(QĐND) – Theo phản ảnh của người dân 6 tổ dân phố từ tổ 33 đến tổ 38 thuộc cụm dân cư phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội, khu vực bãi Xém vốn là khu đất nông nghiệp có diện tích hơn 11.000m2, ngay sát khu dân cư, lại gần nhà máy nước sạch và trường tiểu học nhưng chính quyền triển khai dự án di chuyển hơn 2.000 ngôi mộ từ nơi khác về và sau này tiếp tục mở rộng nghĩa trang khiến dư luận rất bức xúc.
Di dời hơn 2.000 ngôi mộ về sát nhà máy nước và trường học
Giải thích về sự việc, tại buổi họp báo ngày 10-11-2016, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Chánh văn phòng UBND quận Long Biên cho biết, để có đất sạch thực hiện Dự án “Xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến Khu đô thị mới Thượng Thanh, quận Long Biên theo hình thức BT”, do Công ty Cổ phần Khai Sơn là chủ đầu tư, UBND phường Ngọc Thụy đã đề xuất cải tạo, chỉnh trang Nghĩa trang Bãi Xém (gần nhà máy nước sạch và trường học -PV) để quy tập khoảng 2.200 ngôi mộ nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng.
Bà Hằng cho biết: “Trong quá trình thực hiện, đã tổ chức nhiều hội nghị công khai để lấy ý kiến nhân dân. Cụ thể, ngày 30-8-2016, tiến hành gặp mặt các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm, lão thành cách mạng nhân dịp Quốc khánh và đề cập nội dung di chuyển nghĩa trang. Ngày 10-9-2016, tiến hành họp với cán bộ chủ chốt (chứ chưa phải với nhân dân-PV) cụm dân cư phố Bắc Cầu (gần nơi cải tạo Nghĩa trang Bãi Xém). Ngày 27-9-2016, tiến hành họp chủ chốt cụm dân cư Gia Thượng (nơi thu hồi đất). Từ ngày 28-9 đến 15-10-2016, làm việc với đại diện các khu vực Gia Quất, Trung Hà, K159… (nơi phải di chuyển mộ phục vụ giải phóng mặt bằng). Ngày 17-10-2016, tiến hành họp các hộ dân tự nguyện giao đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích…”.
Bãi Xém được cho là nghĩa trang cổ.
Phường nghe dân nói có nghĩa trang, dân nghe… nhà ngoại cảm (!)
Ông Nguyễn Quốc Văn, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy giải thích: Phần đất bãi Xém từ xa xưa vốn là nghĩa trang, nhưng vì cạnh sông nên lũ lụt đã cuốn đi nhiều mồ mả. Tuy nhiên, UBND phường không có văn bản chứng minh khu đất bãi Xém là nghĩa địa mà căn cứ vào “nhiều cao niên khẳng định”. Ông Văn cũng giải thích các mộ đưa về là… mộ khô nên không ảnh hưởng tới môi trường.
Trái ngược với những ý kiến trên, hàng trăm hộ dân lân cận đều khẳng định, khu vực bãi Xém là đất canh tác, từ trước tới nay không hề có mộ. Nhưng chỉ sau một đêm trước ngày UBND phường Ngọc Thụy động thổ bỗng “mọc” lên 6 ngôi mộ lạ, không có bia mộ… và bà Nguyễn Thị Bích, tổ 20, phường Ngọc Thụy nhận là mộ của gia đình bà. Để làm rõ sự việc trên, tại buổi họp báo ngày 10-11, UBND phường Ngọc Thụy đã mời bà Nguyễn Thị Bích tham dự. Tại đây, bà Bích thừa nhận mình là người đắp mới những ngôi mộ trên nhưng hiện tại vị trí chính xác các ngôi mộ thật ở đâu thì bà cũng không rõ mà chỉ dựa vào chỉ dẫn của một nhà ngoại cảm từ năm 2000.
Hàng trăm hộ dân phố Bắc Cầu kiến nghị xem lại dự án Nghĩa trang Bãi Xém.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Đỗ Huy Chiến, Phó chủ tịch UBND quận Long Biên khẳng định: “Hiện nay theo chủ trương thì không được xây dựng mới nghĩa trang mà chỉ được cải tạo. Bãi Xém là nghĩa trang cũ, chúng tôi thực hiện cải tạo theo đúng chỉ đạo của UBND TP Hà Nội”.
Làm trái quy hoạch của Chính phủ và trái pháp luật
Theo luật sư Nguyễn Xuân Bính (Hà Nội), dù là mộ khô hay mộ mới chôn, dù là nghĩa trang xây mới hay cải tạo thì đều phải tuân thủ đúng quy hoạch và các quy định của pháp luật. Trong khi đó, khoản 1, Điều 3, Nghị định số 23/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng quy định rõ: “Tất cả các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải được quy hoạch. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng tuân thủ pháp luật về quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường”. Khoản 1, Điều 10 của nghị định này cũng nêu rõ: “Các nghĩa trang có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan, môi trường chưa phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh thì địa phương cải tạo”. Như vậy, nếu Nghĩa trang Bãi Xém không nằm trong quy hoạch thì không được cải tạo.
