(ĐTCK) – Theo quy định, cổ đông dù lớn hay nhỏ đều được quyền tiếp cận danh sách cổ đông, nhưng thực tế cho thấy, các doanh nghiệp thường không đáp ứng yêu cầu này của cổ đông nhỏ. Đây đang là nút thắt khiến cổ đông nhỏ không thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Pháp luật nên quy định các doanh nghiệp niêm yết có nghĩa vụ công khai danh sách cổ đông trong tài liệu họp đại hội đồng cổ đông
Muốn giải tỏa nút thắt này, ý kiến từ các chuyên gia cho rằng, cần sự vào cuộc của cơ quản quản lý nhà nước.
“Tuy mạng xã hội codongnho.vn bước đầu thành công trong tập hợp các cổ đông nhỏ để bầu dồn phiếu nhằm tăng tiếng nói, sự hiện diện của cổ đông nhỏ trong hội đồng quản trị ở các công ty, cũng như giải quyết tranh chấp khi có xung đột quyền lợi với doanh nghiệp và các cổ đông lớn, nhưng thực tế cho thấy, do không thể tiếp cận danh sách cổ đông nên đây đang là khó khăn lớn của cổ đông nhỏ trong hành trình bảo vệ mình”, ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng, Chuyên gia quản trị doanh nghiệp, Cố vấn trưởng mạng xã hội codongnho.vn cho biết.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc gặp trở ngại trong tiếp cận danh sách cổ đông đang là điểm nghẽn lớn khiến cổ đông nhỏ khó khăn trong liên kết với nhau để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ, mặc dù quyền tiếp cận tài liệu này đã được luật quy định rõ.
Quyền này của cổ đông được quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 114, Luật Doanh nghiệp: cổ đông phổ thông có quyền xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác.
Liên quan đến danh sách cổ đông có quyền dự họp đại hội đồng cổ đông, Khoản 3, Điều 137, Luật Doanh nghiệp quy định: “Cổ đông có quyền kiểm tra, tra cứu, trích lục và sao danh sách cổ đông có quyền dự họp đại hội đồng cổ đông; người quản lý công ty phải cung cấp kịp thời thông tin số đăng ký cổ đông, sửa đổi, bổ sung thông tin sai lệch theo yêu cầu của cổ đông; đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do không cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời, không chính xác thông tin sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu…”.
“Với quy định trên, chỉ cần doanh nghiệp nghiêm túc tuân thủ thì cổ đông không đến nỗi gặp khó khăn trong tiếp cận danh sách cổ đông như hiện tại. Bởi vậy, rất cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý trong thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ quy định này để tạo thuận lợi cho cổ đông nhỏ bảo vệ họ tốt hơn, qua đó góp phần tăng sức ép để nâng cao chất lượng quản trị tại doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.
Ở góc độ thực tiễn áp dụng pháp luật về doanh nghiệp, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhìn nhận, tuy Luật Doanh nghiệp ghi nhận cổ đông nhỏ có quyền tiếp cận danh sách cổ đông, nhưng nó không đồng nghĩa doanh nghiệp phải có nghĩa vụ công khai tài liệu này. Mặt khác, doanh nghiệp thường tìm cách né tránh việc cung cấp danh sách cổ đông với lý do cần giữ bí mật thông tin về cổ đông để tránh các hoạt động thâu tóm. Về lý, các cổ đông có quyền khởi kiện doanh nghiệp nếu bị từ chối cung cấp danh sách cổ đông, nhưng do thủ tục khởi kiện rối rắm và phức tạp nên họ thường không đi theo con đường này để bảo vệ mình.
“Từ thực tế trên, để giúp cổ đông nhỏ thuận lợi trong tiếp cận danh sách cổ đông, cơ quan quản lý cần có văn bản hướng dẫn: các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán phải có nghĩa vụ công khai danh sách cổ đông với tỷ lệ sở hữu cổ phần là bao nhiêu khi công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông, để giúp cổ đông nhỏ có công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp”, ông Đức đề xuất.
Với các công ty chưa niêm yết, văn bản hướng dẫn cần đưa ra nội dung định kỳ doanh nghiệp phải chủ động gửi danh sách cổ đông tới tất cả các cổ đông.
Được biết, tại dự thảo Nghị định quy định về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét ban hành, chưa đưa ra các nội dung nhằm tháo gỡ bất cập trên.
Bởi vậy, giới chuyên gia và nhà đầu tư đang trông đợi, trong thời gian tới, khi Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sửa đổi quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sẽ xem xét đưa ra hướng tháo gỡ nhằm giúp cổ đông nhỏ dễ dàng tiếp cận danh sách cổ đông.
Qua đó, không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cổ đông nhỏ tốt hơn mà còn gia tăng sức ép thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị, góp phần cải thiện sức hấp dẫn cho thị trường chứng khoán, đồng thời giúp doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động minh bạch, thuận lợi hơn khi tìm kiếm vốn qua thị trường chứng khoán.
Hữu Hòe
————-
Đầu tư Chứng khoán (Chứng khoán) 14-4-2017:
(232/1.022)