1.445. Có xử T&A Ogilvy được không?

(PL) – “Công ty truyền thông hoàn toàn có thể bị xử lý vì gièm pha doanh nghiệp nước mắm, ngành nghề nước mắm” – TS Nguyễn Ngọc Sơn.

Cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, lần ra Công ty Truyền thông T&A Ogilvy tài trợ cho Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) thực hiện khảo sát nước mắm. Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 29-11 vừa qua, Bộ Công Thương cũng đánh giá việc khảo sát được thực hiện dưới sự tài trợ của công ty trên không đảm bảo tính độc lập theo quy định.

Vậy liệu Công ty T&A Ogilvy có vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh? Liệu có thể xử lý công ty này?…

Cần xử cả “đứng trước” lẫn “đứng sau”

TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật ĐH Tôn Đức Thắng, chuyên gia trong lĩnh vực cạnh tranh, khẳng định các công ty truyền thông vẫn có thể bị phạt về hành vi gièm pha doanh nghiệp (DN) khác theo Điều 43 Luật Cạnh tranh.

“Nhiều người hiểu nhầm rằng gièm pha đối thủ mới bị xử phạt, mới là cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ công ty nước mắm này gièm pha công ty nước mắm khác thì mới vi phạm. Nhưng quy định trong Luật Cạnh tranh thì mở rộng hơn nhiều. Bất cứ DN nào gièm pha DN khác là vi phạm chứ không nhất thiết phải gièm pha DN đối thủ cùng ngành hàng, cùng sản phẩm…” – TS Sơn nhấn mạnh.

Điều 43 của Luật Cạnh tranh là một điều luật rất bao quát, từng được dự liệu rất kỹ. Bởi lẽ các công ty không dại gì trực tiếp tung thông tin gièm pha đối thủ cả. Chẳng hạn sẽ có việc công ty A thuê công ty B để gièm pha đối thủ của A; hoặc A sẽ lập các công ty con C, D… để “làm nhiệm vụ” gièm pha, còn mình thì sẽ không liên can gì. Vì những dự liệu đó mà Điều 43 không dùng từ “đối thủ” mà sử dụng cụm từ “DN khác”, đồng thời quy định cả hành vi “trực tiếp” lẫn “gián tiếp”.

TS Sơn nói tiếp: “Với tầm bao quát của Điều 43 như vậy, xét trong trường hợp vụ nước mắm thì công ty truyền thông hoàn toàn có thể bị xử lý vì gièm pha DN nước mắm, ngành nghề nước mắm. Vấn đề là phải điều tra cho ra hợp đồng tài trợ, các thỏa thuận, các cuộc đàm phán, các email, giấy tờ… giữa công ty truyền thông và Vinastas. Qua đó để chứng minh công ty này gián tiếp “mượn” Vinastas đưa thông tin không trung thực, không minh bạch về nước mắm nhiễm asen”.

Việc tung tin sai lệch của Vinastas đã gây hại cho nước mắm truyền thống. Trong ảnh: Một cơ sở làm nước mắm truyền thống ở Phan Thiết, Bình Thuận. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Mặt khác, cũng theo TS Sơn, thông thường các công ty truyền thông không tự dưng bỏ tiền ra làm không công cho ngành này, ngành nọ, mà họ phải làm cho một hoặc một nhóm DN nào đó. Thế nên cứ điều tra sẽ tìm ra được DN nào mới thực sự là DN chi tiền tài trợ cho Vinastas. Khi điều tra ra thì DN đó dù là nước mắm hay không kinh doanh nước mắm, cũng có thể xử lý luôn vì hành vi gièm pha DN khác.

“Cần lưu ý rằng mức phạt của hành vi gièm pha DN khác tối đa chỉ 150 triệu đồng. Nhưng trong trường hợp vụ nước mắm, vấn đề quan trọng hơn việc phạt là phải công khai tên tuổi các DN “đứng trước”, “đứng sau” ra. Bên cạnh đó phải công khai rõ hợp đồng thỏa thuận với nhau làm những việc trái đạo đức kinh doanh. Cần công khai cho cộng đồng biết, vì hành vi vi phạm này không chỉ ảnh hưởng đến một vài DN mà đã ảnh hưởng đến toàn ngành nước mắm truyền thống, ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp” – TS Sơn nhấn mạnh.

