1.490. ‘Ở Việt Nam, đầu tư BOT kiểu gì cũng lãi, chỉ dân nghèo là thiệt!’

(MTG) – Luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nêu thực tế, nhà đầu tư chỉ lo “đặt gạch” làm sao vào được dự án, còn vốn chủ yếu là nhà nước và các ngân hàng lo. Ở Việt Nam, đầu tư BOT kiểu gì cũng lãi. Cuối cùng, người dân nghèo bao giờ cũng phải thua thiệt nhiều nhất, bởi BOT sẽ tác động đến giá hàng hóa, dịch vụ…

 

Tài xế dùng tiền lẻ phản đối trạm BOT tại Văn Lâm – Hưng Yên

Hãy cho dân quyền lựa chọn!

Tại cuộc tọa đàm “Các dự án BOT – chính sách và giải pháp” vừa diễn ra, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia cao cấp về tài chính ngân hàng chia sẻ câu chuyện BOT ở Mỹ và cho biết quốc gia này tuyệt nhiên không có câu chuyện chống đối bằng tiền lẻ.

Theo ông Hiếu, ở Mỹ, thông thường cao tốc sẽ được miễn phí. Chỉ có một số địa phương xây dựng các tuyến đường BOT, nhưng trước các tuyến đường này thường có các biển cảnh báo rõ ràng: “Đây là tuyến đường có thu phí”. Người dân Mỹ có thể lựa chọn, họ có thể quay lại hoặc có thể đi tiếp. Trong trường hợp có cá nhân nào trốn phí thì cơ quan giám sát sẽ đưa ra hình phạt, cá nhân đó sẽ bị phạt 500 USD. Nếu cá nhân vi phạm không trả trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận thông báo thì cá nhân đó có thể bị cơ quan chức năng tước bằng lái xe hoặc bị khởi kiện ra tòa.

“Ở Việt Nam, theo tôi, chúng ta nên tiến đến cơ chế tương tự như vậy. Hãy để người dân họ có quyền lựa chọn đi hoặc không đi. Họ có quyền không đi, nhưng nếu như họ đi thì họ phải tuân thủ đúng pháp luật”, ông Hiếu nói và cho rằng không nên vẽ bức tranh màu xám về BOT.

Cũng theo vị này, rủi ro trong các dự án BOT bao gồm: rủi ro trong việc chọn nhà đầu tư, rủi hoàn thiện công trình, rủi ro tài chính cho chính phủ, rủi ro cho môi trường… Trong đó, rủi ro trong việc chọn lựa nhà thầu chính là một rủi ro lớn trong việc triển khai dự án BOT.

“Chủ đầu tư được lựa chọn qua quan hệ quen biết lợi ích nhóm, chủ đầu tư được lựa chọn trong thời gian ngắn, chủ đầu tư không có năng lực… sẽ tạo nên những rủi ro lớn cho các nhà đầu tư”, ông Hiếu nói và cho biết tại nhiều dự án BOT đã không thể lựa chọn được nhà thầu bởi chỉ có một nhà thầu tham dự.

“Thậm chí trong một số dự án BOT, có việc lựa chọn nhà đầu tư vô cùng mạo hiểm, bởi họ không có kinh nghiệm, không khả năng tài chính… dẫn đến các chủ đầu tư dự án với nhiều sai sót. Có một số chủ đầu tư còn bỏ dở dự án, điều này sẽ tạo ra ‘nợ xấu’ cho các ngân hàng”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tọa đàm về BOT

Đồng quan điểm, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết việc đầu tư BOT là rất tốt, nhưng quá trình thực hiện có những bất cập nên làm méo mó chủ trương.

Vị này nêu rằng, vì quy định các bên tham gia hợp đồng không được tiết lộ thông tin đã tiếp cận cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào (ngoại trừ nhân viên và cố vấn của bên đó hoặc Bộ GTVT, bên cho vay, trong phạm vi cá nhân hoặc tổ chức đó cần thiết phải yêu cầu được biết các thông tin đó để thực hiện nhiệm vụ) nên các thông tin về pháp lý, tài chính, thương mại, kỹ thuật, công nghệ và các thông tin khác đều không được công khai.

“Tôi cho rằng cái này trái với quy định của Nhà nước. Đã là hợp đồng kinh tế lại bí mật, như vậy nó ngược với Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về phản biện xã hội. Tức là không cho ai biết thì làm thế nào người ta giám sát được. Cho nên tôi cho rằng đây là nguồn gốc của những bất cập, mọi sự phát sinh từ đó”, ông Liên nói.

Ông Nguyễn Nam Cường, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Lào cũng nêu quan điểm rằng nhiều nhà đầu tư đang thực hiện dự án BOT theo hình thức “tay không bắt giặc”, bởi họ không cần kinh nghiệm, không cần quá nhiều vốn. Sau khi vào được dự án, hầu hết vốn sẽ đi vay, thực hiện thì thuê đơn vị thi công. Hiện nay có tình trạng khi thực hiện các dự án BOT, nhà đầu tư và cơ quan có thẩm quyền phớt lờ quyền lợi và ý kiến của nhân dân.

“Tại quốc lộ 5, có người nói rằng đưa con đi học xong đi ăn phở cũng 4 lần qua trạm cũng phải trả tiền BOT. Đây là điều vô lý mà chỉ có ở Việt Nam. Vậy nên, người dân phản ứng tại các trạm BOT Cai Lậy, quốc lộ 5 là đúng, bởi họ đã nộp phí bảo trì đường bộ và cũng không biết sẽ bị thu phí đến bao giờ”, ông Cường nói.

