1.656. Chuyên gia chỉ ra hàng loạt quy định pháp luật liên quan cần sửa đổi

(PL) – Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thời gian qua nhận được sự quan tâm đặc biệt không chỉ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mà còn thu hút sự quan tâm góp ý của các chuyên gia pháp luật kinh tế. Đã qua nhiều lần chỉnh lý, nhưng đến nay một số chế định quan trọng của Dự Luật vẫn chưa nhận được đồng thuận cao. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, để thực sự hỗ trợ DNNVV thì mỗi Luật Hỗ trợ DNNVV không thôi chưa đủ mà còn cần sửa đổi, bổ sung hàng loạt các quy định pháp luật trong nhiều đạo luật có liên quan. Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Pháp lý đã có cuộc trao đổi với hai chuyên gia pháp luật kinh tế, thương mại: Luật sư Trương Thanh Đức, Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách VACD và Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại thuộc Hội Luật gia Việt Nam (VLCAC).

Tiêu chí và chủ thể thực hiện hỗ trợ: Cần xem lại

Phóng viên: Trong tiến trình xây dựng Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV, có nhiều quan điểm băn khoăn về tên gọi của Luật, nên là “hỗ trợ” hay “bảo vệ” hay “phát triển”. Theo ông, dù là “hỗ trợ” hay “bảo vệ” hay “phát triển” thì bản chất tốt đẹp mà Luật hỗ trợ DNNVV cần đạt được là gì?

  1. Trương Thanh Đức:Theo tôi tên gọi là Luật phát triển DNNVV vì nội hàm sẽ rộng hơn rất nhiều, bao gồm cả hỗ trợ lẫn bảo vệ, để phát triển. Nhưng dù là gì thì cũng phải hướng đến hỗ trợ những DN nghèo, yếu thế, khó khăn…

Phóng viên: Điều 4 Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV quy định tiêu chí chung để xác định DNNVV. Tuy nhiên, xung quanh quy định này vẫn còn nhiều ý kiến không đồng thuận. Cá nhân ông có bình luận gì về nội dung Điều 4 của Dự thảo. Theo ông, làm thế nào để xác định đúng đối tượng DNNVV cần được hỗ trợ?

  1. Trương Thanh Đức:Có thể nói, phần lớn DN hiện nay không phải là nhỏ hay vừa, mà là siêu nhỏ. Nhưng Dự thảo Luật lại không tách riêng DN siêu nhỏ, mà nhập chung vào loại DN nhỏ và DN vừa, nên DN siêu nhỏ sẽ không được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, hộ kinh doanh cũng chính là dạng DN siêu nhỏ nhưng đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVVchỉ bao gồm mô hình DN tư nhân và các công ty theo Luật DN 2014 mà không có hộ kinh doanh (chỉ hỗ trợ khi hộ kinh doanh chuyển thành DN), điều này là chưa thỏa đáng.

LS.Trương Thanh Đức, Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách VACD (Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam), Giám đốc Công ty Luật ANVI

Theo tiêu chí xếp hạng DNNVV được hỗ trợ tại Điều 4 Dự thảo Luật tôi thấy vẫn có thể coi là DN lớn nếu có doanh thu 200 – 300 tỷ đồng. Vậy, DN đã có doanh thu cao như vậy thì đâu cần hỗ trợ? Trong khi rất nhiều hộ kinh doanh đang lửng lơ, cần nhất sự hỗ trợ và các DN siêu nhỏ gần như không có người đỡ đầu, không tham gia VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp, vì vậy vị thế trên thực tế giống như “trẻ mồ côi”.

Do đó, theo tôi, nếu chỉ để định nghĩa DNNVV thì tiêu chí thế nào không quan trọng nhưng để xác định đối tượng hỗ trợ thì chỉ nên tập trung hỗ trợ DN siêu nhỏ, trong đó có cả hộ kinh doanh và hỗ trợ DN nhỏ yếu thế mà thôi. Còn nếu tiêu chí đưa ra vừa để định nghĩa vừa để xác định luôn đối tượng được hỗ trợ thì cần nghiên cứu thu hẹp lại mức doanh thu cao nhất nhưng phải xem xét phân nhóm cụ thể giữa DN siêu nhỏ, DN nhỏ và DN vừa, để đối xử hỗ trợ khác nhau trong Luật. Giữa DN siêu nhỏ, DN nhỏ với DN vừa gần trở thành DN lớn, có sự khác nhau quá lớn về năng lực và quy mô (có khi đến hàng trăm, hàng nghìn lần), nên không thể hỗ trợ cào bằng như nhau. Như vậy mới đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, thực chất, khả thi phù hợp với bối cảnh và nguồn lực còn hạn hẹp của nước ta.

