1.425. Bao giờ điều kiện kinh doanh không còn là rào cản?

(ĐBND) – Bài 2: Niềm vui “ngắn chẳng tày gang”

Nhiều quy định sau khi bị doanh nghiệp phản ứng, thậm chí phải “nỗ lực đấu tranh” đã được cơ quan có thẩm quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ. Tuy nhiên, nhiều khi, việc sửa đổi vẫn chỉ là “bình mới, rượu cũ”, những quy định cũ vẫn được “cài cắm” trong các dự thảo mới, thậm chí còn gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

“Bình mới, rượu cũ!”

“Vì nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vẫn rất mơ hồ, nên nghị định muốn viết gì cũng được. Ví dụ, không thể phân biệt nổi ngành, nghề kinh doanh nào thuộc một trong 3 nhóm “kinh doanh thực phẩm” thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hay của Bộ Y tế. Hiện, còn ít nhất 4 nhóm quy định có thể quy về thực chất là tương tự điều kiện kinh doanh, đó là: Yêu cầu về quy hoạch (gây trở ngại cho quyền tự do hoạt động đầu tư kinh doanh); yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật (can thiệp vào giải pháp, quyền chủ động kinh doanh); yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng (dù là công bố bắt buộc hay tự nguyện thì doanh nghiệp cũng buộc phải đạt tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, dịch vụ); yêu cầu về thủ tục hành chính (nhiều thủ tục phức tạp, phiền hà, tốn kém đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh).

Luật sư Trương Thanh Đức,Thành viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

Giám đốc Công ty TNHH in ấn Đa Sắc Đào Công Thức tỏ ra bức xúc với các quy định liên quan hoạt động trong ngành in. Ông Thức nêu dẫn chứng: Tại Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in nêu rõ, người đứng đầu cơ sở in “có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành in hoặc được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in”. Quy định này thực sự rất phi lý! ông Thức nhận xét.

Lý do ông Thức đưa ra là “trong hàng nghìn cơ sở in hoạt động trên cả nước, có phải ai cũng vào trường cao đẳng in để học đâu mà họ là những tiến sĩ, kỹ sư, thạc sĩ và trình độ chính trị của họ chắc chắn cao hơn những người tốt nghiệp cao đẳng ngành in! Còn với quy định chủ doanh nghiệp phải được cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ in thì trên thực tế, mỗi khóa học để cấp chứng chỉ diễn ra trong 5 ngày với chi phí 5 triệu đồng/người. Song không phải lúc nào chủ doanh nghiệp cần giấy chứng nhận, cũng được đi học ngay, vì còn phụ thuộc vào lịch xếp lớp của Bộ Thông tin và Truyền thông. Do đó, doanh nghiệp phải chờ đợi”.

Điều đáng nói, dù những vấn đề trên đã được doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực in phản ánh, phàn nàn nhiều nhưng “chẳng hiểu sao trong dự thảo sửa đổi Nghị định đang được lấy ý kiến vẫn giữ nguyên những quy định đó, như vậy doanh nghiệp đã khó thì nay vẫn khó”, ông Thức băn khoăn.

Trong văn bản góp ý về dự thảo sửa đổi này, Hiệp hội In Việt Nam cũng nêu rõ: “Việc quy định người đứng đầu phải có bằng đào tạo chuyên ngành hoặc giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý không bảo đảm cho việc cơ sở đó hoạt động đúng hay vi phạm pháp luật. Hơn nữa, không một ngành nghề nào quy định người đứng đầu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải có bằng cấp chuyên môn về lĩnh vực đó hoặc giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ hoạt động chuyên ngành”. Do vậy, Hiệp hội đề nghị bỏ quy định này.

Cùng chung “tâm trạng”, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc An Nguyễn Tuấn cho biết, ở lĩnh vực ô tô, khi có thông tin sửa đổi Thông tư 20/2011 của Bộ Công thương về điều kiện nhập khẩu và kinh doanh ô tô, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa kỳ vọng sẽ có cơ hội tham gia thị trường. Tuy nhiên, do hoạt động nhập khẩu và kinh doanh ô tô nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, yêu cầu đặt ra càng khắt khe hơn khiến khối doanh nghiệp này thực sự gặp khó. Đặc biệt, dự thảo mới về điều kiện nhập khẩu ô tô của Bộ Công thương lại đưa vào điều kiện là doanh nghiệp nhập khẩu phải có cam kết của nhà sản xuất đối với vấn đề bảo hành, triệu hồi và bảo dưỡng. “Rõ ràng, dự thảo đã đưa ra điều kiện còn khó hơn Thông tư 20. Điều này sẽ chỉ có lợi cho các hãng xe của nước ngoài độc quyền nhập khẩu, doanh nghiệp nội bị “bít cửa” làm ăn”, ông Tuấn thở dài.

Điều kiện kinh doanh hợp lý tạo tiền đề để doanh nghiệp phát triển   Nguồn:tapchitaichinh.vn

Điều kiện kinh doanh giống như đầu Phạm Nhan

Chia sẻ với những “nỗi niềm” của doanh nghiệp, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Trần Hữu Huỳnh ví von, “nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý được bãi bỏ nhưng lại xuất hiện điều kiện khác, dưới hình thức văn bản khác, giống như đầu Phạm Nhan”.

Còn Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu cho hay, theo kết quả rà soát của CIEM cũng như đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, “đúng là có những điều kiện kinh doanh bất hợp lý song vẫn được giữ lại, thậm chí ở chừng mực nào đó, sau khi sửa đổi không còn nằm trong các thông tư nữa mà được “nâng” lên thành nghị định”.

Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương Lê Xuân Hiền thừa nhận, về lý thuyết, số lượng điều kiện kinh doanh có thể giảm nhưng thực tế thì không giảm nhiều và dưới các “vỏ bọc” rất hợp lý, các điều kiện gây khó cho doanh nghiệp lại rất dễ dàng qua được mắt các nhà làm luật. Theo ông Hiền, nguyên nhân của tình trạng này một phần do cộng đồng doanh nghiệp phản ứng vô cùng yếu ớt bởi còn mải lo “miếng cơm manh áo”, thậm chí không tin tưởng rằng ý kiến của mình sẽ được tiếp thu. Việc tham gia ý kiến cho các văn bản nhiều khi rơi vào tình trạng “thấy cây mà không thấy rừng” nên không ít ý kiến dù đúng ở góc độ này nhưng lại sai ở góc độ khác, đúng với thiểu số nhưng lại không đúng với đa số.

Mặt khác, chính những người tham gia phản biện chính sách, trong đó có nhiều đại biểu của dân nhiều khi không biết mà hỏi, làm giảm đi sức chiến đấu của đại biểu, của cơ quan dân cử; tính phản biện, tính đại diện rất thấp, khiến chất lượng văn bản quy phạm pháp luật nói chung, cũng như các điều kiện kinh doanh không thể tốt hơn, thông thoáng hơn. “Khi người soạn quy định cố tình “cài cắm” mà người phản biện, người phê duyệt lại lơ mơ thì đương nhiên việc qua mặt là rất dễ dàng, rất hợp pháp, hợp lý”, ông Hiền nói.

Vũ Thủy

——————————————————-

Đại biểu Nhân dân (Kinh tế) 13-7-2017:

http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=392789

(196/1.319)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,918