1.602. Tăng trưởng GDP: Rơi tự do, tăng thần kỳ

(ĐV) – Nhìn số liệu thống kê, ĐBQH Hoàng Quang Hàm cho rằng nếu thống kê đúng thì tăng trưởng có những bất hợp lý, trái logic thông thường.

Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; kế hoạch tài chính giai đoạn 2018-2020. Nội dung này sẽ kéo dài đến hết sáng 2/11.

Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính  ngân sách Quốc hội chỉ ra những điểm bất hợp lý trong tăng trưởng và chi tiêu ngân sách.

Ông cho biết, nhiều cử tri cho rằng số liệu tăng trưởng các quý gần đây không hợp lý, các năm gần đây tăng trưởng quý 1 thấp, nhưng các quý sau cao dần và đến quý 3, quý 4 thường rất cao, sau đó đến quý 1 năm sau lại giảm rất nhanh và đột ngột.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm

Cụ thể quý 4 năm 2015, cả nước tăng trưởng đạt 7,01% thì quý 1 năm 2016 rơi xuống 5,48%. Mức tăng trưởng này tăng dần ở quý sau và đạt 6,68% ở quý 4 năm 2016, nhưng lại đột ngột giảm ở quý tiếp theo.

Tương tự, năm 2017, chỉ số GDP quý 1 rất thấp (5,15%), tăng lên trong quý 2 (6,28%), đến quý 3 tăng ngoạn mục (7,46%) và quý 4 thì dự báo còn tăng cao hơn.

“Với số liệu thống kê trên, cử tri cho rằng nếu thống kê đúng thì tăng trưởng có những bất hợp lý, trái với logic thông thường. Vì vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ và có biện pháp khắc phục ngay”, ông Hàm nói.

Chung nỗi lo này với ĐBQH, trước đó, nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự khó hiểu và không yên tâm khi nhìn vào con số thống kê về tình hình kinh tế xã hội 9  tháng đầu năm.

Trong bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn hồi đầu tháng 10, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đã chỉ ra vài điểm khó hiểu trong thông cáo của Tổng cục Thống kê.

Chẳng hạn, ông chỉ ra  rằng: theo số liệu thống kê, “trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản đạt mức tăng cao nhất với 5,42% so với cùng kỳ năm 2016…” nhưng đi vào chi tiết hơn về phần thủy sản lại cho thấy sản lượng thủy sản chín tháng tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ năm 2016, trong khi phần chỉ số giá sản xuất của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản tăng 0,71% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, làm sao giá trị tăng thêm của ngành thủy sản là 5,42% được, trừ trường hợp năng suất của nhóm ngành này tăng cao một cách bất ngờ?!

Tương tự là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo thông cáo: “Điểm sáng của khu vực này là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,77% (cao hơn cùng kỳ năm 2016)…”; trong khi đó, ở phần công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tăng tương tự (12,8%) và phần chỉ số giá cho thấy chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 0,44%; chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 0,61%. Điều này là vô lý vì tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất của nhóm ngành này giảm liên tục do nền kinh tế gia công mạnh hơn.

Trong khi đó, từ bảng cân đối liên ngành của Tổng cục Thống kê, LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận xét, thu nhập từ sản xuất cho giá trị tăng thêm chỉ bằng 94% GDP, điều này cho thấy tăng trưởng GDP đang bị tác động rất nhiều từ các yếu tố bên ngoài chứ không phụ thuộc vào sản xuất.

Do đó, việc tăng GDP một cách gượng ép chỉ làm nguồn lực của nền kinh tế yếu đi trong trung và dài hạn và chính nó là tác nhân gây nên những mất cân đối về vĩ mô.

“Vấn đề quan trọng hàng đầu là phải giảm được chi phí, đặc biệt là những chi phí không chính thức, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, kinh doanh có lãi, nâng cao chất lượng đời sống lao động.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đời sống, xã hội, tăng chi cho y tế, giáo dục thì cũng phải tiết giảm tối đã chi tiêu thường xuyên của Chính phủ.

Không nên chạy theo tăng trưởng theo hình thức đầu tư phát triển hạ tầng, xây dựng các công trình nghìn tỉ”, LS Trương Thanh Đức nói.

Minh Thái (Tổng hợp)

————–

Đất Việt (Chính trị – Xã hội) 31-10-2017:

http://vietnamtime.net/tang-truong-gdp-roi-tu-do-tang-than-ky.html

(218/849)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,904