Phóng viên: Bên cạnh vấn đề xác định tiêu chí DNNVV thì vấn đề xác định tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động hỗ trợ DNNVV cũng đang gây tranh luận trái chiều. Theo quan điểm của ông, làm thế nào để phân định quyền hạn của VCCI, Hiệp hội các DNNVV và các hiệp hội ngành nghề sao cho các tổ chức này phát huy được vai trò của mình trong hoạt động hỗ trợ DNNVV một cách hiệu quả nhất và minh bạch nhất ?

  1. Trương Thanh Đức: Nên quy định “mở”, để các tổ chức hoạt động mang tính cạnh tranh chứ không nên chỉ định bất kỳ tổ chức nào hoặc tập trung quyền hạn, trách nhiệm hỗ trợ DNNVV vào bất kỳ tổ chức nào. Nếu tổ chức nào hoạt động tốt, minh bạch, có các phương án hỗ trợ khả thi, đắc lực, thiết thực… DNNVV sẽ tự tìm đến. Theo đó, tổ chức sẽ xin cấp hỗ trợ từ chính quyền, từ nhà nước và nhà nước cũng phải có cơ chế xử lý yêu cầu xin cấp kinh phí một cách nhanh nhạy, linh động. Tức là chúng ta phải đi từ dưới lên: Tổ chức nào được DNNVV tin cậy thì mới được cấp nhiều ngân sách hoạt động chứ không nên “áp” từ trên xuống bằng cách chỉ định ngay một hay vài tổ chức rồi cấp ngay một khoản ngân sách “dồi dào” cho họ. Như vậy mới tránh được tình trạng lạm quyền, thiếu minh bạch đồng thời tạo được sự phối hợp hiệu quả giữa DN với tổ chức.

Hỗ trợ DNNVV muốn khả thi phải sửa nhiều Luật khác

Phóng viên: Bình luận về 7 nội dung hỗ trợ DNNVV (tín dụng, thuế, mặt bằng, công nghệ, thị trường, thông tin và tư vấn, nguồn nhân lực), nhiều người cho rằng Luật trình bày rất hay nhưng sẽ khó khả thi bởi vì 7 nội dung này cũng không thể vượt qua các quy định trong nhiều luật chuyên ngành khác được. Ông có cùng quan điểm như vậy không? Lý do là gì thưa ông?

  1. Nguyễn Văn Hậu: Trước hết, tôi phải khẳng định DNNVV đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội. Do đó, công tác hỗ trợ DNNVV phải được xem như một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của các quốc gia và phải được luật hóa thành đạo luật cơ bản nhằm thúc đẩy khu vực DN này đổi mới sáng tạo và phát triển, đóng góp ngày càng cao vào nền kinh tế. Chính vì vậy, Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV đã xây dựng 07 nội dung hỗ trợ (tín dụng, thuế, mặt bằng, công nghệ, thị trường, thông tin và tư vấn, nguồn nhân lực) là rất cần thiết, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng các chính sách cụ thể trong các luật chuyên ngành đối với nhóm đối tượng DNNVV.

Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại thuộc Hội Luật gia Việt Nam (VLCAC)

Với quan điểm e ngại về tính khả thi của 07 nội dung hỗ trợ nêu trên, tôi cho rằng cũng có cơ sở. Bởi vì hiện tại các điều từ Điều 8 đến Điều 14 mới chỉ quy định rất chung và mang tính nguyên tắc chứ chưa xác định cụ thể về mức hỗ trợ, tỷ lệ hỗ trợ trong mỗi lĩnh vực là bao nhiêu? Chưa quy định chi tiết về phương pháp hỗ trợ như thế nào?…Trong khi các Luật chuyên ngành cũng chưa có chế định ưu đãi dành riêng cho nhóm DNNVV. Do đó, như tôi đã nói ở trên, vì Luật hỗ trợ DNNVV chỉ quy định mang tính nguyên tắc nên sẽ phải sửa đổi và xây dựng thêm các chính sách cụ thể trong các Luật chuyên ngành.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, việc sửa đổi các Luật chuyên ngành sao cho đảm bảo được tính khả thi của 7 nội dung hỗ trợ trong Luật DNNVV là cực kỳ khó. Quan điểm của ông về vấn đề này ?

