(ĐTTC) – Nghị quyết Chính phủ tại kỳ họp tháng 5 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét, đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ tiêu dùng, nhà ở.
Hiện tỷ lệ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước và tiềm năng còn lớn, do đó nếu bơm vốn vào lĩnh vực tiêu dùng sẽ hỗ trợ kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp phù hợp để ứng phó rủi ro nợ xấu.
Sức hút tín dụng tiêu dùng rất lớn
Đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, nên khuyến khích để đáp ứng nhu cầu như vay để học, vay sửa nhà, thậm chí vay mua sắm. Chính những lĩnh vực này sẽ tạo ra cầu cho sản xuất, tạo ra việc làm; còn cho vay mua nhà lại nằm trong đầu tư, dễ dẫn đến nợ xấu nên phải ứng phó phòng ngừa rủi ro. TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế |
5 tháng đầu năm, tổng cầu phục hồi chậm vẫn là trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Do đó, bơm vốn vào tiêu dùng được xem là động thái kích cầu tín dụng, thúc đẩy tổng cầu tăng, kích đầu ra bất động sản (BĐS) để đạt mục tiêu tăng GDP cả năm 6,7%.
Báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận định, tổng cầu sẽ cải thiện trong những tháng cuối năm, nhất là tiêu dùng và đầu tư. Bởi lẽ tiêu dùng vẫn còn tiềm năng tăng khi tỷ lệ tiêu dùng cá nhân thấp hơn đáng kể so với mức thu nhập bình quân đầu người.
Lấy đơn cử để so sánh, tỷ lệ tiêu dùng cá nhân so với GDP bình quân giai đoạn 2011-2015 của Philippines là 73,7%, của Ai Cập 80,3%, trong khi của Việt Nam chỉ 65,1%. Từ nay đến cuối năm, tiêu dùng có thể được đẩy mạnh nhờ tốc độ lạm phát giảm, qua đó cải thiện sức mua của người dân và tín dụng tiêu dùng tăng trưởng tốt. Nếu đóng góp của tổng cầu từ tiêu dùng, tăng trưởng năm 2017 có thể lên đến 6,3%. Chính vì vậy Chính phủ yêu cầu NHNN xem xét, đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ tiêu dùng, nhà ở nhằm kích cầu tín dụng, thúc đẩy tăng tổng cầu, kích thị trường BĐS phát triển, qua đó đạt mục tiêu tăng GDP cả năm 6,7%.
Đối với thị trường cho vay tiêu dùng hiện đã có đông đủ NHTM, công ty tài chính (CTTC) tham gia. Song song đó, làn sóng các NH mua lại CTTC để thành lập CTTC trực thuộc NH sau khi NHNN công bố dự thảo Thông tư về việc NH muốn cho vay tiêu dùng phải có CTTC, cũng góp phần gia tăng số lượng CTTC trên thị trường. Mặc dù đến nay NHNN vẫn chưa ban hành quy định chính thức nhưng làn sóng này vẫn tiếp diễn, cho thấy sức hút từ cho vay tiêu dùng rất lớn.
Bên cạnh đó, một số NH đã bán đến 49% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài (chủ yếu đến từ Nhật Bản), nhằm tận dụng nền tảng công nghệ hiện đại và kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng của các đối tác chiến lược nước ngoài.
Ngoài ra, nhiều NHTM đang cho vay tiêu dùng thông qua mạng lưới và nhân sự sẵn có, trong khi các CTTC thâm nhập hệ thống bán lẻ trên cả nước cùng với số lượng nhân sự khổng lồ để tiếp cận người tiêu dùng. Ước tính nhóm 4 CTTC đang dẫn đầu thị trường gồm FE Credit, Home Credit, HDSaison và Prudential đã có số nhân sự lên đến gần 40.000 người, còn số lượng nhân sự ở các CTTC có thị phần nhỏ và mới thành lập cũng khoảng vài ngàn người.
Hiện nay, các NHTM và CTTC cạnh tranh tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng, gồm cho vay mua sắm hàng điện máy, điện tử, nội thất, vay tiền mặt, vay du học, vay mua nhà, vay mua ô tô… với thủ tục nhanh gọn, đơn giản, thuận tiện. Về pháp lý, NHNN đã ban hành Thông tư 39/2016 và Thông tư 43/2016 tạo lập khuôn khổ pháp lý mới về cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) chi nhánh NH nước ngoài, CTTC đối với khách hàng.
Như vậy, có thể kết luận hạ tầng phục vụ cho vay tiêu dùng đã khá hoàn thiện. Trong điều kiện đó, nếu có thêm chính sách tín dụng hỗ trợ tiêu dùng, nhà ở, dự báo nguồn vốn đổ vào lĩnh vực này sẽ có sự bứt phá trong thời gian tới.
Cần chính sách phù hợp cho tín dụng BĐS
Chính sách tín dụng hỗ trợ tiêu dùng, nhà ở vừa tốt cho thị trường BĐS, giúp các NH tăng nguồn thu do lãi suất cao hơn cho vay sản xuất kinh doanh, vừa kích thích tăng trưởng GDP và hỗ trợ thị trường BĐS để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, tín dụng luôn đi liền với nợ xấu, do đó điều quan trọng là NH phải có giải pháp để quản lý rủi ro cho vay tiêu dùng, nhà ở và không thể cho vay mạnh được. TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM |
Năm 2016, tín dụng đầu tư và kinh doanh BĐS tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2015 nhưng chỉ chiếm 8,4% tổng tín dụng. Song hình thái tín dụng BĐS đang có sự dịch chuyển sang tín dụng tiêu dùng. Cụ thể, tín dụng tiêu dùng tăng 39%, trong đó gần 50% tập trung vào lĩnh vực BĐS. NHNN cũng cho biết năm nay tín dụng BĐS tiếp tục có xu hướng tăng chậm như thể hiện trong năm 2016.
Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lại cho biết cho vay tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh trong quý I-2017, ước tăng khoảng 29,7% so với cuối năm 2016. Trong đó cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà để ở tăng 38,4% so với cuối năm 2016, chiếm 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng (cuối năm 2016 chiếm 49,5%). Như vậy, tín dụng tiêu dùng hiện đang có xu hướng tập trung cho vay trung và dài hạn.
Theo nhiều chuyên gia, đặt trong bối cảnh hiện tại có 3 lý do Chính phủ yêu cầu NHNN xem xét, đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ tín dụng tiêu dùng, nhà ở. Thứ nhất, xuất phát từ mối quan hệ chặt chẽ giữa tăng trưởng GDP với tăng trưởng tín dụng. Nhưng nếu tính chỉ số an toàn vốn (CAR), hiện nay các NH vẫn rót vốn vào thị trường BĐS sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ số CAR. Theo đó, hệ số rủi ro kinh doanh BĐS đã tăng từ 150% lên 200% làm cho CAR giảm xuống. Vì vậy, nhiều NH cũng khá dè dặt trong vấn đề này nên cần phải có chính sách rõ ràng.
Thứ hai, hiện tại là thời điểm phải tiếp tục giữ tăng trưởng tín dụng BĐS ở mức hợp lý để giải quyết các vấn đề tài sản thế chấp. Trên 80% tài sản thế chấp của các khoản nợ xấu hiện nay là BĐS, nếu mở cánh cửa để tín dụng tiêu dùng nhà ở cho người dân cũng giải quyết một phần đầu ra BĐS.
Thứ ba, liên quan đến vấn đề rủi ro cũng như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo Thông tư 06. Hiện nhiều NH đã ngấp nghé tỷ lệ này, thậm chí nhiều NH ở trên mức 50%, nếu tiếp tục đẩy mạnh cho người dân vay mua nhà cũng chính là tăng tín dụng trung và dài hạn. Điều này sẽ tác động đến tỷ lệ này trong thời gian tới, trong khi NH đang rất khó khăn huy động vốn trung và dài hạn.
Thực ra nếu tín dụng tiêu dùng tập trung vào các khoản vay tiêu dùng ngắn hạn, không cần kích thích vẫn sẽ tăng trưởng mạnh. Nhưng tín dụng tiêu dùng trong lĩnh vực nhà ở là những khoản vay trung và dài hạn và liên quan đến vấn đề an toàn của hệ thống NH, nên muốn phát triển phải có chính sách phù hợp.
Bơm vốn tín dụng tiêu dùng phải kiểm soát được rủi ro nguồn vốn vào BĐS nhà ở. Ảnh: LONG THANH
Kiểm soát rủi ro
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, Thông tư 43 của NHNN vừa bảo vệ quyền lợi của người đi vay, vừa tạo điều kiện thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, cho vay mua, xây dựng nhà ở không thuộc nhu cầu tiêu dùng theo thông tư này.
Như vậy, chỉ có các NHTM mới được cho vay xây dựng và mua nhà để ở, còn CTTC không được tham gia. Điều này cũng phù hợp với thực tế vì huy động vốn của các CTTC khá khiêm tốn. Nhưng bản thân các NHTM cũng đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn trung và dài hạn. Hơn nữa Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã cảnh báo hình thái tín dụng BĐS có sự chuyển dịch vào tín dụng tiêu dùng và cần được theo dõi, đánh giá.
Tuy nhiên, hiện đang có nhiều ý kiến lo ngại nếu ồ ạt rót vốn thiếu kiểm soát vào hoạt động sửa chữa, xây dựng, mua nhà có thể dẫn đến xảy ra bong bóng tín dụng ở phân khúc này. Bởi thực tế ở nhiều nước, cho vay tiêu dùng, cho vay mua nhà phát triển rất mạnh vì họ có nhiều cơ sở để thẩm định khách hàng đó.
Chẳng hạn tại Hoa Kỳ, các nhà băng dựa trên điểm tín dụng cá nhân để thẩm định khách hàng, đồng thời người dân thu chi đều qua hệ thống NH nên thông tin minh bạch. Trên cơ sở đó, các nhà băng đánh giá tiêu chuẩn của một khách hàng không quá khó khăn. Đó là lý do tăng trưởng tín dụng tiêu dùng của họ rất cao nhưng vẫn kiểm soát được rủi ro. Còn ở Việt Nam vẫn thiếu thông tin thẩm định khách hàng nên rủi ro cho vay rất cao.
Đứng ở góc độ khác, một số chuyên gia đề xuất muốn phát triển kinh tế phải thúc đẩy việc làm. Ngành NH trước tiên phải tập trung phát triển cho vay sản xuất kinh doanh, vì kênh cho vay đối với mảng này vẫn chưa đủ hiệu quả, cần hỗ trợ thêm.
Đồng thời cơ cấu bộ phận tín dụng doanh nghiệp của các NH cũng cần phải thay đổi và năng động hơn. Sản xuất phát triển sẽ tạo ra việc làm, tạo tiêu thụ. Việc làm tạo thu nhập, vừa thúc đẩy tiêu thụ sinh giá trị gia tăng, vừa có điều kiện tích lũy để mua nhà ở. Còn nếu kích thích tín dụng nhà ở trong khi chưa tạo ra việc làm, thu nhập, hiệu quả không cao và nhiều rủi ro.
Yên Lam
———–
Đầu tư Tài chính (Chủ điểm sự kiện) 15-6-2017:
(74/1.975)