1.415. Cho vay nóng qua thẻ tín dụng: Nguy cơ méo mó hoạt động ngân hàng

(ND) – Sau vụ việc quẹt thẻ tại một nhà hàng mất 700 triệu đồng gây xôn xao dư luận, mới đây, lại xuất hiện hiện tượng chủ thẻ tín dụng cấu kết rút tiền ngay tại điểm chấp nhận thanh toán thẻ chứ không phải tại các máy ATM. Hành vi này của các chủ thẻ nhằm qua mặt ngân hàng (NH), trốn phí rút tiền mặt, còn các đơn vị chấp nhận thẻ đã lợi dụng máy quẹt thẻ để chiếm dụng vốn NH. Hành vi này một lần nữa cảnh báo rủi ro có thể phát sinh từ việc sử dụng thẻ của NH, có nguy cơ làm méo mó hoạt động ngân hàng.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Quốc tế VIB. Ảnh: KHÁNH AN

Vay “nóng” từ thẻ tín dụng

Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian qua xảy ra tình trạng khi cần tiền gấp, chủ thẻ có thể quẹt thẻ tín dụng tại các máy POS (điểm chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng) của các cửa hàng là có ngay tiền mặt với mức phí chỉ bằng một nửa hoặc nhỏ hơn so với phí rút tiền tại ATM. Cụ thể, sau khi quẹt thẻ qua POS, người quẹt thẻ (chủ cửa hàng hoặc nhân viên nơi lắp đặt máy POS) sẽ đưa ngay tiền mặt cho chủ thẻ và thu thêm phí dịch vụ từ 1,5% đến 2,5% tổng số tiền (trong khi phí rút tiền của thẻ tín dụng tại các máy ATM thông thường là 4% tổng số tiền rút). Điều đáng lo ngại là người rút tiền có thể rút toàn bộ hạn mức thẻ (có thẻ lên đến hơn 1 tỷ đồng), được miễn lãi suất trong 45 ngày,… Giản tiện hơn, dịch vụ “vay nóng” còn đến tận nơi khách hàng cần. Chỉ cần một ba-lô đựng tiền mặt và máy quẹt thẻ, tức khắc có một “ngân hàng di động” sẵn sàng cho khách hàng vay nóng.

Đánh giá về hành vi nêu trên, Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định: Cả chủ thẻ và người quẹt thẻ đã vi phạm pháp luật. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khi mua hàng hóa, chủ thẻ tín dụng chỉ được phép sử dụng thẻ để thanh toán mua hàng chứ không được rút tiền mặt. Về phía người quẹt thẻ, quy định của pháp luật cũng chỉ cho phép họ được chấp nhận quẹt thẻ của người mua hàng có nhu cầu thanh toán hàng hóa bằng thẻ. Tóm lại, cả chủ thẻ lẫn người quẹt thẻ đều không được phép rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng.

Theo các chuyên gia, vì tất cả các bên đều có lợi, cho nên dịch vụ “cho vay” từ thẻ tín dụng vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp đây là hành vi vi phạm pháp luật. Có thể thấy những lợi ích các bên được hưởng: đó là chi phí rút tiền qua người quẹt thẻ khá thấp (phí chỉ 1,5% đến 2,5% trong khi phí rút tiền mặt từ ATM rất cao, từ 4% đến 5% tổng giá trị giao dịch). Chưa kể, với số tiền rút được, chủ thẻ có thể sử dụng với nhiều mục đích mà không bị NH kiểm soát. Với số tiền được rút ra theo hình thức nêu trên, chủ thẻ có thể chậm thanh toán tiền từ 30 đến 45 ngày mà không phải trả lãi. Thậm chí có nơi, khách hàng dùng thẻ thanh toán còn được giảm phí. Còn về phía người bán hàng, khi quẹt thẻ cũng được hưởng lợi “kép”: ngay lập tức được hưởng phí chênh lệch 1,5% đến 2,5%/tổng số tiền vay. Ngoài ra, phía ngân hàng cũng thu được phí từ 0,8 đến 1,6% cho mỗi lần quẹt thẻ nên thường có cơ chế ưu đãi cho các điểm chấp nhận thẻ doanh thu lớn.

