1.577. 9 tỷ đồng ‘bỗng dưng bốc hơi’, luật sư nói gì?

(Zing) – Luật sư ngạc nhiên với sản phẩm có tên “chứng chỉ bảo lãnh” mà nguyên trưởng phòng giao dịch số 14, NCB thông báo để chào mức lãi suất cao vọt cho khách hàng Nguyễn Bạch Mai.

Khách hàng Nguyễn Bạch Mai cho biết vẫn chưa nhận được phản hồi từ ngân hàng. Bà Mai chia sẻ hiện tại bà đang ốm, không dậy được sau cú sốc ” 9 tỷ đồng không cánh mà bay”.

Trong khi đó, ngày 27/3, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đã có buổi làm việc với cơ quan chức năng liên quan đến vụ việc trên.

Ngân hàng khẳng định rất tin tưởng vụ việc sẽ được giải quyết thấu đáo theo quy định của pháp luật. Căn cứ kết luận chính thức của các cơ quan chức năng, ngân hàng cam kết thực hiện mọi nghĩa vụ của mình, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của bà Nguyễn Bạch Mai.

3 lần triệu tập, cán bộ cũ không đến

Sau khi nhận được khiếu nại của bà Nguyễn Bạch Mai, NCB cho biết từ ngày 2/2 đến nay, ngân hàng đã 3 lần gửi giấy mời bà Nguyễn Thị Thu Hà – nguyên Trưởng PGD số 14, đến trụ sở để làm rõ nội dung nhưng bà Hà không có mặt với lý do cá nhân, bận công tác.

Ngày 2/2/2017, khi nhận được thông tin, ngân hàng cử cán bộ xuống nhận đơn khiếu nại tại nhà riêng, lưu trữ các chứng từ liên quan đến giao dịch của bà Mai, gửi thông báo làm việc với bà Nguyễn Thị Thu Hà. Kết quả cho thấy toàn bộ hoạt động giao dịch gửi tiền gồm gửi vào, rút ra đều thực hiện đúng quy trình, có đầy đủ chữ ký của bà Mai tại các chứng từ giao dịch.

Tuy nhiên, các chứng từ giao dịch gồm bảng kê tiền gửi có đóng dấu ngân hàng giữa hai bà Mai – Hà là các chứng từ không có trong sản phẩm và biểu mẫu của NCB. Việc đóng dấu được thực hiện trong khoảng thời gian kiểm soát viên ngân hàng đi ra ngoài, bàn giao con dấu cho trưởng đơn vị.

Giấy cam kết trả tiền viết tay được cho là của bà Nguyễn Thị Thu Hà. Ảnh: NVCC.

Đến ngày 13/2/2017, ngân hàng mời khách hàng lên trụ sở làm việc. Bà Nguyễn Bạch Mai liên tục khẳng định NCB cần có trách nhiệm trong vụ việc này vì có xuất hiện con dấu của ngân hàng trên bảng kê giao dịch giữa bà Hà – Mai.

Trong khi đó, NCB lại khẳng định chứng từ giao dịch giữa bà Hà và bà Mai không theo biểu mẫu sản phẩm của ngân hàng. Ngân hàng có đủ số liệu, chứng từ giao dịch của bà Mai trong thời gian từ 2012 đến nay.

NCB cho hay bà Hà đã tự ý đóng dấu trên bảng kê tiền gửi trong thời gian người giữ con dấu ra ngoài và bàn giao lại dấu cho bà Hà quản lý. Ngân hàng cho rằng số tiền gần 9 tỷ là giao dịch cá nhân, không liên quan đến NCB và cán bộ nhân viên ngân hàng.

Theo bảng kê gửi cơ quan chức năng, 17 giao dịch gửi, rút tiền của bà Mai tại NCB được hạch toán từ thời điểm 30/10/2012 đến ngày 5/12/2014. Còn với bảng kê bà Mai cung cấp cho NCB có con dấu của ngân hàng liên quan đến sản phẩm lãi suất 13%/năm như bà Hà áp dụng, ngân hàng cho hay không có sản phẩm bảo lãnh này.

Mất 9 tỷ trong ngân hàng còn nguy hiểm hơn bị mất trộm

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, rất ngạc nhiên với sản phẩm có tên “chứng chỉ bảo lãnh” mà nguyên trưởng PGD 14, NCB thông báo để chào mức lãi suất 13%/năm cho khách hàng Nguyễn Bạch Mai.

Ông Đức thông tin thông thường các ngân hàng sẽ không cần gửi đăng ký hay thông báo khi triển khai các gói gửi tiết kiệm hay sản phẩm tiết kiệm lên cơ quan chức năng. Tuy nhiên, liên quan đến phát hành chứng chỉ, trái phiếu, ngân hàng cần có xin phép.

Trong trường hợp vụ việc gần 9 tỷ “bỗng dưng biến mất”, ông cho rằng sản phẩm có tên “chứng chỉ bảo lãnh” là không có thật.

