(TT) – Trong trường hợp nào người dân cần khai báo, chứng minh nguồn gốc số ngoại tệ mà mình có?
Khi tiến hành vận chuyển, giao dịch, thanh toán bằng ngoại tệ cần tuân thủ một số quy định |
Đang vận chuyển số lượng lớn ngoại tệ thì ông Trương Văn Thạch (H.Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe kiểm tra. Do ông Thạch trình bày không rõ ràng về số ngoại tệ này nên vụ việc được chuyển cho cơ quan công an.
Sau khi xác minh làm rõ, nhận thấy việc vận chuyển ngoại tệ của ông Thạch không sai quy định nên cơ quan công an đã trả lại tiền cho ông Thạch.
Sự việc này làm nảy sinh những câu hỏi pháp lý quanh việc có quy định nào hạn chế việc sở hữu ngoại tệ của người dân hay không?
Được quyền sở hữu không giới hạn
Nguyên thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm cho biết với chủ trương chống đô la hóa, người dân được khuyến khích gửi ngoại tệ vào ngân hàng.
Tuy nhiên, nếu người dân muốn tự giữ thì cũng không có quy định nào khống chế số lượng ngoại tệ mà người dân có.
Cụ thể, TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho biết xét về bản chất thì ngoại tệ được xem là tiền và là tài sản theo quy định tại khoản 1, điều 105, Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015) nên cá nhân hoàn toàn không bị hạn chế về sở hữu ngoại tệ. Khi sở hữu tài sản thì cá nhân không có trách nhiệm phải chứng minh nguồn gốc của ngoại tệ.
“Việc người dân sở hữu ngoại tệ là được pháp luật cho phép và bảo vệ, bất kỳ ai cũng không được quyền xâm phạm”, LS Thế Trạch nói.
Có cùng quan điểm, LS Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết tiền nói chung và ngoại tệ nói riêng là một loại tài sản và giống như mọi tài sản khác, không có quy định nào yêu cầu người dân phải chứng minh nguồn gốc, kê khai số lượng…, trừ trường hợp phải kê khai khi mang quá 5.000 đô la Mỹ qua cửa khẩu.
Không cần chứng minh nguồn gốc
Theo quy định tại khoản 2, điều 106, BLDS 2015, người dân khi sở hữu ngoại tệ không phải thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu ngoại tệ và chỉ phải tiến hành kê khai khi thuộc các trường hợp quy định tại điều 9, pháp lệnh ngoại hối năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2013.
“Trong trường hợp bị thu giữ thì người sở hữu hợp pháp ngoại tệ không có trách nhiệm chứng minh nguồn gốc ngoại tệ, nếu cơ quan có thẩm quyền cho rằng đây không phải là số tiền hợp pháp thì cơ quan có thẩm quyền cần phải có trách nhiệm chứng minh vấn đề này”, LS Thế Trạch nói.
LS Đức chia sẻ thêm nếu người nào giao dịch ngoại tệ bất hợp pháp thì mới bị xử lý. Còn lại, người dân có quyền sở hữu, thừa kế, tặng cho, cất giữ, góp vốn, mang theo người và giao dịch với ngân hàng mà không phải chịu bất kỳ sự kiểm tra nào theo quy định của pháp luật.
“Nếu chỉ là mang theo bên người, vận chuyển, giao dịch hợp pháp thì không có lý do gì để kiểm tra, thu giữ, niêm phong và yêu cầu người dân phải chứng minh mới được trả lại.
Thậm chí, kể cả việc trước đây người dân đã mua ngoại tệ ở chợ đen, nhưng đã hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính thì cũng không được phép xử phạt”, LS Trương Thanh Đức chia sẻ thêm.
Khi nào bị hạn chế giao dịch?
Theo TS Nguyễn Hữu Thế Trạch, căn cứ theo quy định tại điều 22, pháp lệnh ngoại hối, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận của người cư trú, người không cư trú) không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đối với việc xuất nhập cảnh, cá nhân xuất nhập cảnh bằng hộ chiếu được phép mang tối đa 5.000 đôla Mỹ hoặc các ngoại tệ khác quy đổi tương đương 15 triệu đồng. Nếu mang trên mức này thì phải khai báo với hải quan theo quy định tại điều 9, Pháp lệnh ngoại hối và khoản 1, điều 2 thông tư số 15/2011/TT-NHNN,
Mức phạt tiền đối với hành vi chuyển, mang ngoại tệ, đồng Việt Nam ra nước ngoài, vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật, trừ các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan là 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng, đồng thời bị tịch thu số ngoại tệ.
Ngoài ra, tùy theo mức độ hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.
VÕ HƯƠNG – AN NHIÊN
—————
Tuổi trẻ (Bạn đọc) 08-3-2017:
(212/936)