1.426. Đề xuất đánh thuế người sở hữu nhà thứ 2 – 3: Có ngăn chặn được “lướt sóng” ngắn hạn?

(KTĐT)- Mặc dù mới chỉ dừng ở mức đề xuất nhưng thông tin đánh thêm thuế với người sở hữu từ 2 – 3 nhà ở vừa được Bộ Tài chính đưa ra đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân.

Được đánh giá là sẽ ngăn ngừa nạn đầu cơ trên thị trường bất động sản (BĐS), tuy nhiên, câu chuyện đánh thuế thế nào để vừa đảm bảo công bằng, vừa giúp người dân tự giác chấp hành pháp luật thuế, không tìm cách lách thuế đang là bài toán cần được tính đến.

Chưa thực hiện trong năm 2017 nhưng chắc chắn sẽ thu thuế

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, Bộ Tài chính đang tập hợp thông tin để nghiên cứu. Nhiều khả năng trong năm 2017 chưa thể áp dụng sắc thuế này vì phải có thời gian xây dựng, xem xét kỹ. “Trong tương lai chắc chắn sẽ phải thu, không chỉ vì ngân sách khó khăn mà các nước họ đã đánh thuế này từ nhiều năm nay rồi” – ông Hải nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, việc đánh thuế tài sản cần phải xây dựng luật, và cần Quốc hội cho vào chương trình xây dựng luật. Định hướng là sẽ nghiên cứu thuế tài sản áp dụng với nhà cửa và một số loại tài sản khác.

Đề xuất đánh thuế người sở hữu căn nhà thứ 2 trở đi sẽ góp phần hạn chế đầu cơ trên thị trường.  Ảnh:  Thanh Hải

Mục đích của biện pháp đánh thuế lũy tiến vào những cá nhân sở hữu nhiều nhà được Bộ Tài chính đề xuất là nhằm triệt tiêu nạn đầu cơ BĐS. Đồng thời, các chính sách này cũng sẽ khiến giới đầu cơ “chùn tay” và không còn mặn mà với việc lướt sóng ngắn hạn. Đây là giải pháp hiệu quả để tránh tình trạng “bong bóng” BĐS, đưa giá BĐS trở về giá trị thật và tạo điều kiện cho những người có nhu cầu thực sự về nhà ở.

Theo TS Nguyễn Ngọc Tuyến – Khoa Thuế, Hải quan (Học viện Tài chính), cần phải đánh thuế nhà để quản lý được tình trạng sở hữu nhà đất của cá nhân, kiểm soát được thu nhập từ tài sản, ngăn chặn đầu cơ và tham nhũng: “Việc đánh thuế tài sản quan trọng là kiểm soát thu nhập. Hiện tại, nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu là nền kinh tế tiền mặt. Nếu thực hiện việc đánh thuế nhà, trước hết kiểm soát thu nhập làm thị trường minh bạch, sau này tùy vào mức độ thu nhập có thể nâng mức thuế tương ứng. Đây là công cụ tốt nhằm minh bạch thị trường và ngăn chặn đầu cơ”.

Đánh thuế thế nào để tránh lách luật?

Đồng ý với việc phải đánh thêm thuế với người sở hữu từ 2 – 3 nhà ở, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu mức thuế và cách đánh thuế thế nào cho hợp lý, để động viên được các nguồn lực trong dân, người nộp thuế tự nguyện chấp hành pháp luật thuế thay vì tìm cách lách luật.

Thực tế, dữ liệu đất đai ở Việt Nam vẫn chưa liên thông nên việc xác định thông tin về sở hữu nhà đất vẫn mất nhiều thời gian. Cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý nhân khẩu vẫn đang hình thành nên sẽ rất khó để cơ quan thuế thu thuế. Khi mua nhà thứ 2 bị đánh thuế cao, chắc chắn sẽ có tình trạng trốn thuế, lách thuế bằng cách nhờ người khác đứng tên. “Cần có dữ liệu thông tin chuẩn. Làm sao xác định đúng người đứng tên nhà đất thay vì đứng tên hộ, không xác định được ai thực sự là chủ BĐS sẽ dẫn đến đánh sót, trùng, thiếu” – Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng theo ông Đức, nếu đánh thuế từ căn nhà thứ 2 trở đi, thì những trường hợp như mua một căn nhà lên tới vài trăm mét vuông, giá trị hàng trăm tỷ đồng, hoặc mua 2 – 3 nhà rồi làm thông nhau thành một nhà thì có phải chịu thuế không? Vì thế, cần xem xét đánh thuế trên giá trị nhà hoặc diện tích, hoặc số người để đảm bảo công bằng. Một vấn đề nữa được các chuyên gia khuyến cáo là cần xem xét cân đối sự liên quan với chính sách luật khác, các loại thuế khác…, tránh tình trạng đánh chồng thuế, tạo gánh nặng thuế cho người dân.

ĐINH NGUYỄN

———————

Kinh tế Đô thị (Bất động sản) 14-11-2016:

http://www.kinhtedothi.vn/xung-quanh-de-xuat-danh-thue-nguoi-so-huu-nha-thu-2-3-co-ngan-chan-duoc-luot-song-ngan-han-272841.html\

(171/837)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,891