(ND) – Sau 12 năm duy trì bảo hiểm tiền gửi (BHTG) ở mức 50 triệu đồng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề xuất nâng lên 75 triệu đồng trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm đang gửi lấy ý kiến góp ý. Mặc dù hạn mức được đề xuất tăng gấp rưỡi so với hiện hành, nhưng các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng vẫn quá thấp.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI cho biết, khi thẩm định dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012, bản thân ông và nhiều chuyên gia kinh tế đều đặt vấn đề phải nâng mức bảo hiểm lên tối đa 200 triệu đồng để phù hợp tình hình thực tiễn và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, thời điểm đó vẫn chưa xem xét điều chỉnh, vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề nguồn lực của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) còn hạn chế, cần có thêm thời gian để cơ quan này tích lũy nguồn thu phí từ các tổ chức tín dụng (TCTD), các khoản lãi đầu tư và tăng nguồn thu phí… Đến nay xem xét điều chỉnh, nhưng chỉ tăng được hạn mức từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng là thấp. Từ trước đến nay, người gửi tiền không quan tâm mức BHTG vì Chính phủ và NHNN không để ngân hàng phá sản. Nhưng trong bối cảnh Chính phủ “sẽ thí điểm cho phá sản ngân hàng yếu kém”, kể cả với điều kiện “tiền gửi của người dân sẽ được bảo đảm khi phá sản ngân hàng” như thông điệp được đưa ra gần đây, thì BHTG sẽ trở thành vấn đề lớn. Nếu mức chi trả quá thấp sẽ gây thất vọng cho thị trường, không đủ thiết lập niềm tin cho người gửi tiền.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, theo khuyến nghị của Hiệp hội BHTG quốc tế, hạn mức chi trả BHTG phải phù hợp các yếu tố, như thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu tiền gửi, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác (lạm phát). Thông lệ quốc tế thường xem xét mức BHTG gấp bốn đến năm lần thu nhập bình quân đầu người của quốc gia. Như vậy, thu nhập bình quân của Việt Nam hiện nay khoảng 45 triệu đồng (2.000 USD), thì mức bảo hiểm tiền gửi chấp nhận được phải là 200 triệu đồng. Nếu tính đến khó khăn của DIV do nguồn vốn của Quỹ hạn chế, ngân sách nhà nước khó khăn không cho phép một hạn mức chi trả cao thì cũng phải duy trì mức 150 triệu đồng, chứ không thể là 75 triệu đồng.
Để có thể tăng được mức BHTG, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần thay đổi cách quản lý Quỹ. Cụ thể, phải tính mức thu phí phù hợp từng TCTD căn cứ vào mức độ rủi ro và quy mô tiền gửi, như thu phí cao với TCTD rủi ro cao và ngược lại, không thu chung một mức cào bằng như hiện nay. Ngoài nguồn thu phí từ TCTD, trước mắt cần tạm ứng một phần nguồn lực từ Nhà nước vào Quỹ, không nhất thiết là vốn từ ngân sách nhà nước mà có thể là từ các TCTD cổ phần hóa, thoái vốn. Bên cạnh đó, cần vận hành Quỹ hiệu quả hơn, tính toán cần để mức dự trữ bao nhiêu, một phần còn lại đem đi đầu tư lấy khả năng sinh lời (thí dụ mua trái phiếu Chính phủ).
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, trong thực tế, DIV mới là cơ quan gánh rủi ro khi có đổ vỡ hệ thống ngân hàng, nhưng vai trò của DIV vẫn mờ nhạt trong mạng an toàn tài chính quốc gia. Cơ quan này cần tham gia tích cực hơn vào công tác giám sát các TCTD để đánh giá, xếp hạng rủi ro, làm cơ sở áp dụng mức thu quỹ phù hợp “sức khỏe” của từng nhóm TCTD, kịp thời đưa ra cảnh báo đối với các TCTD yếu kém. Do đó, vấn đề quan trọng là cần tăng thêm chức năng, quyền hạn cho DIV, để vai trò của cơ quan BHTG không chỉ đơn giản là trả tiền cho người gửi tiền sau khi ngân hàng bị đổ vỡ, mà phải thật sự giám sát, chấn chỉnh và ngăn ngừa được sự đổ vỡ của ngân hàng.
Cùng quan điểm này, TS Cấn Văn Lực cho rằng, khi đã tính đến khả năng cho phá sản ngân hàng, cơ quan chức năng cần xây dựng quy trình, khung pháp lý đối với các TCTD phá sản (nước ngoài gọi là khung xử lý khủng hoảng), theo đó tăng cường vai trò của BHTG, không chỉ xử lý rủi ro khi xảy ra đổ vỡ, mà còn có vai trò cảnh báo nguy cơ đổ vỡ.
Hà Linh
—————
Nhân Dân (Kinh tế) 29-3-2017:
http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/32446302-de-dat-nang-han-muc-bao-hiem-tien-gui.html
(242/864)