1.664. Xây biệt thự “khủng” bị phạt 35 triệu đồng: Có đủ sức răn đe?

(VOV.vn) -Căn biệt thự chưa có giấy phép tại khu đô thị mới Phú Lương, Hà Nội xây gần hoàn thiện chưa có giấy phép, bị xử phạt 35 triệu đồng.

Vừa qua, dư luận rất bức xúc về việc một doanh nghiệp cố tình xây dựng căn biệt thự “khủng” khi chưa có giấy phép tại Khu đô thị mới Phú Lương (Hà Đông, Hà Nội). Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, yêu cầu đình chỉ, đơn vị này vẫn tiếp tục thi công công trình trong suốt nhiều tháng.

Mới đây, UBND quận Hà Đông đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp này, mức phạt là 35 triệu đồng. Sự việc này khiến dư luận đặt câu hỏi, mức phạt 35 triệu đồng có là quá nhẹ, không đủ sức răn đe, thậm chí còn có thể “cổ vũ” những sai phạm tương tự tiếp tục xảy ra?

Biệt thự xây dựng không phép ở Khu đô thị Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội

Công trình vi phạm trật tự xây dựng tại Khu đô thị mới Phú Lương (Hà Đông, Hà Nội) là một căn biệt thự đồ sộ 5 tầng, diện tích sàn xây dựng vài trăm mét vuông. Đơn vị thực hiện là Công ty cổ phần Đầu tư Trung Việt. Những người dân sống gần căn biệt thự này cho biết, chỉ khoảng mấy ngày gần đây mới thấy công trình dừng thi công. Sau khi biết căn biệt thự xây dựng gần hoàn thiện này chưa có giấy phép, bị xử phạt 35 triệu đồng, nhiều người dân rất bức xúc.

Một người dân nói: “Tôi nghĩ là tòa nhà to như thế thì họ phải làm đúng pháp luật. Nếu mà họ xây không phép như thế thì đúng là “con voi chui lọt lỗ kim”. Bây giờ ai mà cũng như thế thì hỗn loạn mất”.

Người dân khác bày tỏ: “Xây cả cái biệt thự nhiều tỷ đồng, mà phạt có 35 triệu đồng thì quá là ít. Nộp 35 triệu chứ 350 triệu họ cũng nộp vào để được làm”.

Làm việc với phóng viên VOV, đại diện UBND phường Phú Lương – ông Nguyễn Văn Phúc, Tổ trưởng Tổ Kiểm tra xây dựng cho biết, lực lượng chức năng phát hiện sai phạm vào tháng 12/2016, đến ngày 17/1/2017, UBND phường Phú Lương đã ban hành quyết định đình chỉ thi công đối với công trình, với lý do không có giấy phép xây dựng. Đồng thời, yêu cầu trong vòng 60 ngày (từ 17/01 – 17/03/2017), nếu chủ đầu tư không tự giác phá dỡ phần công trình vi phạm thì bị cưỡng chế phá dỡ.

Đáng chú ý là từ khi phát hiện, yêu cầu đình chỉ thi công cho đến nay đã khoảng 5 tháng, chủ đầu tư vẫn “hiên ngang” cho thi công công trình. Khi phát hiện, công trình đang xây dựng gần hết tầng 1, nhưng nay đã xây xong 5 tầng, gần như hoàn thiện phần thô, cao sừng sững như “thách thức” dư luận!

Ông Lý Chí Hồng, Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Thanh tra Xây dựng Hà Nội

Theo ông Lý Chí Hồng, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi thông tin về căn biệt thự “khủng” xây dựng không phép được đăng tải trên báo chí, Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra thực tế, yêu cầu UBND quận Hà Đông ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu chủ đầu tư chấp hành nghiêm các quy định của cơ quan chức năng, thực hiện đầy đủ quy định về thủ tục xin phép xây dựng. Khu đô thị này đã có quy hoạch, nhưng sai là chủ đầu tư chưa hoàn thành các thủ tục theo yêu cầu đã triển khai xây dựng.

