1.522. Sòng phẳng quan hệ vay vốn và tính lãi suất

(QĐND) – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (Thông tư 39) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3, trong đó có những quy định rất mới là: Bỏ trần lãi suất (trần lãi suất chỉ áp dụng với các khoản vay ngắn hạn thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên); quy định chủ thể vay vốn chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân… Với những quy định trên, việc vay vốn sẽ thực hiện theo cơ chế thị trường, bảo đảm lợi ích của bên vay và bên cho vay.

Rõ ràng về pháp nhân

Thông tư 39 có nhiều điểm mới như: Chủ thể vay vốn chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân; bỏ điều kiện về tài sản bảo đảm tiền vay; không giới hạn mục đích vay vốn; thay đổi căn cứ tính thời hạn khoản vay từ tháng sang năm; thay đổi cách tính thời hạn cho vay; trần lãi suất chỉ áp dụng với các khoản vay ngắn hạn thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên… Trong đó có hai nội dung được quan tâm là chủ thể vay vốn là tổ chức tín dụng (TCTD) và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay. Thông tư 39 đã điều chỉnh làm rõ thuật ngữ, khái niệm nhằm xác định lại đối tượng vay vốn ngân hàng gồm pháp nhân và cá nhân đồng nhất theo Bộ luật Dân sự năm 2015. Ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN khẳng định, quy định về chủ thể tham gia quan hệ dân sự (bao gồm cả hợp đồng vay vốn) chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân đã được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Quy định về khách hàng vay vốn tại Thông tư 39 là thực hiện quy định đã có hiệu lực của Bộ luật Dân sự 2015. Hiện nay, nhiều người đang hiểu nhầm rằng hơn 5 triệu hộ kinh doanh nếu không chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Trên thực tế, các chủ hộ kinh doanh vẫn tiếp cận được vốn vay, tuy nhiên phải vay với tư cách cá nhân.

Nhân viên Ngân hàng TMCP Quân đội đang tư vấn cho khách hàng. 

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam-VNBA) cho rằng, theo Bộ luật Dân sự cũ quy định rất nhiều các loại chủ thể giao dịch ngoài cá nhân, pháp nhân thì còn có hộ gia đình, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân. Hiện tại, Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ thừa nhận hai chủ thể là cá nhân và pháp nhân. Nói như vậy không có nghĩa những đối tượng trên biến mất mà vẫn được ghi nhận ở trong Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã. Chúng ta vẫn phải thừa nhận đấy là các thực thể được Nhà nước công nhận. Trước đây, đối với hộ gia đình hay hộ kinh doanh, có thể chỉ cần chủ hộ gia đình hoặc chủ hộ kinh doanh đại diện hộ ký hợp đồng với ngân hàng. Nhưng theo quy định mới, nếu hộ gia đình hay hộ kinh doanh có một thành viên thì chỉ cần một người duy nhất ký hợp đồng với ngân hàng. Còn nếu hộ đó có 3 hay 5 thành viên thì tất cả các thành viên đều phải ký. Hoặc một người đứng tên đến ký hợp đồng với ngân hàng và những người khác có giấy ủy quyền cho người đó ký. Đồng thời trách nhiệm hoàn trả vốn vay là của cá nhân vay vốn. Việc vay vốn của cá nhân không ràng buộc trách nhiệm của hộ kinh doanh. Những thay đổi này là để chuẩn hóa về mặt pháp lý cho đúng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và sự phù hợp với thông lệ quốc tế. Bản chất về giao dịch, lợi ích của các bên nói chung không bị ảnh hưởng.

Bảo đảm lợi ích của các bên

Ông Đoàn Thái Sơn nhận định, việc các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục ký hợp đồng cho vay với hộ kinh doanh và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân sẽ tiềm ẩn rủi ro cho vay vì có thể bị tuyên vô hiệu hợp đồng do bên vay không đủ tư cách chủ thể. Do đó, việc quy định chủ thể giam gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân là cần thiết. Luật sư Trương Thanh Đức cũng khẳng định, trước đây quy định giao dịch giữa ngân hàng với khách hàng chưa rõ ràng khiến cho ngân hàng dễ gặp rủi ro. Với những người đi vay gian dối thì khi xảy ra vấn đề sẽ để lại hậu quả mà bên cho vay phải hứng chịu. Thông tư 39 đã phân biệt rõ ràng bản chất quan hệ vay vốn, đó là trách nhiệm của khách hàng với ngân hàng. Đồng thời, TCTD và khách hàng tự thỏa thuận về thứ tự thu nợ gốc, lãi tiền vay. Riêng đối với khoản nợ vay bị quá hạn trả nợ, TCTD thực hiện theo thứ tự nợ gốc thu trước, nợ lãi tiền vay thu sau.

Thông tư 39 không có bất kỳ quy định nào buộc hộ kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp để vay vốn. Đối với hồ sơ, giấy tờ ghi hộ kinh doanh, hộ gia đình đang vay vốn tại ngân hàng hiện nay sẽ được chuyển tiếp cho phép tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày thông tư có hiệu lực. Theo luật sư Trương Thanh Đức, quy định từ trước đến nay của ngân hàng chỉ có hai hình thức vay chính là cho vay kinh doanh và cho vay tiêu dùng. Với doanh nghiệp thường là cho vay kinh doanh, còn cá nhân thì có thể là kinh doanh hoặc tiêu dùng. Nếu như hộ cá nhân kinh doanh thì đương nhiên vẫn thực hiện theo những quy định về điều kiện kinh doanh thông thường như: Uy tín, về khả năng trả nợ, tài sản bảo đảm… do đó sẽ không ảnh hưởng gì đến lãi suất, hay khả năng vay vốn của đối tượng khách hàng.

Đối với vấn đề trần lãi suất, đại diện một số ngân hàng thương mại (NHTM) nhận định, việc NHNN quy định rõ một số lĩnh vực các NHTM có thể áp dụng lãi suất thỏa thuận sẽ gỡ khó cho cả bên cho vay lẫn bên đi vay. Việc tự thỏa thuận lãi suất sẽ đạt được mục đích tuân theo quy luật thị trường, thuận mua-vừa bán trong một nền kinh tế cạnh tranh. Lãi suất cho vay dù có bỏ trần cũng không thể nào quá cao được vì các NHTM đang phải cạnh tranh rất gay gắt trong nền kinh tế thị trường. Đồng thời, trong Thông tư 39, NHNN quy định rõ nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Theo đó, lãi suất vay do TCTD quyết định tùy thuộc vào mục đích vay vốn (kinh doanh hay tiêu dùng), thời hạn vay, mức độ rủi ro, tính khả thi của phương án vay vốn, chi phí đầu vào của từng TCTD; thông thường không phụ thuộc vào tư cách vay vốn là hộ kinh doanh hay cá nhân.

Bài và ảnh: HOÀNG TRƯỜNG GIANG

—————–

Quân đội Nhân dân (Kinh tế) 17-02-2017:

http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/song-phang-quan-he-vay-von-va-tinh-lai-suat-499958

(416/1.338)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.911. Cuộc chiến chống buôn lậu cuối năm.

Cuộc chiến chống buôn lậu cuối nă (VH) - Ở thời điểm này, khi...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,136