1.480. Tiền ảo nhưng quản lý phải thật

(DĐDN) – Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) khẳng định: dù các cơ quan chức năng vẫn lúng túng với việc xác định tiền ảo là gì, nhưng điều quan trọng là nó đã hiện hữu, đã được mua bán, giao dịch, thậm chí còn dùng để thanh toán thì vẫn cần phải được quản lý bằng pháp luật.

Theo ông Đức, Việt Nam đang rất thiếu các quy định pháp luật để điều chỉnh về tiền ảo, dẫn đến việc quản lý khó khăn. Người trong cuộc không biết mình làm đúng hay sai luật. Các cơ quan chức năng không biết phải làm thế nào khi khi có tranh chấp, lừa đảo xảy ra. Còn đi xa hơn nữa, thì có thể là chuyện kinh doanh ngoài vòng pháp luật, gây thất thu ngân sách hoặc trở thành công cụ cho trốn thuế, rửa tiền, hối lộ hay mua bán vũ khí.

– Vậy theo ông, bản chất của “tiền ảo” là gì?

Đúng là trước khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về tiền ảo, cần phải xác định tiền ảo và rộng hơn là tài sản ảo (kiểu như “vật phẩm ảo”, “đơn vị ảo” trong trò chơi điện tử) là gì. Ngay tên gọi tiền ảo, dù không phải là chính thức, nhưng cũng đã thể hiện rằng nó có gì đó giống với tiền, nhưng lại không phải là tiền.

Cũng cần phân biệt, tiền ảo chưa phải là tiền là tiền, là tiền không có thật, khác hoàn toàn với tiền điện từ, là thể một hiện trạng thái của đồng tiền thật. Nếu xác định tiền ảo là tài sản dưới dạng quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự thì không thể cấm việc giao dịch và sở hữu. Vấn đề đặt ra là tiền ảo được phép giao dịch và thanh toán đến đâu. Nếu nó chỉ dùng để thanh toán trong một nhóm hẹp theo sự quy ước thì chưa có vấn đề gì, nhưng nếu nó trở thành phương tiện thanh toán rộng rãi, thì lại lầ một vấn đề hoàn toàn khác, vì đã làm thay chức năng của đồng tiền thật.

Tổng giá trị vốn hóa toàn cầu của Bitcoin đã lên tới trên 10 tỷ USD.

Đó cũng chính là vấn đề mà nhiều cơ quan chức năng đang lúng túng. Hiện nay, nhiều loại tiền ảo đã được giao dịch khá nhiều trên mạng internet, song phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thì không công nhận đó là tiền, Bộ Công Thương thì chưa thừa thừa nhận đó là hàng hóa, còn Bộ Tư pháp thì chưa khẳng tiền ảo có phải là tài sản hay không. Chính vì vậy, chưa thể có quy định của pháp luật điều chỉnh về tiền ảo.

Và không chỉ ở Việt Nam, mà tiền ảo đang gây tranh cãi lớn trên toàn thế giới. Một số quốc gia đã chấp nhận giao dịch thanh toán bằng đồng tiền ảo là hợp pháp, được bảo vệ (như Bitcoin), song đa số quốc gia vẫn rất dè chừng và không chấp nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán. Ở Việt Nam, tiền ảo còn bị biến tướng thành trò lừa đảo hay kinh doanh đa cấp trái phép, khiến cả cơ quan quản lý lẫn người dân cảm thấy lo ngại.

– Nhưng liệu có thể coi tiền ảo là… tài sản ảo được không, thưa ông?

Tiền ảo nằm trong một khái niệm rộng hơn là tài sản ảo. Tuy nhiên, cả hai khái niệm tiền ảo và tài sản ảo chỉ đúng nếu coi đó không phải là trạng thái hiện vật có thể nhìn, sờ nắm được, chứ đều chưa thật sự đúng về khái niệm pháp lý. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, là bộ luật gốc quy định về tài sản, nếu đã không phải là tài sản thì mới là ảo, còn đã là tài sản thì dù thể hiện ở trạng thái nào, cũng vẫn là tài sản, vẫn là thật. Vì vậy, theo tôi, từ ngữ thì vẫn có thể gọi là tiền ảo, tài sản ảo, nhưng phải được hiểu và giải thích rằng, đó là một loại quyền tài sản, tức là một loại tài sản đặc biệt, kiểu như quyền đòi nợ trong pháp luật dân sự hay quyền mua cổ phần trong pháp luật chứng khoán. Có thể hình dung cũng giống như việc gọi là công ty ma, chỉ đúng khi nó hoàn toàn không có trên thực tế. Còn công ty lập ra nhằm mục đích mờ ám che dấu, gian dối, lừa đảo kiểu thoắt ẩn, thoắt hiện thì vẫn là công ty thật, không phải là công ty ma, nhưng nó giống như công ty ma.

– Nếu ta không coi tiền ảo là một phương tiện thanh toán thì làm sao phải đưa vào diện quản lý, thưa ông?

Như trên, đã nói, dù muốn hay không, tiền ảo cũng vẫn đang tồn tại và đang được xã hội thừa nhận. Vì vậy, nếu coi tiền ảo là một phương tiện thanh toán, thì phải quản lý nó như quản lý đồng tiền và phương tiện thanh toán. Còn nếu không thùa nhận nó là tiền, thì cũng vẫn phải đối xử với nó như một loại tài sản, chỉ có cần quản chặt hay lỏng. Chưa kể, cũng cần phải nghiên cứu sâu để xem bản chất, tác động, rủi ro của nó là gì thì mới có cách thức quản lý phù hợp. Ngoài ra, không thể loại trừ khả năng, tiền ảo rất có thể là một xu thế khó tránh trong cuộc cách mạng công nghệ số, được thế giới thừa nhận rộng rãi, trở thành một phương tiện thanh toán phổ biến. Đơn cử, đồng Bitcoin dù không được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công nhận, song trên thế giới, đã được nhiều quốc gia, tập đoàn danh tiếng trực tiếp hoặc gián tiếp chấp nhận. Tổng giá trị vốn hóa toàn cầu của Bitcoin đã lên tới trên 10 tỷ USD. Tuy nhiên, có thể coi đây là loại hàng hóa đặc biệt, được phép kinh doanh có điều kiện, phải chịu sự giám sát chặt chẽ.

Vì vậy, việc đưa ra hành lang pháp lý về tiền ảo để ngăn chặn các hành vi lợi dụng công nghệ để lừa đảo, đồng thời bảo đảm quyền tự do kinh doanh và quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người dân là rất cần thiết.

– Xin cảm ơn ông!

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp phối hợp cùng Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước và một số bộ, ngành liên quan xây dựng “Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài ản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”. Đến nay Ban soạn thảo Đề án đã đề xuất kế hoạch xây dựng Dự thảo Nghị định về tiền ảo (dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 12/2017) và Dự thảo Nghị định về tài sản ảo (dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 3/2018).

Nguyễn Hương thực hiện

———————————–

Diễn đàn Doanh nghiệp (Kinh doanh & Pháp luật) 20-01-2017:

http://enternews.vn/tien-ao-nhung-quan-ly-phai.html

(1.254/1.254)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.282. Bất cập thi hành án hành chính

(VTV1) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,614