“Bảo lãnh bản chất là một kiểu cấp tính dụng, khác hẳn với hình thức huy động như dạng tiết kiệm”, ông trao đổi thêm.

Câu chuyện gần 9 tỷ “biến mất” theo tố cáo của khách hàng cũng giống như những vụ việc trước đây liên quan đến việc mất tiền. Về nguyên tắc, ngân hàng sai bất cứ điểm nào, ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, nếu như hai bên không tự phân định hay thoả thuận được thì buộc cơ quan điều tra, toà án phải vào cuộc.

Tuy nhiên, theo ông Đức, quy trình này thường mất khá nhiều thời gian. Do đó, trước mắt, các cơ quan như Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, cơ quan chức năng có nhiệm vụ đảm bảo an tòan hệ thống tiền tệ, tín dụng cần nhanh chóng vào cuộc yêu cầu làm rõ.

Điều này, theo lời luật sư Trương Thanh Đức, sẽ phần nào giúp ổn định được niềm tin, tránh khủng hoảng hệ thống.

Sản phẩm “chứng chỉ tiền gửi” khách hàng Nguyễn Bạch Mai được tư vấn hoàn toàn gây bất ngờ đối với giới chuyên gia tài chính, luật sư. Ảnh minh hoạ: Anh Tuấn.

Đánh giá về những vụ việc khách hàng liên tục “tố” tài khoản “bốc hơi” hàng vài tỷ đồng xuất hiện trong thời gian qua, từ vụ việc này đến vụ khách báo mất 4 tỷ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), ông Đức cho rằng các sự cố này báo động rất nhiều vấn đề.

Mỗi vụ việc có đặc điểm khác nhau, nhưng bất cứ trường hợp nào cũng sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng, niềm tin của dân chúng, xuất phát từ vấn đề nguyên tắc, pháp luật cũng như cách thức xử lý.

“Trường hợp khách báo gần 9 tỷ trong ngân hàng bị mất nguy hiểm hơn một vụ mất trộm 9 tỷ thông thường rất nhiều. Các cơ quan có liên quan cần trả lời sớm, đúng hạn, có khởi tố hay không khởi tố cũng cần nói rõ, đằng này có những sự việc xảy ra rất lâu rồi nhưng chưa giải quyết xong”, ông nói.

Theo quan điểm của luật sư này, cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước cần sớm vào cuộc để có kết luận ban đầu vụ việc, hoặc kiến nghị cơ quan pháp luật giải quyết nhanh, tránh tâm lý hoang mang.

Một chuyên gia khác thì cho biết thêm ông cũng chưa từng nghe sản phẩm tiết kiệm có tên “chứng chỉ bảo lãnh”.

Với vụ khách tố gần 9 tỷ đồng “không cánh mà bay”, vị này cho hay bản chất việc xử lý các vụ việc đang tạo ra tiền lệ không tốt.

Ông dẫn ví dụ trước đây là vụ việc “siêu lừa” Huyền Như với việc ngân hàng không bồi thường. Cán bộ ngân hàng làm sai quy định thì ngân hàng cần truy. Còn việc chịu trách nhiệm với khách hàng vẫn cần xem xét.

Mỗi vụ việc xảy ra, theo lời vị chuyên gia này, sẽ khiến người gửi tiền mất niềm tin, e dè khi giao dịch và uy tín của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng, dù đúng hay không đúng.

Một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước thông tin thêm chắc chắn cơ quan thanh tra giám sát đã nhận được báo cáo của NCB. Tuy nhiên hiện nay, đơn vị này chưa đưa ra ý kiến, vì còn chờ kết luận điều tra từ cơ quan công an liên quan đến giấy tờ, chứng từ cũng như xác nhận các con dấu đóng trên đó là của ngân hàng hay bên ngoài.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, nguyên Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết ông không bình luận về câu chuyện trên do đã chuyển công tác.

Chiều 24/3, nhà băng này phát đi thông báo, khẳng định ngân hàng đang cùng bà Nguyễn Bạch Mai và các bên liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ việc, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Ngân hàng cam kết tuân thủ theo quy định của pháp luật và sẵn sàng chịu trách nhiệm căn cứ trên kết luận của cơ quan chức năng.

“Vụ việc của khách hàng Nguyễn Bạch Mai, ngay từ khi nhận được đơn thư, chúng tôi đã nhanh chóng rà soát, trả lời khách hàng cũng như liên tục mời bà Nguyễn Thị Thu Hà đến làm rõ và tìm hướng khắc phục, nhằm bảo đảm lợi ích của bà Nguyễn Bạch Mai.

NCB cũng đã báo cáo với Ngân hàng Nhà nước và chủ động chuyển hồ sơ cho phía cơ quan Công an, để tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ”, thông báo của ngân hàng cho biết.

Chí Dũng

—————

Zing (Kinh doanh) 27-3-2017:

http://news.zing.vn/9-ty-dong-bong-dung-boc-hoi-luat-su-noi-gi-post731921.html

(687/1.604)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,953