  1. Nguyễn Văn Hậu: Hệ thống pháp luật hiện hành đã có những quy định hỗ trợ cho DN nói chung theo từng lĩnh vực, theo địa bàn, theo ngành nghề đầu tư trong Luật đầu tư, Luật đất đai, Luật đấu thầu, các luật về thuế, Luật khoa học và công nghệ, Luật công nghệ cao, Luật chuyển giao công nghệ… Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ chỉ nên quy định những nguyên tắc chung hoặc dẫn chiếu những nội dung hỗ trợ DN mà các luật khác đã quy định để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật. Nếu trong các văn bản pháp luật chuyên ngành chưa có quy định hỗ trợ, ưu đãi cho đối tượng là DNNVV thì mặc dù việc sửa đổi, bổ sung là cực kỳ khó và tốn kém nhiều thời gian, công sức, kinh phí nhưng vẫn cần thiết phải thực hiện nếu chúng ta muốn xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, hiệu quả.

Phóng viên: Nói về nội dung hỗ trợ tiếp cận tín dụng đối với DNNVV, rõ ràng phải tuân thủ Luật các TCTD và pháp luật về cho vay (như thông tư 39/2016 của NHNN). Trong khi đó, nhiều người đánh giá hệ thống pháp luật tín dụng ngân hàng đang được quy định theo hướng trao nhiều quyền tự quyết cho các TCTD về điều kiện cho vay và mức lãi suất cho vay. Như vậy sẽ càng khó để các DNNVV đáp ứng được điều kiện cho vay của TCTD cũng như chấp nhận được mức lãi suất có thể rất cao do TCTD đưa ra. Do đó, nội dung hỗ trợ DNNVV tiếp cận tín dụng là không khả thi. Ông bình luận gì về vấn đề này? Theo ông phải sửa Luật các TCTD cũng như các quy định của pháp luật về cho vay như thế nào mới đảm bảo được tính khả thi của Điều 8 về hỗ trợ DNNVV tiếp cận tín dụng?

  1. Nguyễn Văn Hậu:Trong vấn đề này, đúng là hệ thống pháp luật tín dụng ngân hàng đang được quy định theo hướng trao nhiều quyền tự quyết cho các TCTD về điều kiện cho vay và mức lãi suất cho vay (minh chứng là theo Khoản 2 Điều 91 Luật các TCTD 2010 và Thông tư 39/2016 của NHNN, lãi suất cho vay trong hoạt động tín dụng không bị khống chế mức trần như đối với hợp đồng vay khác theo BLDS 2005, BLDS 2015 nữa).

Vấn đề đặt ra là làm sao để các TCTD (đặc biệt là các Ngân hàng) không vận dụng ưu thế của mình để đưa ra mức lãi suất quá cao, thay vào đó có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về lãi suất, nới lỏng điều kiện vay cho các DNNVV – đối tượng khó có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vì còn hạn chế về quy mô, mức độ tín nhiệm, không có tài sản bảo đảm, thiếu thị trường nên khả năng trả nợ bị đánh giá thấp… Tôi cho rằng đây cũng là một vấn đề khó khăn vì bản thân các Ngân hàng thương mại cũng là DN. Nếu Nhà nước muốn Ngân hàng hỗ trợ cho các DN khác thì bản thân các Ngân hàng cũng yêu cầu được Nhà nước có các ưu đãi, hỗ trợ thì họ mới có đủ nguồn lực để thực hiện. Ví dụ như hỗ trợ Ngân hàng thương mại về tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn, có quy định rõ ràng về lấy dư nợ tín dụng cho DNNVV của các TCTD là một trong các tiêu chí xem xét cho phép tổ chức này tham gia các chương trình của Nhà nước để khuyến khích các TCTD cho DNNVV vay…

Do đó, các nhà làm luật phải nghiên cứu kỹ chính sách này để vừa đảm bảo việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng đối với DNNVV vừa đảm bảo hoạt động thuận lợi của các TCTD. Tuy nhiên trước hết, Luật các TCTD sẽ phải quy định rõ ưu đãi, chính sách của Nhà nước đối với các TCTD khi cho DNNVV vay thì mới có cơ sở đảm bảo được tính khả thi của Ðiều 8 về hỗ trợ DNNVV tiếp cận tín dụng.

Cũng cần bổ sung rằng, lãi suất vay vốn cũng không hẳn là vấn đề quan trọng nhất mà quan trọng là DNNVV có nhiều thách thức như thiếu công nghệ, thiếu nguồn nhân lực, thiếu mặt bằng sản xuất và ðiều quan trọng nhất là thiếu thị trường; chi phí giao dịch ðối với đối tượng này lại cao nên các TCTD không đánh giá cao khả năng trả nợ của DN. Do đó, hỗ trợ được đồng bộ các nội dung kia cho DNNVV cũng là giải pháp để DNNVV tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn.

