1.637. Quy định mới về ghi tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

(PL&XH) – Con cái có đóng góp công sức có thể được đứng tên trong “sổ đỏ”

Sổ hộ khẩu chỉ là một thông tin tham chiếu để ghi tên của người có quyền sử dụng đất trên GCN (GCN) chứ không phải là tất cả các thành viên trong sổ hộ khẩu mà không có quyền sử dụng đất lại được ghi tên trên GCN.

17 trường hợp thể hiện thông tin của người sử dụng đất trên GCN

Ngày 25-11, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm “Làm rõ quy định mới về GCN quyền sử dụng đất” để dư luận hiểu rõ thêm quy định trong Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 5-12-2017 đang gây tranh luận.

Ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, quy định pháp luật hiện hành có 17 trường hợp thể hiện thông tin của người sử dụng đất trên GCN và hộ gia đình chỉ là một trong số 17 trường hợp đó. Lần này, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT chỉ điều chỉnh cách thể hiện thông tin của các chủ thể là thành viên trong hộ gia đình mà có chung quyền sử dụng đất.

Theo ông Phấn, trước đây, pháp luật quy định chủ thể sử dụng đất đai là hộ gia đình và qua các thời kì đã ghi tên của chủ gia đình hoặc chủ hộ gia đình trên GCN. Tuy nhiên, trong thời kì đổi mới, thị trường đất đai, quyền sử dụng đất được mở rộng, nên tên của người chủ sử dụng đất là chủ gia đình không còn phù hợp.

Khi Nhà nước thu hồi đất và có chính sách đền bù hỗ trợ, trong nội bộ các hộ gia đình sẽ phát sinh ra sự tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các thành viên, không xác định được rạch ròi, rõ ràng thành viên nào là đủ quyền được hỗ trợ. Bên cạnh đó, khi quyền sử dụng đất được đưa vào thị trường đất sẽ gây khó khăn giữa người sử dụng đất và người nhận quyền sử dụng đất.

“Trong điều chỉnh lần này chúng tôi muốn đi vào bản chất, xác định chính xác chủ thể nào là thành viên trong hộ gia đình có quyền sử dụng đất để bảo đảm tính chặt chẽ về pháp lý, giảm thiểu mâu thuẫn trong hộ gia đình, bảo đảm việc minh bạch trong giao dịch quyền sử dụng đất sau này, bảo đảm việc khi nhà nước có hỗ trợ, đền bù”, ông Phấn nói.

Các chuyên gia giải thích cách hiểu đúng về Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT. ẢNH TƯ LIỆU

Con cái có đóng góp thì được cùng đứng tên trong GCN

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng, khái niệm hộ gia đình đã được đưa vào rất nhiều đạo luật. Đầu tiên, từ năm 1964, có trên 50 luật ghi nhận hộ gia đình. “Hộ gia đình sử dụng đất đã được định nghĩa rõ trong Luật Đất đai năm 2013 ở Điều 3 khoản 29, hộ gia đình là những người có đặc điểm chung như quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng. Những ý kiến lo ngại như giúp việc hay người thân quen nào đó nhập vào hộ khẩu để ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất là không có căn cứ”, luật sư Đức nói.

Có ý kiến cho rằng “hộ gia đình ở đây có nghĩa là hai người chủ hộ tương đương nhau là vợ và chồng. Hai người chủ của gia đình xác định quyền của mình đối với con cái, nếu con cái thực sự có đóng góp vào tài sản chung đó thì phải có sự xác thực của 2 chủ hộ”. Theo luật sư Đức, nếu như đất Nhà nước giao cho hộ gia đình làm nông nghiệp, ngư nghiệp thì tất cả các thành viên đều có quyền, nhưng đối với đất hình thành từ nguồn gốc khác thì phải do bản thân những thành viên trong hộ gia đình xác định.

“Nếu bố mẹ thấy con cái có đóng góp vào xây nhà, mua đất thì việc con cái cùng đứng tên là hợp lý, nếu như không có việc đó hoặc con cái nhỏ thì không có quyền đứng chung vào sổ đỏ của gia đình”, luật sư Đức lý giải.

Sổ hộ khẩu chỉ là một thông tin tham chiếu

Nói về trong những ngày qua, dư luận nổi lên vấn đề ghi tên, ghi thông tin người sử dụng đất căn cứ vào hộ khẩu, ông Mai Văn Phấn lý giải, nên phân định rạch ròi ra, hộ khẩu để quản lý việc thường trú của công dân, GCN ghi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất. Sổ hộ khẩu chỉ là một thông tin tham chiếu để ghi tên của người có quyền sử dụng đất trên GCN chứ không phải là tất cả các thành viên trong sổ hộ khẩu mà không có quyền sử dụng đất lại được ghi tên trên GCN.

Luật sư Trương Thanh Đức đồng tình cho rằng, hộ khẩu để quản lý hành chính và mục tiêu hoàn toàn khác, bỏ cái kia không ảnh hưởng gì đến cái này và hoàn toàn không gây phiền phức, khó dễ gì cho người dân.

Nói về trường hợp thành viên trong gia đình tại thời điểm giao đất đã từ chối quyền xác nhận vào sổ đỏ nhưng sau đó một thời gian, người ta nghĩ lại và bổ sung thành viên? Luật sư Trương Thanh Đức nhìn nhận, từ chối cũng có hai loại, một là từ chối quyền sở hữu, quyền sử dụng thì sau này không có quyền vào lại nữa. Còn nếu người ta cho người khác đứng tên, đứng thay mặt, ủy quyền thì phải thừa nhận quyền đấy của người ta.

“Người nào đứng tên trên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán thì mặc nhiên được quyền giao dịch hợp pháp dù không biết tiền của ai. Có lẽ đến lúc Luật Đất đai phải sửa, anh nào đứng tên thì được giao dịch, còn tranh chấp là tranh chấp bên trong, tranh chấp nội bộ chứ không phải là đẩy rủi ro đấy cho xã hội, cho bên ngoài”, ông Đức đề nghị.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, PGĐ Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội nhấn mạnh: “Nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 23 này gây rắc rối, phiền hà, thêm thủ tục hành chính. Tôi khẳng định luôn không có thêm thủ tục hành chính, không gây phiền hà, không gây rắc rối. Câu chuyện ghi bao nhiêu người, ghi những ai, thời điểm nào thì dữ liệu dân cư đã có rất đầy đủ”.

Tuy nhiên, ông Mai Văn Phấn cũng cho rằng “là cơ quan xây dựng chính sách, chúng tôi xin cầu thị tiếp thu, trong xây dựng văn bản pháp luật tiếp theo, cố gắng hòa nhập văn phong pháp luật và văn phong nôm để chính sách đi vào cuộc sống, dễ hiểu, dễ làm”.

Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT:

“c) Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại điểm a khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).”

Phương Thảo

—————–

Pháp luật & Xã hội (Gia đình) 28-11-2017:

http://tacnghiep.phapluatxahoi.vn/con-cai-co-dong-gop-cong-suc-co-the-duoc-dung-ten-trong-so-do-107899.html

(493/1.410)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,924