1.375. Quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện còn mơ hồ, không phù hợp

(HQ) – Mặc dù các luật pháp, chính sách của Chính phủ đã có nhiều đổi mới, trên tinh thần “chọn bỏ” thay vì “chọn cho”; tuy nhiên, điều kiện kinh doanh vẫn còn gây không ít khó khăn cho DN, nên cần phải có giải pháp rà soát và rút gọn tạo thuận lợi cho DN.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: H.Dịu

Đây là ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo Điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào ngày 30/6 tại Hà Nội.
Theo kết quả nghiên cứu, Luật Đầu tư 2014, sửa đổi năm 2016 điều chỉnh từ 267 xuống còn 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Trong đó, Bộ Công Thương có 28 ngành, Bộ Giao thông vận tải có 29 ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 33 ngành, Bộ Tài chính có 22 ngành… Tổng cộng có 5.719 điều kiện kinh doanh cụ thể. Điều này cho thấy số lượng điều kiện kinh doanh vẫn tương đối lớn.

Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho rằng trong danh mục này vẫn còn nhiều ngành, nghề không phù hợp.

Trong đó, một số ngành, nghề không có tác động đáng kể tới lợi ích công cộng. Đây là những ngành, nghề kinh doanh thông thường; các rủi ro được giải quyết bằng pháp luật dân sự hoặc không có nguy cơ ảnh hưởng đến: Quốc phòng an ninh, trật tự, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng (như kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển…).

Một số ngành, nghề khác có thể thay bằng biện pháp quản lý khác thay vì điều kiện đầu tư kinh doanh. Những ngành này cần sự quản lý của Nhà nước bởi điều kiện kinh doanh không phải là công cụ quản lý tốt nhất. Tiêu biểu như quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định quản lý quá trình kinh doanh hay quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra…

Có thể kể đến việc quản lý ngành XK gạo. Bởi vì gạo liên quan đến an ninh lương thực, Nhà nước quản lý gạo là cần thiết nên chỉ cần quản lý bằng các quy định về cân đối nguồn thóc, gạo hàng hóa XK, yêu cầu dự trữ lưu thông… nên không nhất thiết phải quản lý bằng điều kiện kinh doanh…

Ngoài ra, nhiều ngành, nghề khác trong danh mục không rõ tính đặc thù so với các ngành nghề kinh doanh thông thường cùng loại; có phạm vi kiểm soát quá mức cần thiết.

Đặc biệt, có ngành, nghề thuộc danh mục nhưng lại không phải là ngành, nghề kinh doanh. Ví dụ như “kinh doanh dịch vụ logistics” thuộc danh mục không phải ngành nghề riêng mà bao gồm nhiều hoạt động như vận tải, đóng gói, làm thủ tục thuế, hải quan…; hoặc “hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại” không có mục đích lợi nhuận; “hoạt động nhượng quyền thương mại” là phương thức kinh doanh chứ không phải là ngành, nghề…

Vì thế, báo cáo rà soát của VCCI đã rút ra là có 16 ngành, nghề chưa phù hợp đưa vào danh mục trong đó gồm: Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; xuất khẩu gạo; logistics; bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô; kinh doanh dịch vụ lữ hành…. Đồng thời, 10 ngành nghề kinh doanh có phạm vi kiểm soát chưa phù hợp như: Nhượng quyền thương mại; kinh doanh thuỷ sản; kinh doanh phân bón; kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật…

Nhận xét về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho hay, có thể thấy với 10 điều kiện kinh doanh được giảm thì lại có 7 điều kiện kinh doanh khác tăng thêm.

Ông Đức dẫn chứng, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được ban hành kèm theo Luật Đầu tư, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016 vẫn còn nhiều bất cập. Việc giảm 267 xuống 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện không có nghĩa là sau 2 năm đã giảm được 24 ngành, nghề, mà phần lớn là giảm do sắp xếp lại, thay đổi từ ngữ và sáp nhập một số ngành, nghề vào nhau. 

Ví dụ trong danh mục 267 ngành, có 4 ngành, nghề liên quan đến vàng là “kinh doanh mua, bán vàng miếng”, “sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng” và “sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ”. Trong danh mục 243 ngành, nghề thì dồn lại thành 1 ngành nghề kinh doanh có điều kiện duy nhất là “kinh doanh vàng”

Hơn nữa, cũng theo ông Đức, nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vẫn rất mơ hồ. Hiện không thể phân biệt nổi ngành, nghề kinh doanh nào thuộc một trong 3 nhóm “kinh doanh thực phẩm” thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương (Mục 52), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Mục 172) hay của Bộ Y tế (Mục 194).

Chính vì thế, các DN và các chuyên gia tại hội thảo đều mong muốn bản báo cáo rà soát của VCCI và những kiến nghị của DN sẽ được các cơ quan Nhà nước lắng nghe, để có những sửa đổi tạo thuận lợi cho DN hoạt động.

Hương Dịu

———-

Hải quan (Doanh nghiệp) 30-6-2017:

http://www.baohaiquan.vn/Pages/Quy-dinh-ve-nganh-nghe-kinh-doanh-co-dieu-kien-con-mo-ho-khong-phu-hop.aspx

(274/993)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,902