Phóng viên: Theo ông, việc hỗ trợ DNNVV về mặt bằng sản xuất, đất đai đang vướng mắc ở những quy định nào của luật chuyên ngành liên quan là Luật Đất đai? Nếu sửa thì cần phải sửa như thế nào?

  1. Nguyễn Văn Hậu:Đối với DNNVV, vấn đề tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh có thể xem là một trong những vấn đề nan giải và khó khăn nhất. Bởi hạn chế về tài chính và quy mô sản xuất, dự án nên DNNVV khó có khả năng kham được các chi phí giá thuê cao, thời hạn thanh toán tiền thuê cũng không linh động và phù hợp với khả năng tài chính đối với mặt bằng trong các khu, cụm công nghiệp mặc dù quỹ đất công nghiệp trong các khu này còn chưa được lấp đầy. Hơn nữa, bản thân các nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp cũng không muốn chia nhỏ diện tích cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của DNNVV vì những lý do trên. Chính vì không tiếp cận được đất tại các khu vực tập trung, DNNVV sản xuất phải đặt trụ sở, nhà máy, địa điểm kinh doanh… tại các khu vực dân cư, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân và gây khó khăn trong việc quy hoạch, quản lý của Nhà nước.

Hiện tại, trong Luật Đất đai 2013 không có quy định nào về ưu đãi, hỗ trợ cho DNNVV trong việc tiếp cận đất tại khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, làng nghề; đất sử dụng cho khu công nghệ cao; khu kinh tế…; cũng không có ưu đãi đối với các nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp nếu có chính sách ưu tiên cho DNNVV thuê mặt bằng. Chính vì vậy, nếu nội dung hỗ trợ mặt bằng sản xuất tại Điều 10 Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV được thông qua, thì Luật Đất đai sẽ phải có những sửa đổi sao cho phù hợp với quy định này và khắc phục những thiếu sót tôi đã nêu ở trên. Với tư cách là văn bản luật chuyên ngành, Luật Đất đai phải quy định việc hỗ trợ cho DNNVV được thực hiện theo hình thức nào, thời hạn hỗ trợ, mức hỗ trợ… là bao nhiêu một cách rõ ràng.


Hội thảo “Chiến lược cạnh tranh cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa”

Bên cạnh đó, đối với đối tượng DN nhỏ, siêu nhỏ cần thiết kế việc hỗ trợ sử dụng cơ sở hạ tầng và dịch vụ sử dụng chung. Đây là một nhu cầu đặc biệt cần thiết và rất có hiệu quả đối với DN nhỏ, siêu nhỏ. Chẳng hạn hình thành mô hình tòa nhà thương mại, cho thuê văn phòng sử dụng chung cơ sở vật chất như phòng họp, kho tàng…Cũng nên cho phép sử dụng nhà chung cư, nhà ở vào mục đích hỗn hợp vừa để ở vừa để đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện nếu nhà đó thuộc sở hữu của chủ DN hoặc thành viên góp vốn. Để làm được điều này cần phải sửa đổi cả Luật Nhà ở 2014 bởi khoản 11, Điều 6 Luật Nhà ở năm 2014 đang cấm “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở”.

Phóng viên: Còn đối với việc hỗ trợ về thuế cho DNNVV thì sao thưa ông?

  1. Nguyễn Văn Hậu:Trước đây, ngoại trừ những lĩnh vực đặc thù thì về cơ bản DNNVV được áp dụng mức thuế suất thuế TNDN là 20%, DN lớn là 22%. Nhưng theo Thông tư 78/2014 của Bộ Tài chính thì từ 01/01/2016 những trường hợp thuộc diện áp dụng 22% chuyển sang áp dụng thuế suất 20%. Như vậy hiện nay Luật Thuế TNDN không có quy định riêng ưu đãi về thuế đối với các DNNVV mà chỉ có các quy định về ưu đãi thuế suất, thời gian miễn thuế, giảm thuế chủ yếu dựa vào các yếu tố như DN thành lập mới, lĩnh vực đầu tư, hoạt động, ưu đãi với dự án có quy mô lớn và công nghệ cao…

