1.387. “Nhìn thấy rõ cái chết mà vẫn rước vào nhà là tội ác”

(TQ) – “Với bối cảnh tình hình thép và thực trạng kinh khủng về môi trường như hiện nay thì chắc chắn không có dự án nào, kể cả những nước tiên tiến cũng không chắc đáp ứng được tiêu chuẩn về môi trường. Nhìn thấy rõ cái chết mà vẫn rước vào nhà là tội ác”, Luật sư Trương Thanh Đức nhận định.

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn gửi 7 Bộ về dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép của Tập đoàn Hòa Phát tại Khu kinh tế Dung Quất. Theo đó, lãnh đạo địa phương thống nhất cho Tập đoàn Hòa Phát tiếp quản, mua tài sản thanh lý của dự án Guang Lian (Quảng Liên) để tiếp tục đầu tư. Đây là cơ sở để tỉnh Quảng Ngãi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định.

Luật sư Trương Thanh Đức: “Nhìn thấy rõ cái chết mà vẫn rước vào nhà là tội ác”  (Ảnh: Hà Giang)

Theo báo cáo, dự án có tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD), công suất 4 triệu tấn một năm với các sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn. Doanh thu dự kiến của dự án sau khi hoàn thành là khoảng 2 tỷ USD và tạo công ăn việc làm cho 8.000 lao động. Dự án được chia làm 2 giai đoạn và hoàn thành trong 4 năm.

Trao đổi với VnExpress, đại diên Tập đoàn Hòa Phát cho biết việc đơn vị này có được thực hiện dự án trên hay không vẫn đang chờ ý kiến của cơ quan quản lý. Doanh nghiệp cũng chưa thực hiện bất kỳ thủ tục pháp lý nào cho dự án.

Liên quan đến các dự án đầu tư thép, GS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) từng cho rằng, những hệ lụy của Formosa đối với môi trường miền Trung Việt Nam đã được cảnh báo trước bởi công nghệ thép lò cao lạc hậu, trong khi đó, việc dừng dự án “bánh vẽ” lọc dầu Nhơn Hội hơn 20 tỷ USD là bài học lớn về việc quy hoạch dự án, chiến lược phát triển của Việt Nam.

Hệ quả của hai dự án trên là lời cảnh báo cho Việt Nam cần ngừng ngay gọi vốn vào các dự án xi măng, thép và lọc hóa dầu.

Ông Mại dẫn chứng, với các dự án sản xuất phôi thép, cán thép, một thời ồ ạt các nhà máy mọc lên, tư nhân có, liên doanh và cả 100% vốn nước ngoài cũng có. Tuy nhiên, sự ồ ạt cấp phép dự án do tỉnh phê duyệt, sử dụng công nghệ lò cao – công nghệ cũ rất ô nhiễm môi trường… đã khiến nhiều doanh nghiệp thép ngừng hoạt động, phá sản do chi phí sản xuất quá cao, không cạnh tranh được với phôi và sắt thép của Trung Quốc.

Theo ông Mại, không chỉ một mình dự án sắt thép của Formosa đang gây ô nhiễm mà các dự án sắt thép hiện nay cũng cần được đưa vào tầm ngắm vì đa số sử dụng công nghệ lò cao, một công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, là nỗi sợ của nhiều nước sản xuất thép trên thế giới.

“Các cường quốc sản xuất sắt thép như Trung Quốc, Mỹ đang rất khổ sở vì sự phá hủy môi trường nghiêm trọng của các nhà máy sắt thép. Nhất là Trung Quốc, với năng lực sản xuất toàn ngành đạt hơn 800 triệu tấn/năm, công nghệ lò cao đã và đang tàn phá hết sức nghiêm trọng môi trường của nước này. Trong khi đó, các nhà máy sắt thép trong nước đã phần nào đáp ứng đủ nhu cầu, thậm chí khi mua sắt thép nước ngoài còn rẻ hơn mặt hàng trong nước sản xuất. Do đó, không cần thiết có những dự án sắt thép mới quy mô lớn trong thời gian tới”, ông Mại khuyến cáo.

Trao đổi với Điện tử Tổ Quốc về việc tiếp nhận dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép của Tập đoàn Hòa Phát tại Khu kinh tế Dung Quất., Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, cần phải xem xét xem có hợp lý không? Có đảm bảo môi trường thực sự hay không? Trường hợp dự án không đáp ứng tuyệt đối tiêu chuẩn kỹ thuật, các tiêu chuẩn về môi trường thì bằng mọi giá, dù có thiệt hại bao nhiêu cũng không cho phép đầu tư nữa.

Trường hợp dự án này đáp ứng đúng tiêu chuẩn cũ rồi, nhưng bây giờ đặt ra là tiêu chuẩn cũ không ổn thì chỉ cần phần nước thải bình thường đã đủ chết Biển Đông rồi.

“Cần phải xem xử lý thế nào? Những gì cam kết về tiền bạc thì phải chịu. Thiệt hại bao nhiêu nhà nước cũng phải chấp nhận.Tiền bạc thì không thể bội ước, nhưng về môi trường, về an sinh xã hội, nguy cơ bệnh tật, hậu hoạ đất nước thì phải thay đổi, kể cả cam kết rồi thì cũng phải dừng lại. Gần như thế giới cũng phải chấp nhận nguyên tắc này. Điều kiện kinh doanh trong Hiến pháp cũng ghi rõ về các vấn đề an toàn sức khoẻ, an ninh quốc phòng… Bởi đây là những yếu tố quan trọng, vấp vào rồi thì không thể khắc phục được”, ông Trương Thanh Đức nói.

Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh rằng, các dự án đã và sắp triển khai, kể cả Tôn Hoa Sen đều không ổn về môi trường.

“Còn về việc họ cam kết này kia – Lấy bằng chứng gì để cam kết? Dự án như vậy phải đánh giá, phê duyệt và phải có cơ sở, căn cứ chứ không thể cam kết. Những việc khác có thể làm rồi sau này hoàn thiện, đảm bảo sau chứ những dự án “khủng” như thế này thì rất khó khắc phục. Nếu khắc phục thì không có dự án bởi chi phí rất cao. Vì thế, chúng ta phải phải đặt ra tất cả các tình huống.

Với bối cảnh tình hình thép và thực trạng kinh khủng về môi trường như hiện nay thì chắc chắn không có dự án nào, kể cả những nước tiên tiến cũng không chắc đáp ứng được tiêu chuẩn về môi trường. Nhìn thấy rõ cái chết mà vẫn rước vào nhà là tội ác”, Luật sư Trương Thanh Đức nhận định./.

Hà Giang

——————

Tổ quốc (Kinh tế) 17-10-2016:

http://toquoc.vn/kinh-te/nhin-thay-ro-cai-chet-ma-van-ruoc-vao-nha-la-toi-ac-215015.html

(511/1.155)

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.910. Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh"...

Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh" với vàng? (CAND) - Dù liên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,041