Nhìn nhận sự việc này, Luật sư Đức cũng cho rằng, có vấn đề gian lận thuế, hóa đơn chứng từ ở đây. Theo quy định của Nhà nước, khi hàng hóa có giá trị từ 200 nghìn đồng trở lên, người bán hàng phải xuất hóa đơn, kê khai báo cáo thống kê, vào sổ sách kế toán đầy đủ, điều đó đồng nghĩa với việc họ phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. “Chỉ riêng thực hiện đầy đủ nộp thuế giá trị gia tăng thì người bán hàng phải nộp 10%. Trong khi đó, họ chỉ thu từ các chủ thẻ 1% đến 2% thì làm sao bù lỗ, chưa kể các loại thuế thu nhập khác” – ông Đức đưa ra lập luận. Một chuyên gia khác bổ sung, không loại trừ hành vi này có sự tiếp tay của “người trong nhà” vì nếu điểm chấp nhận thẻ có doanh số lớn thì nhân viên NH đạt được thành tích kinh doanh. Có một thực tế hiện nay, khi mở rộng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, NH luôn khuyến khích người bán hàng sử dụng POS nên không kiểm soát chặt chẽ giao dịch thanh toán qua POS.

Nhiều rủi ro phát sinh

Tuy số tiền bị lợi dụng từ hành vi này nhìn chung không quá lớn, nhưng cũng đã cảnh báo nguy cơ nợ xấu phát sinh. Thay vì mua hàng hóa tiêu dùng, sử dụng đúng mục đích, phù hợp với khả năng thanh toán, thì việc dễ dàng rút một khoản tiền hàng trăm triệu đồng vào các mục đích buôn bán bất hợp pháp, kinh doanh rủi ro,… nếu không may thì chủ thẻ có thể mất trắng số tiền, không có khả năng trả nợ. “Tất nhiên, lãi suất đối với thẻ tín dụng khá cao, bù đắp được phần nào số vốn khách hàng chiếm dụng, nhưng khi khách hàng mất khả năng trả nợ thì lãi không dễ đòi được”, một chuyên gia khác nhìn nhận.

Trước nguy cơ méo mó hoạt động NH từ hiện tượng cho vay “nóng” qua thẻ tín dụng, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10-2016, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN đều đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn về các khoản cấp tín dụng nói chung của các tổ chức tín dụng (TCTD) với khách hàng, cũng như hình thức cấp tín dụng cho vay qua thẻ tín dụng. Các văn bản hướng dẫn quy định về điều kiện, hồ sơ, quy trình thủ tục cho vay và cả về trách nhiệm của thanh tra với hoạt động này. Về nguyên nhân vẫn còn để xảy ra tình trạng nêu trên, với góc độ cơ quan quản lý, bà Hồng lý giải: Do bản thân các TCTD có rất nhiều hoạt động, cho nên trong quá trình theo dõi giám sát, các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan thanh tra giám sát NH, chỉ đủ khả năng xem xét từng vấn đề, nội dung nào cần thiết phải đặt kế hoạch thanh tra thì cơ quan thanh tra giám sát mới tiến hành. “Qua thông tin dư luận phản ánh về hiện tượng cho vay nóng qua thẻ tín dụng, chắc chắn các đơn vị chức năng của Cơ quan Thanh tra, giám sát NH sẽ theo dõi, tổng hợp, đề xuất các giải pháp để việc thực hiện quản lý hoạt động tiền tệ và ngân hàng theo đúng mục tiêu đề ra” – Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu người bán hàng và người mua hàng cố tình thông đồng để rút tiền thì NH kiểm soát rất khó khăn, vì hiện tại có rất nhiều điểm thanh toán POS mà nhân lực NH không thể giám sát hết được. Nhưng vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, các NH cần thiết phải khẩn trương vào cuộc để có những biện pháp mạnh tay hơn, nhằm giảm tới mức thấp nhất các rủi ro phát sinh từ giao dịch qua thẻ. Ngoài ra, có ý kiến đề xuất, mức xử phạt từ 15 đến 30 triệu đồng đối với hành vi vi phạm bị phát hiện còn khá nhẹ, cần tăng nặng mức xử phạt mới đủ sức răn đe. Đối với các NH, một chuyên gia lưu ý việc rà soát dữ liệu trực quan giữa giao dịch thông thường với giao dịch có giá trị vượt trội, có thể phát hiện những POS có vấn đề bất thường.

Qua hiện tượng này, không ít chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo việc phát hành thẻ quá dễ dãi của nhiều ngân hàng trong thời gian qua nhằm hoàn thành chỉ tiêu được giao. Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn tới nhiều rủi ro vì một số chủ thẻ có độ tín nhiệm thấp. Do đó, trong thời gian tới, việc phát triển thẻ NH, thay vì chạy theo số lượng, các NH cần quan tâm đến chất lượng nhiều hơn. Có như vậy, mới gia tăng được giá trị cho cả khách hàng và NH, đồng thời giảm những rủi ro không đáng có.

VIỆT PHONG

——————

Nhân Dân (Kinh tế) 03-11-2016:

http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31156102-nguy-co-meo-mo-hoat-dong-ngan-hang.html

(324/1.574)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.421. Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của...

Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của nút thắt" để đất nước vươn...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,393