(KTSG) – Cá nhân có nhu cầu vay vốn để kinh doanh, sản xuất quy mô gia đình, nếu đáp ứng các điều kiện, vẫn được vay vốn ngân hàng bình thường, không có chuyện hộ kinh doanh phải lên doanh nghiệp mới được vay vốn như lầm tưởng của nhiều người trong thời gian vừa qua.
Hộ kinh doanh vẫn được vay vốn ngân hàng với mục đích kinh doanh, sản xuất như bao lâu nay. Trong ảnh: tiểu thương tại chợ Phước Long, quận 7, TPHCM. Ảnh: Minh Tâm
Thông tin đăng tải trên trang web của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, thực hiện theo Bộ luật Dân sự 2015 về việc chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ gồm pháp nhân và cá nhân, khoản 3, điều 2 của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng (TCTD) là pháp nhân, cá nhân.
Điều đó có nghĩa, các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ gia đình, tổ hợp tác…) không đủ tư cách chủ thể vay vốn tại TCTD.
Trong trường hợp có nhu cầu vay vốn để phục vụ hoạt động kinh doanh, khách hàng cá nhân được vay để đáp ứng nhu cầu vốn của bản thân, của hộ kinh doanh hoặc cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ.
Trao đổi với TBKTSG Online, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại tại TPHCM vốn đã có nhiều gói tín dụng dành cho tiểu thương tại chợ cho biết, quy định của Thông tư 39 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành phân rõ đối tượng vay: cá nhân và pháp nhân. So với trước đây, quy định này không có gì khác biệt, chỉ là rõ ràng hơn về từ ngữ ghi trên giấy tờ.
“Từ trước đến giờ, chúng tôi cho tiểu thương ở chợ vay để kinh doanh thì luôn là cá nhân đứng tên, không phải hộ kinh doanh hay tổ chức. Vì hộ, tổ chức là tên ảo, ràng buộc trách nhiệm phải là một người cụ thể”, vị này nói.
Theo vị này, các cá nhân kinh doanh vẫn được vay vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tùy giá trị của khoản vay mà tài sản đảm bảo khác nhau. Chẳng hạn, tiểu thương kinh doanh tại chợ, có thể vay vài trăm triệu đồng và đảm bảo bằng quyền khai thác sạp. Có những chợ mà giá trị của sạp lên đến vài tỉ đồng kiểu như chợ Bến Thành thì giá trị khoản vay sẽ cao hơn. Khi giá trị khoản vay lên vài tỉ đồng thì tài sản đảm bảo còn là bất động sản.
Còn về lãi suất, theo vị này, đây là quan hệ kinh tế giữa hai bên cho vay và nhận vay. Không phải cứ doanh nghiệp thì lãi suất thấp hơn cá nhân. Mức lãi suất nào còn tùy vào các chương trình riêng lẻ của ngân hàng theo từng giai đoạn, nhu cầu thị trường, mức độ rủi ro hay giá trị khoản vay.
Chị Hoàng Thị Vân, chủ một cơ sở sản xuất đá nữ trang tại quận 12, TPHCM cho biết, cách đây một năm, chị từng vay 100 triệu đồng tại một ngân hàng cho mục đích sản xuất.
Chị Vân cho biết khoản vay này được ngân hàng ghi tên chị vay, không phải là hộ gia đình. Mức lãi suất cho mục đích sản xuất thấp hơn mục đích kinh doanh và càng thấp hơn tiêu dùng. Khoản vay này phải được thế chấp bằng tài sản đảm bảo là ngôi nhà chị đang sở hữu.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, cho biết Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước bỏ “hộ gia đình” là hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015, văn bản quy định chỉ có hai loại chủ thể pháp lý giao dịch là cá nhân và pháp nhân, không có chủ thể khác. Việc này chỉ thay đổi hình thức là tên gọi, còn bản chất thì vẫn cơ bản như cũ. Theo đó, hộ gia đình vẫn được giao dịch nhưng với tư cách của một hoặc một số cá nhân chứ chủ hộ không còn đương nhiên đại diện cho hộ như trước đây.
Tuy nhiên, theo ông Đức, cơ quan quản lý cũng cần có giải thích, hướng dẫn cụ thể để tránh hiểu sai, không thống nhất và lo lắng với người kinh doanh.
Đề xuất của ông Đức là hộ gia đình thì không được ghi vào hợp đồng tín dụng, vì là chủ thể không được xác định rõ ràng về pháp lý. Nhưng hộ kinh doanh thì vẫn nên ghi như cũ vì rất giống như doanh nghiệp tư nhân, cũng không được quy định trong Bộ luật Dân sự và quy chế cho vay trước đây song vẫn giao dịch bình thường. Nguyên nhân là doanh nghiệp tư nhân được quy định trong Luật Doanh nghiệp và có giấy chứng nhận kinh doanh và chủ doanh nghiệp tư nhân luôn là người đại diện theo pháp luật.
“Nếu hộ kinh doanh chỉ có một người thì xử lý như cũ vì cá nhân và hộ trùng khớp nhau, tương tự như doanh nghiệp tư nhân. Nếu hộ kinh doanh có hai thành viên trở lên cần xử lý khác. Đó là các thành viên của hộ kinh doanh phải cùng ký hoặc ủy quyền ký hợp đồng”, ông Đức lưu ý dưới góc độ pháp lý, thủ tục.
Trước đó, một số tờ báo thông tin, từ ngày 15-3, hộ gia đình không còn được vay vốn ngân hàng để kinh doanh. Muốn vay vốn phải thành lập doanh nghiệp. Thông tin này khiến nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ, người kinh doanh nhỏ lẻ tại gia lo lắng.
Lâu nay, những người kinh doanh tại chợ hay chủ cơ sở sản xuất tại gia vẫn có thể vay vốn từ ngân hàng cho mục đích kinh doanh, sản xuất, không phải tiêu dùng miễn là đáp ứng các điều kiện từ tổ chức tín dụng.
Chẳng hạn, Sacombank có chương trình cho tiểu thương ở chợ vay. Chương trình này thường được kết hợp với ban quản lý chợ để tổ chức này hỗ trợ việc thu nợ cũng như cập nhật tình hình hoạt động của các sạp.
Minh Tâm
——————–
Thời bào Kinh tế Sài Gòn (Thương mại – Dịch vụ) 13-02-2017:
http://www.thesaigontimes.vn/156837/Khong-co-chuyen-phai-len-doanh-nghiep-moi-duoc-vay.html
(323/1.123)