Chặn rủi ro nợ xấu
Theo công văn số 6960/NHNN – TTGSNH của NHNN yêu cầu về việc dừng cho vay tuần hoàn (rollover loan) đối với các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài. Đây không phải lần đầu tiên hoạt động này được nhắc nhở.
Cách đây 2 năm, NHNN cũng đã có Công văn 7059/NHNN – TTGSNH yêu cầu các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài phải thực hiện toàn bộ nợ gốc và lãi khi hết thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng giữa các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài với khách hàng, không được tái tục (rollover) toàn bộ hoặc một phần khoản nợ gốc đã cho vay.
Khi chưa xây dựng được hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng đối với hình thức cho vay tuần hoàn, thì việc NHNN yêu cầu dừng lại là phù hợp |
Qua trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một số NHTM cho biết, việc dừng hình thức cho vay này không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động NH của họ bởi rất ít NH Việt Nam thực hiện cho vay tuần hoàn. Theo lý giải của Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng là do khoảng cách pháp lý mờ nhạt, chưa rõ ràng nên phần lớn NH cho vay theo hạn mức. Mỗi một hạn mức, NH quy định thời hạn cụ thể. Khách hàng trả nợ theo đúng thời hạn đó, nếu có nhu cầu thì NH mới cho vay tiếp.
Còn Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải thì cho hay, nghiệp vụ cho vay tuần hoàn được sử dụng rất rộng rãi trên thế giới nhằm cung cấp vốn lưu động cho các DN có chất lượng tín dụng tốt. Tuy nhiên, một số NH tại Việt Nam lại sử dụng công cụ cho vay tuần hoàn để che giấu nợ xấu. Do đó, NHNN đã yêu cầu các NH không cung cấp cho vay tuần hoàn. Và HSBC đã không cung cấp nghiệp vụ này ngay sau khi có các văn bản chỉ đạo của NHNN.
Theo phân tích của một chuyên gia NH: Do quy định pháp luật Việt Nam về hoạt động cho vay này chưa rõ ràng nên có thể đã có NH tranh thủ “tranh tối, tranh sáng” làm liều cho vay đảo nợ cố tình che giấu nợ xấu. Vì hình thức cho vay tuần hoàn cho phép khách hàng kinh doanh có thể vay tới một mức tối đa xác định trước ít nhất là 3 năm. Trong quá trình đó khách hàng có thể hoàn trả toàn bộ hoặc một phần, tùy nhu cầu, rồi lại vay tiếp theo phương án mới. Hoạt động vay, trả này chấm dứt khi hợp đồng tín dụng kết thúc.
Dù đây là một trong những hình thức kinh doanh linh hoạt, tăng hiệu quả kinh doanh cho cả NH lẫn DN. DN có vốn quay vòng nhanh, còn NH có thể cho các khách hàng vay nhiều khoản vay với lợi nhuận kỳ vọng cao hơn chứ không phải “chốt cứng” một khách hàng.
Nhưng TS. Trương Thanh Đức thừa nhận, trong cho vay tuần hoàn, nếu NH không làm nghiêm chỉnh sẽ khó có thể phân biệt khoản nào là hợp lý, đúng mục đích, có khả năng trả nợ… còn khoản nào chỉ là đi vay mới trả nợ khoản cũ hay nói mạnh hơn là đảo nợ, che giấu nợ xấu. Đây là lý do NHNN tiếp tục chấn chỉnh về hoạt động cho vay tuần hoàn.
Nghiên cứu xem xét thời điểm cho “mở cửa” lại
Tuy nhiên TS Đức cho rằng, mặt trái đảo nợ, che giấu nợ xấu chỉ là phần nhỏ trong cho vay tuần hoàn chứ không thể đánh giá tất cả các khoản nợ vay theo hình thức này đều như vậy. Ông Phạm Hồng Hải cũng bày tỏ, việc dừng cho vay tuần hoàn gây khá nhiều khó khăn cho NH nào muốn cung ứng vốn lưu động cho DN có chất lượng tín dụng tốt. DN phải tính toán rất chính xác kỳ hạn rút vốn để tránh trường hợp dòng tiền về không kịp để trả khoản vay.
Nếu DN có dòng tiền về sớm và trả sớm có thể dẫn đến phải trả phí khi trả nợ sớm. Ngoài ra, nếu không được vay tuần hoàn thì khối lượng chứng từ khách hàng phải nộp cho NH và NH phải kiểm tra rất lớn, đặc biệt đối với DN trong ngành bán lẻ, may mặc.
DN phải tính toán rất chính xác kỳ hạn rút vốn để tránh trường hợp dòng tiền về không kịp để trả khoản vay |
Từng là người kiến tạo nhiều chính sách của NHNN, TS. Lê Xuân Nghĩa rất hiểu khó khăn của NHTM khi phải dừng cho vay tuần hoàn, nhưng ông cho rằng NHNN cũng có lý của mình khi đưa ra quyết định trên. Theo ông Nghĩa, một dịch vụ tài chính mới được áp dụng tại Việt Nam, NHNN bao giờ cũng phải có quy định rõ ràng để kiểm soát chặt chẽ nhằm tránh xảy ra những bất cập. Vì vậy, khi chưa xây dựng được hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng đối với hình thức cho vay tuần hoàn, nhất là trước những nguy cơ bất cập đã hiện hữu thì việc NHNN yêu cầu dừng lại là phù hợp.
Mặc dù HSBC chấp hành nghiêm chỉnh quy định của NHNN, nhưng ông Hải vẫn mong muốn NHNN xem xét cho phép những NH có tỷ lệ nợ xấu thấp, quản trị chặt chẽ được triển khai lại nghiệp vụ cho vay tuần hoàn đối với những DN có uy tín, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. TS. Đức cũng cho rằng, NHNN chỉ nên quy định tạm dừng nghiệp vụ cho vay tuần hoàn của NHTM để rà soát lại, thanh tra kiểm tra hoạt động này. Trên cơ sở đó ban hành chính sách sao cho phù hợp, đặc biệt tăng cường công tác kiểm tra thanh tra giám sát và xử lý nghiêm khắc đối với các TCTD từng “làm ẩu”.
Về phía quan điểm của NHNN, Công văn 6960 cũng không khẳng định yêu cầu dừng hoạt động cho vay mới để trả nợ trước hạn hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn mà yêu cầu các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài thực hiện nghiêm túc theo Công văn số 7059.
Trước đó, cơ quan quản lý cũng đã có văn bản nêu rõ lý do tạm dừng hình thức trên là theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN và các căn bản sửa đổi, bổ sung Quy chế cho vay sau này chưa quy định cụ thể về việc TCTD, chi nhánh NH nước ngoài cho vay mới để trả nợ cũ… NHNN đang nghiên cứu xây dựng Thông tư thay thế quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng. Dự kiến Thông tư mới sửa đổi sẽ ban hành trong thời gian tới.
Nguyễn Vũ
——————
Thời báo Ngân hàng (Tài chính – Tiền tệ) 10-10-2016:
http://thoibaonganhang.vn/cho-vay-tuan-hoan-tam-dung-de-chan-rui-ro-54537.html
(243/1.239)