(TBKD) – Từ tuần tới, quy định về trần lãi suất cho vay trong Bộ luật Dân sự 2015 sẽ chính thức có hiệu lực. Thế nhưng, đến thời điểm này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho đối tượng chịu sự điều chỉnh, khiến thị trường tài chính hoang mang không rõ mình phải thực thi theo luật nào.
Bộ Luật Dân sự 2015 sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017. Theo đó, đối với các trường hợp có thỏa thuận về lãi suất thì không được vượt quá 20% của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Đây được xem công cụ cần thiết nhằm hướng tới hạn chế tín dụng đen, cho vay nặng lãi trong dân cư.
Thực thi theo Luật nào?
Đó là câu hỏi khiến hầu hết các tổ chức tín dụng hoang mang bởi thời điểm áp dụng đã cận kề, song đối tượng chịu sự điều chỉnh của quy định này hiện vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể.
Trong khi đó, khi Bộ Luật này có hiệu lực, thị trường tài chính sẽ tồn tại song hành hai quy định: Luật các TCTD năm 2010 cho phép các TCTD được thỏa thuận lãi suất, Bộ Luật Dân sự lại quy định lãi suất cho vay không quá 20%/năm.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là các TCTD sẽ phải áp dụng lãi suất nào để không vi phạm bộ luật lớn này? Hiện có hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Một số ý kiến cho rằng mức trần lãi suất cho vay sẽ được áp dụng đối với mọi chủ thể từ ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) vi mô, hợp tác xã… tài chính tiêu dùng cho tới các khoản vay dân sự bên ngoài.
Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn, giới chuyên gia lại khẳng định rằng Quy định nêu trong Bộ luật Dân sự 2015 chủ yếu chỉ quy định cho các khoản vay dân sự bên ngoài hệ thống TCTD.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Kinh Doanh, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng theo Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp “loại trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Có thể hiểu Bộ luật đã mở “lối đi” riêng và cho phép TCTD được hoạt động theo luật chuyên ngành.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2010 lại cho TCTD quyền thoả thuận lãi suất nhưng phải “theo quy định của pháp luật”. Chính các cụm từ trên đang khiến thị trường hoang mang, không rõ mình phải thực thi theo luật nào.
Các TCTD hoang mang vì quy định áp trần lãi suất ngày 1/1/2017
Rõ ràng đang có mâu thuẫn, khiến luật chồng luật. Ông Đức phân tích: Việc luật chồng luật không chỉ khiến các TCTD khó áp dụng mà còn có thể dẫn tới nguy cơ nếu xảy ra kiện tụng khi khách hàng không trả nợ, tòa án cũng khó căn cứ để xử lý theo mức lãi suất nào để áp dụng xử.
Đồng quan điểm, Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, cho rằng nếu áp trần lãi suất 20%/năm cho các TCTD là rất bó buộc. Bởi hoạt động cho vay tiêu dùng ở các TCTD chủ yếu là người thu nhập thấp, không có tài sản thế chấp, độ rủi ro cao nên lãi suất cho vay cao, hiện phổ biến từ 20-40%/năm, như vậy mới đủ bù đắp rủi ro. Do vậy, không thể áp dụng luôn cho cả các TCTD, mà chỉ có thể áp riêng cho khoản vay dân sự bên ngoài.
Cần sự thống nhất
Một số ý kiến cho rằng do hiện nay các TCTD không bị áp trần lãi suất cho nên thời gian qua, thị trường xảy ra tình trạng người tiêu dùng bị vay với lãi suất cao. Vì thế, nếu không áp trần lãi suất thì làm cách nào để quản được việc các tổ chức tín dụng đẩy mức lãi suất cho vay lên cao.
Trước đó, Dự thảo Thông tư về cho vay tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước cho phép các công ty tài chính thoả thuận lãi suất. Tuy nhiên, Dự thảo này vẫn đang lấy ý kiến và chưa biết khi nào mới được ban hành.
Theo các chuyên gia, dù Dự thảo chưa có hiệu lực nhưng trên thực tế, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn “quản” trần lãi suất thông qua việc quy định trần lãi suất huy động ngắn hạn, để đảm bảo tính hiệu quả của các chính sách tiền tệ khác như quản lý thị trường vàng, thị trường ngoại hối… Bên cạnh đó, các TCTD đang hoạt động trong nền kinh thị trường, chịu tác động của yếu tố cạnh tranh, quy luật cung – cầu. Vì vậy, việc định giá vốn (lãi suất chính) ở mức nào là do thị trường chứ không phải ở bất kỳ TCTD nào đó.
Trong khi thị trường đang có sự xung đột quy định trần lãi suất thì vừa qua, tại hội thảo về một số quy định lãi suất của Bộ luật Dân sự 2015 do Bộ Tư pháp tổ chức, đại diện ngân hàng Techcombank cho biết, gần đây một số NHTM nhận được công văn phúc đáp của NHNN xác nhận có thể áp dụng lãi suất cho vay trên 20%/năm!?
Vì thế, để tạo cơ sở pháp lý thống nhất trong hoạt động cho vay, tránh tình trạng người dân, tổ chức cho vay mơ hồ, không rõ phải áp dụng luật nào cho đúng, giới luật sư cho rằng các cơ quan chức năng cần đưa ra một cách giải thích duy nhất.
Đề xuất các giải pháp xử lý các vướng mắc trong quy định về lãi suất, một số luật sư cho rằng, trước mắt các cơ quan chức năng như ủy ban Thường Vụ Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước… cần có các văn bản giải thích luật, cũng như ban hành các thông tư hướng dẫn để TCTD và doanh nghiệp có căn cứ thực hiện theo. Về lâu dài, cần hướng tới tự do hoá lãi suất.
Huyền Anh
—————
Thời báo Kinh doanh (Ngân hàng) 27-12-2016:
http://thoibaokinhdoanh.vn/Ngan-hang-5/Ap-tran-lai-suat-Ngan-hang-lung-tung-truoc–gio-G-28798.html
(135/1.119)