Bình luận về mức xử phạt 35 triệu đồng, ông Lý Chí Hồng cho biết: “Riêng xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định trong Luật. Chính phủ cũng ban hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, cụ thể nhất là Nghị định 121 của Chính phủ. Đối với hành vi này, mức phạt nằm trong khung 30-40 triệu đồng. Việc xử phạt là một hình thức răn đe, bên cạnh đó còn là công tác giáo dục đối với chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng này”.

Hiện Công ty cổ phần Đầu tư Trung Việt đã chấp hành nộp phạt. Theo yêu cầu của cơ quan chức năng, công ty này cần hoàn thiện các thủ tục mới được tiếp tục thi công công trình. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận định, tình trạng xây dựng không phép, trái phép, sai phép vẫn tiếp tục tràn lan trong thời gian qua có nguyên nhân là do xử phạt chưa nghiêm.

“Tôi cho rằng, đầu tiên phải hạn chế, tránh để xảy ra vi phạm. Ngoài tăng cường phát hiện kịp thời, ngăn chặn ngay từ đầu, tránh việc đã rồi lại khó xử lý, thì có việc rất quan trọng là pháp luật phải rõ ràng, đủ nghiêm, đủ sức răn đe. Nếu những vi phạm về xây dựng mà lại chỉ phạt thấp như thế, gần như cào bằng, đổ đồng cho nhiều loại vi phạm thì gần như không có tác dụng trong thực tế. Có lẽ là phải tính theo diện tích xây dựng, theo giá trị công trình để xử phạt”- Luật sư Thanh Đức nói.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Xử phạt ở mức “nhẹ nhàng” rồi cho tồn tại đang làm dấy lên lo ngại về việc sẽ không chấn chỉnh được tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tràn lan. Ông Đỗ Viết Chiến – Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng nhận định: “Phạt để cho tồn tại thì mức phạt không tương xứng với mức vi phạm nên người ta chấp nhận nộp phạt để làm sai.

Như ở các nước, một m2 trên mặt bằng vi phạm, không rơi vào vùng nhất thiết phải phá, thì nếu muốn tồn tại phải trả 1m2 đó cao gấp 2-3 chục lần so với giá ở thời điểm hiện tại. Đó là hình thức răn đe rất lớn, bởi vì cái giá phải trả quá đắt, nên người ta phải cân nhắc khi làm. Quan trọng hơn là phải tăng cường khâu kiểm tra, quản lý, cứ địa phương tưởng của thành phố, thành phố tưởng của quận… thì cuối cùng không ai chịu trách nhiệm”

Nếu cứ phạt kiểu hời hợt rồi cho thời gian hoàn thiện thủ tục, thì sẽ “khuyến khích” các công trình vi phạm tiếp theo. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp phản ánh, thời gian chờ đợi xin cấp phép, hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng quá lâu, thậm chí tính bằng năm.

Vì vậy, không ít chủ đầu tư biết sai vẫn làm, chấp nhận nộp tiền phạt và lo dần thủ tục. Đã đến lúc cần có những giải pháp căn cơ để vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa đưa ra những cảnh báo đủ mạnh về cái giá phải trả cho những hành vi coi thường pháp luật. Có vậy mới mong chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tràn lan, phổ biến hiện nay./.

Lưu Huyền

—————-

VOV.vn (Xã hội) 27-5-2017:

http://vov.vn/xa-hoi/xay-biet-thu-khung-bi-phat-35-trieu-dong-co-du-suc-ran-de-628749.vov

(151/1.279)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.359. Trái phiếu doanh nghiệp, chưa kịp 'hồi' lại...

Trái phiếu doanh nghiệp, chưa kịp 'hồi' lại lo siết (TN) - Bộ Tài...

Trích dẫn 

3.844. Làm thế nào để nhận bồi thường bảo...

(NĐT) Làm thế nào để nhận bồi thường bảo hiểm do bão Yagi? (NĐT)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 222,661