(DT) – Xung quanh cuộc tranh luận nảy lửa và chưa đến hồi kết về những khuất tất hậu quá trình cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều đánh giá đáng suy nghĩ.
Theo ông Cung, cái quan trọng là phải định hình được cổ đông chiến lược là gì, không phải ai đến cũng là chiến lược. Không phải cổ đông chiến lược thì đừng bán. Đúng cổ đông chiến lược là khi họ mang đến giá trị gia tăng cho Hãng phim truyện Việt Nam.
Khái niệm cổ đông chiến lược đang bị hiểu sai
“Cái cần từ cổ đông chiến lược không chỉ là vốn mà là năng lực mềm để phát triển. Ít nhất cổ đông chiến lược cũng phải là nhà phát hành phim hay liên quan đến nghệ thuật. Công ty đường thủy được chọn làm cổ đông chiến lược, dư luận khó chấp nhận là đương nhiên”, TS Cung khẳng định.
Hãng phim truyện Việt Nam – VFS (tiền thân là xưởng phim Hà Nội) được thành lập từ năm 1959, sau nhiều lần đổi tên, đến năm 2001 đơn vị này được đổi tên là Hãng phim Việt Nam. Quá trình cổ phần cổ phần hóa VFS diễn ra từ tháng 4/2016. Tháng 6/2016, Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) hoàn tất quá trình mua lại VFS với 65% cổ phần, cổ phần Nhà nước giữ lại 20%, còn lại thuộc cổ phần của cán bộ nhân viên và cá nhân khác.
Tuy nhiên, gần đây những tranh cãi nổ ra khi các nghệ sĩ, diễn viên gạo cội của VFS gửi kiến nghị cho rằng: Mức lương và thu nhập của họ không xứng đáng, thậm chí nhiều cán bộ của VFS đã không được trả lương. Từ đây những hoài nghi của xã hội về kẽ hở của cổ phần hóa mới lộ ra.
Được biết, trước cổ phần hóa VFS được định giá tài sản chỉ 20 tỷ đồng, thương hiệu của hãng là 0 đồng. Trong khi đó, VFS đang được Hà Nội giao quyền quản lý 4 khu đất vàng trị giá hàng nghìn tỷ đồng để phục vụ mục đích chính: phát triển phim truyện. Về mặt luật pháp, các khu đất này VFS chỉ quyền sử dụng (tức là Hà Nội cho VFS cho thuê từ nhiều năm trước) chứ không giao quyền sở hữu, chuyển đổi mục đích sử dụng, do đó không được kê khai vào giá trị của doanh nghiệp (DN).
Tuy nhiên, nhiều văn nghệ sĩ đang làm việc tại hãng phim cho rằng: Mảnh đất ở bến thủy phi cơ (hướng ra Hồ Tây) đã được Hà Nội đã giao quyền sử dụng lâu dài cho VFS; các khu đất vàng khác, như ở đầu đường Thụy Khuê vẫn đang được cho thuê lại và có lợi nhuận. Quá trình nắm VFS, chủ đầu tư cũng biết việc này.
Hãng phim phát triển tại sao đời sống cán bộ đi xuống?
Hiện những khu đất vàng hàng nghìn tỷ đồng bị bỏ ngoài sổ sách định giá là điều mà nhiều người nghi ngại, cho rằng đối tác chiến lược của VFS nhắm đến trước mắt là thu lợi, sau đó là quyền sử dụng. Bên cạnh đó, những lo lắng tương lai có thể cổ đông chiến lược xin chuyển đổi khu đất này, nếu không vừa xây nơi sản xuất phim nhưng lồng ghép hạ tầng phục vụ kinh doanh.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI: Các khu đất vàng của VFS thực tế không thuộc quyền sở hữu của hãng phim, do đó không đưa vào giá trị sổ sách và giá xác định trị giá DN là đúng luật. Tuy nhiên, điều này tạo kẽ hở cho các DN được sử dụng đất với giá rẻ và những cơ hội khác trong tương lai.
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Đình Cung phân tích sâu hơn: Về đất, Nhà nước chưa bán, mới chỉ giao quyền và cho thuê để làm phim chứ không phải làm việc khác. Hơn ai hết, VFS và đối tác phải phân biệt rõ là Nhà nước cho thuê vì mục đích là phát triển hãng phim chứ không phải xây nhà cao tầng hay xây siêu thị cho nên anh sử dụng ngoài mục đích đó là sai.
Ông Cung nói: Nếu sử dụng vào mục đích khác phải được cơ quan quản lý Nhà nước về đất cho phép và phải được định giá lại cái tài sản này. “Nếu địa tô thu được về cho Nhà nước thì không sao nhưng nếu để ngoài ngân sách, các bên liên quan sẽ chia nhau khoản địa tô. Có lẽ đây là chỗ mà nhiều người cho rằng, VFS hấp dẫn nhà đầu tư và nếu nhà đầu tư chỉ nhìn nhận như thế này không phải nhà đầu tư nghiêm túc. Cái tôi phê phán ở đây chủ yếu là quản lý đất đai lỏng lẻo. Là miếng đất màu mỡ cho sân trước sân sau, thất thoát tài sản nằm ở đấy”, TS Cung nói.
Đối với việc thương hiệu VFS bị định giá là 0 đồng khi cổ phần hoá, ông Cung cho rằng: Thương hiệu có nhiều khái niệm, quy định, nó đánh giá tương lai tạo ra cái gì chứ không phải quá khứ họ làm gì.
“Mua là mua tương lai của VFS và phát triển VFS, việc phát triển hãng phim và đảm bảo đời sống cho văn nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên tuy là hai việc khác nhau, nhưng là yêu cầu quá trình phát triển. Người ta không yêu cầu anh chu cấp đảm bảo đời sống cho cán bộ nhân viên, nhưng họ yêu cầu anh phát triển hãng phim. Nếu hãng phim phát triển thì cớ làm sao đời sống cán bộ nhân viên và nghệ sĩ đi xuống?”, TS Cung đặt câu hỏi.
Nguyễn Tuyền
——————
Dân trí (Kinh doanh) 24-9-2017:
(70/1.073)