch duy nhất với cá nhân là không đúng với các quy định của pháp luật khi có nhiều thực thể pháp lý khác nhau đã được luật hóa.

Tuy nhiên, trước những phản ánh của dư luận, theo bà Hoàng Tuyết Minh, NHNN tiếp tục theo dõi, ghi nhận và xử lý kịp thời theo thẩm quyền các vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện những văn bản quy phạm pháp luật về ngân hàng nói chung và Thông tư 32 nói riêng.

Cần thấy rằng nếu chỉ nhìn vào Thông tư 32, ngẫm lại nhận định cách đây hai năm của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, đến giờ vẫn còn giá trị thời sự. Đó là luật ở Việt Nam không nhiều nhưng Thông tư, Nghị định lại vô số.

Vì được xây dựng dựa trên ý chí của một bộ hoặc một nhóm người nên các văn bản dưới luật có thể “sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng”! Giữa một rừng văn bản liên tục được ban hành, sửa đổi, chồng chéo hoặc “chọi” nhau như vậy, doanh nghiệp tuân thủ chỗ này sẽ vi phạm chỗ khác.

Mới đây, khi người đứng đầu Chính phủ ra Chỉ thị 26/CT-TTg về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, thiết nghĩ sẽ không có lý do gì để còn tồn tại những loại văn bản đang gây phiền nhiễu, xáo trộn đến người kinh doanh.

Thanh Loan

———–

Thời báo Kinh doanh (Thị trường) 12-6-2017:

http://thoibaokinhdoanh.vn/Thi-truong-17/Tranh-cai-quanh-quy-dinh-cua-Thong-tu-32-35614.html

(324/1.139)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,917