Điều 9 Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV quy định: DNNVV được áp dụng mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho DN…; DN siêu nhỏ, DN nhỏ được thực hiện thủ tục đơn giản về thuế và kế toán theo quy định của pháp luật về thuế và kế toán. Do đó, khi Luật hỗ trợ DNNVV được thông qua, Luật Thuế TNDN, Luật Kế toán… cũng sẽ phải sửa đổi theo hướng phải có quy định riêng cho nhóm đối tượng là DNNVV. Tuy nhiên, mức thuế suất thấp hơn bao nhiêu? 15% hay 17%? Được áp dụng trong thời hạn bao lâu là vấn đề phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo DN kinh doanh có lãi và chính sách không bị lạm dụng; DNNVV có động lực phát triển, không chây ì, dậm chân tại chỗ (thậm chí là thu hẹp lại) để được hưởng ưu đãi và phải không vi phạm nguyên tắc thị trường cùng các cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc có một quy định chuyển tiếp: Ví dụ nếu doanh thu dưới 300 tỷ là tiêu chí xác định DNNVV, thì khi doanh thu trên 300 tỷ sẽ bị áp dụng mức thuế suất thuế TNDN của DN lớn là không hợp lý. Như thế thì các DNNVV sẽ mãi “không chịu lớn”. Theo tôi, chỉ nên áp dụng mức thuế suất thuế TNDN của DN lớn đối với phần “dôi” ra thôi. Quá một giới hạn nào đó thì mới bắt đầu áp dụng chung cả phần 300 tỷ.

Phóng viên: Tương tự, các nội dung hỗ trợ còn lại như công nghệ kỹ thuật, thị trường, thông tin, nguồn nhân lực cũng cần có sự “cụ thể hóa” từ các Luật chuyên ngành khác thì mới đảm bảo tính khả thi, đúng không thưa ông?

  1. Nguyễn Văn Hậu: Đúng vậy! Như tôi đã nói ở trên, Luật hỗ trợ DNNVV phải được xây dựng theo hướng là luật khung, chỉ quy định những nguyên tắc chung hoặc dẫn chiếu những nội dung hỗ trợ DN mà các luật khác đã quy định để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật. Còn việc ưu đãi, hỗ trợ cụ thể như thế nào thì cần thiết phải sửa đổi các Luật chuyên ngành tương ứng. Trong mỗi lĩnh vực còn lại, nhà làm luật cần phải có sự rà soát một cách cụ thể, kỹ lưỡng trước khi ban hành luật và phải đảm bảo sự kết nối, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Song việc sửa đổi luật cần được xây dựng trên nguyên tắc là cụ thể, khả thi, là động lực để DNNVV phát triển chứ không phải để họ lợi dụng các chính sách hỗ trợ nhằm trục lợi bất chính.

Phóng viên: Cuối cùng, xin ông đưa ra quan điểm của mình về giải pháp đồng bộ để đạt được tính khả thi trong việc triển khai 7 nội dung hỗ trợ DNNVV (Ngoài việc phải sửa đổi, bổ sung các Luật chuyên ngành liên quan)?

  1. Nguyễn Văn Hậu: Điều này đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ nhiều phía: Trước hết, từ phía Nhà nước thể hiện trong việc xây dựng các chính sách pháp luật rõ ràng, cụ thể, đồng bộ (như đã nói ở trên).
    Thứ hai là từ phía bản thân mỗi DNNVV, cũng cần phải nỗ lực hết sức trong việc sáng tạo, xây dựng và phát triển DN mình, đặt yếu tố an toàn, chất lượng sản phẩm lên hàng đầu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tận dụng được tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước đối với mình, từng bước xây dựng niềm tin với người tiêu dùng, mở rộng thị trường.

Ngoài ra, tôi cho rằng cần phải có sự phối hợp, sát cánh từ các nhóm DN lớn, các TCTD, các hiệp hội, liên đoàn… đối với hoạt động của DNNVV.

Đối với những DNNVV lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để thực hiện các hành vi gian lận, trốn thuế, cố tình kìm hãm sự phát triển… để hưởng lợi thì cần kiên quyết xử lý, giành cơ hội cho các DN khác. Tôi hi vọng rằng với sự ra đời của Luật hỗ trợ DNNVV, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNVV tại Việt Nam sẽ được khởi sắc hơn và đây sẽ thực sự trở thành “xương sống” của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn hai ông về những ý kiến góp ý xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV!

Lan Hương (thực hiện)

—————-

Pháp lý (Diễn đàn Luật gia) 17-5-2017:

http://phaply.net.vn/dien-dan-luat-gia/chuyen-gia-chi-ra-hang-loat-quy-dinh-phap-luat-lien-quan-can-sua-doi.html

 (884/3.865)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,408