Cần khởi kiện đòi bồi thường

Luật sư Nguyễn Thành Long, Văn phòng luật sư Long Nguyễn, cho biết theo quy định của Luật Cạnh tranh thì Vinastas không phải là đối tượng thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy mà cơ quan quản lý không thể phạt Vinastas về cạnh tranh không lành mạnh.

Luật Cạnh tranh giải thích rõ: Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của DN; trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của DN khác hoặc người tiêu dùng.

Tuy vậy, luật sư Nguyễn Thành Long cho rằng vấn đề quan trọng là các DN nước mắm truyền thống có thể tự khởi kiện Vinastas ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại vì đơn vị này đã trực tiếp công bố thông tin. Trong quá trình xét xử, tòa sẽ mời các công ty liên quan (như T&A Ogilvy) đến để làm việc và có thể các công ty này sẽ phải liên đới trách nhiệm.

Cụ thể là các DN nước mắm truyền thống cần thu thập bằng chứng để chứng minh thiệt hại của mình. “Nếu có kết luận của cơ quan chức năng về hành vi vi phạm cạnh tranh không lành mạnh thì đây là chứng cứ nặng ký để DN nước mắm truyền thống nộp kèm đơn khởi kiện” – luật sư Long nói.

Trong khi đó, ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, cho biết đến nay vẫn chưa có DN nước mắm nào ở Phan Thiết khởi kiện Vinastas ra tòa. “Nhiều DN và các hội nước mắm các tỉnh, thành đã ngồi lại với nhau bàn hướng giải quyết. Trong đó đề cập đến việc khởi kiện đòi Vinastas bồi thường thiệt hại nhưng đến nay vẫn chưa có DN nào chính thức làm đơn”.

Tuy vậy, theo ông Hiến, nếu có bất cứ DN nước mắm nào ở Phan Thiết lên tiếng bị thiệt hại mà muốn khởi kiện thì hiệp hội sẽ đứng đơn làm ngay cho DN.

“Đây là vụ cạnh tranh bẩn”

Nhận định về việc Vinastas công bố khảo sát kết quả nước mắm nhiễm asen do Công ty T&A Ogilvy tài trợ, luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nhận định: “Đây chắc chắn là một vụ cạnh tranh không lành mạnh, còn gọi là cạnh tranh bẩn”.

Theo luật sư Đức, khi Vinastas công bố kết quả khảo sát nước mắm, rõ ràng đã có sự mập mờ về asen có trong nước mắm khi không nói rõ asen hữu cơ thì không độc hại và asen vô cơ (thạch tín) là độc hại. Điều này là nhắm vào đối thủ cạnh tranh của nước mắm công nghiệp mà ở đây ai cũng hiểu là nước mắm truyền thống.

Luật sư Đức cho rằng cần phải làm rõ mục đích tài trợ của T&A Ogilvy là gì. Đó là việc tài trợ đơn thuần cho nghiên cứu khoa học hay là núp bóng tài trợ để gây ra cuộc cạnh tranh không lành mạnh.

“Ở đây có hai mức độ, thực hiện chiến dịch truyền thông hay là người thiết kế ra chiến dịch truyền thông mang tính chất cạnh tranh không lành mạnh ấy. Nếu chỉ là thực hiện chiến dịch truyền thông thì trách nhiệm của T&A Ogilvy còn nhẹ. Nhưng nếu thiết kế ra chiến dịch truyền thông đó thì T&A Ogilvy cần phải bị xử lý nghiêm” – luật sư Đức nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn trong vụ việc này, theo luật sư Đức là phải tìm ra chủ thể đứng sau Vinastas và T&A Ogilvy. “Nếu không tìm ra được chủ thể đứng đằng sau Vinastas và Ogilvy thì việc xử lý sẽ không có tác dụng răn đe, ngăn ngừa những cuộc cạnh tranh không lành mạnh trong tương lai. Việc đưa ra ánh sáng chủ thể đó là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay” – luật sư Đức nhấn mạnh.

CHÂN LUẬN

Cấm gièm pha doanh nghiệp khác

Cấm DN gièm pha DN khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của DN đó.

Điều 43 Luật Cạnh tranh

QUỲNH NHƯ

——————

Pháp luật TP HCM (Thời sự) 02-12-2016:

http://plo.vn/thoi-su/co-xu-ta-ogilvy-duoc-khong-668873.html

(339/1.492)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,895