Làm BOT như “trấn lột”!

Phát biểu tại hội thảo, luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nêu thực tế, khi muốn thực hiện các dự án BOT, nhà đầu tư chỉ lo “đặt gạch” làm sao vào được dự án là xong. Còn vốn chủ yếu là nhà nước và các ngân hàng lo. Ví dụ như dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, chủ đầu tư chỉ phải lo hơn 10% vốn, còn lại là vay ngân hàng. Điều này làm méo mó nền kinh tế.

“Ở Việt Nam, đầu tư BOT kiểu gì cũng lãi. Cuối cùng người dân nghèo bao giờ cũng phải thua thiệt nhiều nhất, bởi BOT sẽ tác động đến hàng hóa, dịch vụ. Hiện nay, luật thoáng đến mức Bộ GTVT, tỉnh có thể ủy quyền cho UBND các quận, huyện ký hợp đồng BOT với chủ đầu tư có tổng mức đầu tư hàng trăm tỉ đồng. Sở dĩ có chuyện đó vì dự án BOT không có rủi ro về vốn gốc, vốn lãi nên chỉ cần ‘đặt gạch’ vào dự án là xong”, ông Đức nói.

Vị này cũng nêu quan điểm, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy Nhà nước chủ yếu chỉ định thầu. Nhiều người cho rằng phải đấu thầu mới khách quan nhưng ở các dự án BOT, nếu đấu thầu còn nguy hiểm hơn. “Bởi hiện nay ở nước ta khi đấu thầu xuất hiện toàn ‘quân xanh quân đỏ’. Lúc đó đấu thầu lại là biện pháp để người ta hợp thức hóa chỉ định thầu một cách êm xuôi”.

“Sau khi đã vào được dự án, nhà đầu tư lại tiếp tục chọn nhà thầu bằng phương pháp chỉ định. Họ đưa ra chi phí càng cao càng tốt để kéo dài thời gian thu phí. Thế nên mới có chuyện sau khi kiểm tra, các cơ quan chức năng đã giảm được hơn 100 năm thu phí ở các dự án PPP trên cả nước”, ông Đức nói.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng bất ổn trong các dự án BOT đó là người dân và các doanh nghiệp vận tải chính là hai “cổ đông” lớn nhất, thế nhưng “hai cổ đông” này lại bị chủ đầu tư và cơ quan nhà nước phớt lờ, không được tham vấn ý kiến.

“Rõ ràng khách hàng là thượng đế. Thượng đế gì mà bắt trả bao nhiêu phải trả bấy nhiêu. Rõ ràng trong hợp đồng BOT, rất nhiều cổ đông của BOT không được có ý kiến. Tôi cho rằng từ nay trở đi phải nên thay đổi. Vì thế mới có chuyện phản đối gay gắt tại các trạm BOT như thời gian qua”, ông Dũng nhấn mạnh.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu hàng loạt bất ổn của BOT

Bất ổn thứ hai ông Dũng nêu ra là thu phí BOT như kiểu trấn lột, người ta không đi trên đường BOT thì không thể thu phí. Đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác là không thể được, phải sửa ngay điều này. Trả 1 đồng thôi mà bất công người dân cũng không chịu, vì vậy phải dời trạm thu phí, không thể trấn lột người dân được

“Thêm nữa, việc các dự án đầu tư BOT giao thông chỉ cải tạo mặt đường quốc lộ nhưng thu phí bằng xây mới là điều phi lý vì những con đường đó là của người dân. Đi quốc lộ 5 nhưng lại trả phí cho cả cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nhiều tài xế, người dân đã bày tỏ sự bức xúc”, ông Dũng nói.

Vị này cho rằng phải xem xét lại tất cả các hợp đồng BOT. “Bởi anh nhân danh người dân, xã hội nhưng xã hội chưa được có ý kiến, các cổ đông liên quan trực tiếp chưa có ý kiến nên phải được xem xét lại. Khoản chi phí nào bất hợp lý phải được hủy bỏ”.

Ông Dũng cũng cho rằng không thể “cân điêu” cho người dân được. “Anh đặt trạm BOT ở đó, người dân sống xung quanh đó, nhưng không đi trên đường anh làm mà anh vẫn đặt trạm thu phí. Mỗi lần người ta đi qua, anh thu tiền của người ta, tức là anh đang ‘cân điêu’ cho người dân; chưa nói đến chuyện trạm thu phí khiến cuộc sống họ hết sức khó khăn, bất tiện. Do đó phải tính khác và phải miễn phí cho những người sống ở đó”.

Hoài Phong

———————————————-

Một Thế giới (Kinh tế) 10-9-2017:

http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/o-viet-nam-dau-tu-bot-kieu-gi-cung-lai-chi-dan-ngheo-la-thiet-71209.html

(426/1.748)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

435. Bình luận hội trường về sở hữu ngân hàng.

Bình luận hội trường về sở hữu ngân hàng. (Phát biểu tại Hội thảo...

Phỏng vấn 

4.403. Temu dừng bán, quyền lợi người dùng ra sao?

Temu dừng bán, quyền lợi người dùng ra sao? (HTV) - Theo thông báo từ Temu,...

Trích dẫn 

3.949. ‘Bù nhìn’ trong ngân hàng.

‘Bù nhìn’ trong ngân hàng. (NQT) - Thành viên hội đồng quản trị độc...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 234,008