(PL) – Nếu sau khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, chủ đầu tư trả được nợ thì tòa sẽ ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục này.
Đầu tháng 3-2017, TAND TP.HCM ra quyết định mở thủ tục thông báo phá sản với Công ty CP Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC Land), chủ đầu tư dự án PetroVietnam Landmark (quận 2, TP.HCM), theo đơn yêu cầu của bà Trần Thị Châu Giang (ngụ quận 3). Bà Giang là khách hàng mua căn hộ tại dự án và cũng đã có đơn kiện đòi bồi thường do chủ đầu tư bàn giao nhà chậm trễ trong khi bà đã nộp đủ tiền.
Trong quyết định, tòa cho rằng có chứng cứ chứng minh công ty mất khả năng thanh toán.
Động thái trên của tòa đã khiến hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án này như bà Giang “ngồi trên đống lửa” vì nguy cơ mất nhà.
Khách hàng ôm nhiều rủi ro
Chị Trần Thị Lan, đại diện một số cư dân mua nhà ở dự án, cho biết: “Theo hợp đồng, nhà sẽ được bàn giao vào tháng 12-2011, giờ đã hơn năm năm vẫn chưa được giao nhà. Trong khi đó, thời điểm đó chúng tôi vay ngân hàng với lãi suất 28%/năm và hiện đã thanh toán hơn 90% giá trị căn hộ. Nay xảy ra sự cố này, chúng tôi không biết phải làm sao…”.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, cho rằng: “Một khi doanh nghiệp bị phá sản thì khách hàng chẳng có quyền ưu tiên gì cả. Nợ khách hàng cũng giống như nợ thuế, nợ ngân hàng, nợ chủ thầu… Thậm chí nợ khách hàng còn rủi ro hơn nhiều do bất động sản thường được chủ đầu tư thế chấp hết cho ngân hàng. Trong khi đó, khách hàng là đối tượng không có quyền sở hữu, không có quyền ưu tiên, không có quyền bảo đảm (không có chứng thư bảo lãnh)”.
“Để dự án này đi đến nước phá sản thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Nó không chỉ ảnh hưởng đến người dân của dự án đó mà còn ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, những người mua nhà khác chắc cũng run lẩy bẩy” – luật sư Đức nhận định.
Khu dự án PetroVietnam Landmark (quận 2, TP.HCM). (Ảnh chụp ngày 3-3) Ảnh: HTD
Nếu trả nợ thì đình chỉ việc mở phá sản
Ngày 3-3, phía TAND TP.HCM cho hay trước đó tòa đã gửi thông báo đến công ty nhưng hai bên không thỏa thuận được nên tòa đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty. Nếu sau khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, PVC Land trả được nợ cho bà Châu Giang thì tòa sẽ ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục này.
Trước vấn đề vì yêu cầu của một người (bà Châu Giang) mà dẫn đến khả năng ảnh hưởng quyền lợi của 400 khách hàng khác của dự án, một lãnh đạo Tòa Kinh tế TAND TP.HCM cho biết: “Vấn đề này cũng cần xem xét, suy nghĩ. Theo Luật Phá sản, chủ nợ không có tài sản bảo đảm có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản”.
ThS Từ Thanh Thảo (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) cho việc tuyên bố phá sản của tòa án sẽ được thực hiện trước thủ tục thanh lý tài sản. Sau khi mở thủ tục phá sản, tòa sẽ xác định nghĩa vụ về tài sản và các biện pháp bảo toàn tài sản theo quy định…
Cũng trong chiều 3-3, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận 2 Tạ Đức Ngăn cho biết: “Trước đó, bà Châu Giang đã được tòa tuyên thắng kiện trong một vụ án đòi PVC Land khoản tiền đã góp… Để đảm bảo cho khoản nợ của bà Châu Giang, Chi cục đã phong tỏa hơn 15.000 m2 dự án. Chúng tôi cũng vừa nhận được văn bản của TAND TP.HCM về việc mở thủ tục phá sản đối với PVC Land. Chúng tôi đang xác minh, nếu đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì tiến tới đình chỉ việc thi hành bản án để thực hiện theo Luật Phá sản”.
Nhiều lần tìm cách gỡ vướng cho doanh nghiệp Sở Xây dựng cũng nhận được phản ánh của cư dân mua căn hộ tại dự án Petro Landmark và cũng đã nhiều lần có văn bản báo cáo TP về trường hợp này. Cuối năm 2016, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cũng đã có cuộc họp với các sở, ngành để giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại dự án. Theo đó, TP cũng đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan kiểm tra tiến độ dự án đồng thời xem xét những đề xuất của chủ đầu tư để có hướng gỡ cho doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà. Về phía Ngân hàng Liên Việt, đơn vị cho chủ đầu tư dự án vay tiền cũng đồng ý có cơ chế giảm lãi suất và khoanh nợ. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư cũng không có bất cứ động thái nào. Về việc chậm triển khai dự án, Sở Xây dựng và UBND quận 2 cũng đã nhiều lần kiểm tra và nhắc nhở chủ đầu tư. Tuy nhiên, với những cam kết của mình, chủ đầu tư liên tục xin gia hạn. Liên quan đến những bức xúc của người dân đã mua dự án thì hiện nay tranh chấp giữa người mua nhà và chủ đầu tư là quan hệ dân sự nên khi xảy ra tranh chấp thì người dân có thể kiện ra tòa. Được biết, trước đó một số trường hợp cũng đã kiện chủ đầu tư ra TAND quận 2. Tòa cũng đã có bản án và có quyết định thi hành án. Bà Vũ Thị Khuyên, Phó phòng Phát triển nhà VIỆT HOA ghi “Phá sản làm sao được” Hiện tôi không có thông tin gì mới. Tuy nhiên, tôi sẽ sắp xếp sang tuần có cuộc hẹn với các khách hàng để cùng tìm hướng giải quyết tốt nhất. Chúng tôi cũng đang cố gắng hết sức để bàn giao nhà hết cho cư dân tại dự án vào cuối năm nay. Bà Trần Thị Châu Giang là một đối tác nhỏ với Petro Landmark. Có thể có điều gì đó chưa tốt nên mâu thuẫn đã bị đẩy lên cao. Chúng tôi sẽ tìm cách giải tỏa mâu thuẫn. Hơn nữa, PVC Land phá sản làm sao được, bởi nếu phá sản sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến quyền lợi của người dân. Có ai thấy sắp chết mà lại không cứu bao giờ! Ông LƯƠNG ĐÌNH THÀNH, Giám đốc Công ty CP Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC Land) |
THÙY LINH – PHƯƠNG LOAN
—————
Pháp luật TP HCM (Đô thị) 04-3-2017:
http://plo.vn/do-thi/quan-ly-nha-dat/khach-ngoi-tren-lua-vi-du-an-nha-bi-doi-pha-san-686553.html
(157/1.225)