Tại Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 8-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch nghĩa trang thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục “nghĩa trang cấp xã” nêu rõ: “… Có kế hoạch đóng cửa các nghĩa trang phân tán có quy mô nhỏ, không đảm bảo khoảng cách ly an toàn vệ sinh môi trường hoặc không nằm trong quy hoạch sử dụng đất nghĩa trang. Di chuyển các mộ phần đến nghĩa trang tập trung ở các vùng theo quy hoạch”. Trong quyết định này cũng không có tên Nghĩa trang Bãi Xém trong quy hoạch nghĩa trang cấp huyện, quận.
Tháng 12-2014, tại buổi lễ công bố Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô, lãnh đạo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội khẳng định: Về nguyên tắc, khu vực nội đô không có nghĩa trang, tất cả nhu cầu an táng đều phải chuyển ra bên ngoài. Các nghĩa trang đang tồn tại sẽ từng bước được chuyển khỏi nội đô. Trước mắt khi chưa chuyển được, những khu vực này sẽ được tiến hành trồng cây xanh bảo đảm môi trường, cảnh quan. Cũng tại buổi lễ trên, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngay sau khi tiếp nhận quy hoạch nghĩa trang, quý I-2015, thành phố công khai quy hoạch nghĩa trang tập trung để nhân dân biết và ủng hộ. Trên thực tế, từ khi công khai quy hoạch nghĩa trang quận Long Biên, chưa bao giờ có tên Nghĩa trang Bãi Xém.
Thiếu minh bạch trong lấy ý kiến của nhân dân
Dù UBND phường Ngọc Thụy nêu ra nhiều cuộc họp lấy ý kiến nhưng nếu tìm hiểu kỹ, chưa có bất kỳ cuộc họp nào với nhân dân phố Bắc Cầu. Hơn nữa, ngày 30-8-2016, Đảng ủy, UBND phường Ngọc Thụy khi gặp mặt các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm, lão thành cách mạng nhân dịp Quốc khánh mới đề cập tới nội dung di chuyển nghĩa trang nhưng trước đó gần 2 năm, vào ngày 8-9-2014, UBND phường đã có Công văn số 225/UBND giới thiệu vị trí xây dựng nghĩa trang tại khu vực bãi Xém. Văn bản số 6457/VP-QHKT của Văn phòng UBND TP Hà Nội về phương án bố trí địa điểm quy tập mộ tại Nghĩa trang Bãi Xém đã được ký từ ngày 22-9-2015, trước buổi đề cập chuyển nghĩa trang ngót một năm. Như vậy, UBND phường Ngọc Thụy đã triển khai dự án theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”. Theo luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Doanh nghiệp (Bộ Tư pháp): Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012, tại Điều 14 quy định, trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, phải công khai, minh bạch các nội dung sau đây: Báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, báo cáo đánh giá tác động kinh tế-xã hội… Dự án quy hoạch đầu tư xây dựng phải được lấy ý kiến của nhân dân địa phương nơi quy hoạch về nội dung quy định và sau khi được phê duyệt phải được công khai về các nội dung quy định để nhân dân giám sát.
Cần thu hồi dự án, di chuyển mộ đúng quy hoạch
Sự việc xảy ra ở phường Ngọc Thụy có tính chất, nội dung giống với việc người dân phản đối dự án xây dựng “cao ốc tâm linh”, “nghĩa trang tro cốt” giữa lòng khu dân cư ở quận Thanh Xuân. Sau khi báo chí và công luận phản ánh, dù là người ký văn bản đồng ý về nguyên tắc cho các ban, ngành “nghiên cứu đề xuất của doanh nghiệp” nhưng Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã phải thừa nhận mới chỉ là “đồng ý cho nghiên cứu” và khẳng định: “Cụ thể làm cái gì, làm như thế nào thì còn rất nhiều vấn đề cần phải xem xét. Cá nhân tôi không đồng ý việc xây nghĩa trang tro cốt tại dự án này”. UBND quận Thanh Xuân cũng không đồng ý chuyển đổi dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ Hạ Đình thành dự án tâm linh. Nếu nhà đầu tư cố tình thực hiện, làm thay đổi chức năng của dự án, quận sẽ đề nghị UBND thành phố thu hồi dự án theo quy định.
Trong khi các quận nội đô khác đều tuân thủ đúng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, không đưa công trình nghĩa trang vào nội đô thì việc UBND phường Ngọc Thụy và quận Long Biên vẫn đề xuất và bảo vệ dự án nghĩa trang ngay cạnh nhà máy nước là điều không thể chấp nhận. Cũng phải nói thêm rằng, nếu để di dời mộ phục vụ dự án kinh tế thì không phải “không còn phương án nào khác” như ông Nguyễn Quốc Văn lý giải. Bởi lẽ, trong Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 8-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: “Quy hoạch Nghĩa trang Trung Mầu (huyện Gia Lâm) đến năm 2020 khoảng 17ha, đến năm 2030 khoảng 35ha, đến năm 2050 khoảng 53ha; sử dụng hình thức hung táng, cát táng, táng một lần, hỏa táng; phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân và quy tập mộ di chuyển khu vực phát triển đô thị quận Long Biên và huyện Gia Lâm”.
Đề nghị UBND quận Long Biên sớm xem xét lại sự việc, thu hồi dự án cải tạo Nghĩa trang Bãi Xém và di chuyển mộ đúng theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bài và ảnh: VĂN MINH – HOÀNG HẢI – HOÀNG NHƯỠNG
———————————————————-
Quân đội Nhân dân (Điều tra) 13-11-2016:
(125/1.897)