Hình ảnh tại hội thảo (Ảnh: M.P)

Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban pháp chế  (VCCI) khẳng định, việc sửa đổi, điều chỉnh 5 luật thuế lần này sẽ có tác động đến hơn 30 nhóm chính sách khác nhau và nhiều ngành nghề khác nhau. Nó có thể tác động đến ngành ô tô, bất động sản, có thể tác động đến nước ngọt, đồ uống, thuốc lá, ngân hàng… Do diện tác động của đề án thuế rất lớn và đương nhiên nó sẽ tác động đến đông đảo người dân.

Đại diện Bộ Tài chính, ông Trương Bá Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho biết, hệ thống chính sách thuế ban hành thời gian qua cơ bản đã đạt mục tiêu, yêu cầu ban hành, tuy nhiên cần thiết phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, nhằm hoàn thiện chính sách thuế, cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước; phù hợp thông lệ quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên…

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, đối tượng sửa đổi lần này là những đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng như: Phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ; thay đổi thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số mặt hàng và ngành nghề; chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng.

Cùng với đó là điều chỉnh, bổ sung về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng nước ngọt; thay đổi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô có tỷ lệ nội địa hóa cao; thay đổi mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô bán tải…

Ngoài ra, có sự sửa đổi bổ sung về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; thu thuế đối với nhà thầu nước ngoài; chính sách về thu nhập được miễn thuế; miễn thuế thu nhập cá nhân cho một số đối tượng đặc biệt, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với nhân lực công nghệ cao. Đồng thời, điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên với 4 nhóm vấn đề như sửa đổi nội dung về thuế tài nguyên với nước sản xuất thủy điện, tài nguyên xuất khẩu…

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đã có góp ý cho đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, khi đưa ra đề xuất, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cần có giải trình, đánh giá tác động khi tăng hay giảm thuế, có thực sự đảm bảo tăng thu ngân sách và đảm bảo bền vững hay không…

Còn  theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, thuế GTGT là loại thuế gián thu, đánh vào người tiêu thụ, đặc biệt là người tiêu dùng cuối cùng, tuy nhiên vẫn ảnh hưởng tăng chi phí, giảm lợi nhuận trực tiếp đến doanh nghiệp nói riêng và nền sản xuất kinh doanh nói chung. Vì thế, các cơ quan soạn thảo cần giải quyết vấn đề thu đúng, thu đủ, công bằng để chống thất thu.

Luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị, không nên áp các mức thuế suất khác nhau, mà nên áp dụng thống nhất một mức thuế suất 10% để bảo đảm sự đơn giản, công bằng, thuận tiện trong việc áp dụng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đan xen nhau đồng thời cũng tránh việc lợi dụng trốn thuế, lách thuế.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp và một số hiệp hội cũng nêu ra kiến nghị đơn vị soạn thảo là Bộ Tài chính nên phối hợp với các đơn vị liên quan như: Bộ Y tế, Bộ Công Thương… để đưa ra những chính sách phù hợp nhất, tránh đánh nhầm thuế với một số mặt hàng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngoài việc sửa đổi 5 luật thuế, Bộ Tài chính nên tìm phương án để thống nhất các luật thuế bởi còn nhiều loại thuế khác chưa được xét sửa đổi trong lần này.

Sau khi nghe tất cả ý kiến của doanh nghiệp, đại diện hiệp hội và chuyên gia tại hội thảo, ông Trương Bá Tuấn khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu các ý kiến trực tiếp góp ý và ý kiến nêu thêm để hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ. Ông Tuấn cũng cho rằng, dự án luật có tác động, phạm vi ảnh hưởng lớn nên Bộ Tài chính phải đánh giá, phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu, thống nhất, giúp hoàn thiện dự án luật một cách tốt nhất, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và doanh nghiệp./.